Giáo dục

Cần pháp lý để giám sát dạy thêm, học thêm

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng cần phải đưa việc dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý xử lý bên ngoài trường học...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có rất nhiều văn bản quy định, đặc biệt có Thông tư 17 quy định việc kiểm soát dạy thêm - học thêm trong khuôn khổ của nhà trường. Tuy nhiên, đối với môi trường ngoài nhà trường, ngành giáo dục còn thiếu một cơ sở pháp lý để có thể quản lý, điều tiết, giám sát, xử lý.

Hài hòa lợi ích người học và giáo viên

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho rằng việc cho con đi học thêm rất nhiều trên thực tế cũng một phần xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh. Có người đem con đến gửi cho cô, nài nỉ cô vừa dạy vừa trông giúp. Cũng có trường hợp cha mẹ thấy con đi học một ca chưa yên tâm, ngoài giờ học chở con đi học; nghe đâu có thầy tốt là đưa đến ngay hoặc một tối học vài ca cũng tác động đến sự căng thẳng của việc học đối với trẻ em.

Lên tiếng về dạy thêm - học thêm, vừa qua đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) cho rằng thời gian gần đây, tình trạng dạy thêm trái quy định có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc cho nhân dân, tạo áp lực lớn cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học. Ông Huy cho rằng Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng và khẩn trương sửa đổi các quy định liên quan để quản lý hiệu quả, sâu sát, thiết thực và hài hòa lợi ích của học sinh, phụ huynh và giáo viên.

Học sinh học thêm tại một cơ sở bồi dưỡng văn hóa ở TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Theo đại biểu này, thực tế đời sống của đại bộ phận giáo viên hiện nay cho thấy dạy thêm là giải pháp để cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống. Bác sĩ có thể mở phòng khám tư sau giờ hành chính và nhiều người ở các ngành nghề khác có thể bôn ba ngoài giờ làm việc để tăng thu nhập thì nhà giáo dạy thêm là quyền lợi chính đáng. Trong khi đó, nhu cầu học thêm của nhiều học sinh là có thật. Khi học sinh muốn ôn luyện kiến thức chưa vững, muốn rèn luyện thêm năng lực nâng cao để sẵn sàng cho các kỳ thi tuyển sinh, chuyển cấp, thi học sinh giỏi… thì các lớp học thêm là địa chỉ tin cậy để người học tìm đến. Vấn đề là quy định và tổ chức thực hiện việc dạy thêm - học thêm như thế nào cho lành mạnh và đúng quỹ đạo.

Bà Văn Trịnh Quỳnh An, giáo viên Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TP HCM), cho biết theo quy định, giáo viên không được dạy thêm tự phát, không được dạy học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa... Thế nhưng, giáo viên có rất nhiều cách để dạy thêm, chẳng hạn như thành lập công ty để yên tâm dạy thêm đúng luật, dạy thêm ở trung tâm và thỏa thuận mức chi phí.

Một giảng viên của ĐHQG Hà Nội cũng cho rằng thực tế học sinh có nhu cầu bổ trợ, nâng cao kiến thức thì vẫn nên có người phụ đạo. Không nên cấm giáo viên dạy thêm, vì ai cũng có quyền được làm thêm ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập. Theo giảng viên này, dạy thêm là để bồi dưỡng, hệ thống hóa lại kiến thức cho học sinh có nhu cầu.

"Nghề kinh doanh có điều kiện" để tránh dạy lén

Theo giảng viên này, Bộ GD-ĐT có thể đưa ra điều kiện là "Chỉ những học sinh có điểm trung bình môn dưới mức quy định và có sự đồng ý của phụ huynh thì mới được đi học thêm môn đó. Việc tổ chức dạy thêm sẽ do nhà trường sắp xếp và bố trí giáo viên để công bằng cho toàn bộ giáo viên đều được tham gia giảng dạy". Nếu quy định này được thực hiện thì sẽ đưa dạy thêm - học thêm về đúng ý nghĩa của nó, vừa đáp ứng nhu cầu học sinh, nâng cao học lực cho các em vừa tạo điều kiện cải thiện thu nhập công bằng cho giáo viên. Việc đưa dạy thêm - học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ đáp ứng được quy luật cung cầu của xã hội.

Theo quy định của Thông tư 17 về quản lý dạy thêm - học thêm, giáo viên không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Tuy nhiên, phụ trách giáo dục tiểu học một phòng GD-ĐT tại TP HCM cho biết ngay cả bậc tiểu học, nếu muốn hoàn toàn có thể đưa dạy thêm - học thêm thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bởi ở bậc tiểu học, tùy theo nhu cầu của phụ huynh, học thêm chủ yếu là rèn chữ, kỹ năng. Bởi nếu cấm thì giáo viên cũng dạy lén lút.

Theo ông Trương Quốc Hưng, Hiệu trưởng Trường THCS Đức Trí (quận 1, TP HCM), nếu có thể bổ sung dạy thêm - học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì đây là việc rất nên làm. Ông cho rằng trong thực tế, nhiều giáo viên ở trường công có nhiều thời gian trống nên đi thỉnh giảng thêm ở các trường tư và chịu mức thuế thu nhập cá nhân. Nếu quản lý như ngành nghề kinh doanh thì sẽ mở đường cho giáo viên đăng ký - dạy bao nhiêu học sinh, thu mức giá bao nhiêu và các cơ quan quản lý sẽ thu thuế.

"Tuy nhiên, mức thuế đối với hoạt động này cũng cần có đặc thù riêng, nếu thu thuế quá cao thì không thể vì như vậy vô hình trung lại đẩy áp lực về phía học sinh" - ông Hưng nói.

Ông ĐỖ MINH HOÀNG, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5, TP HCM):

Chỉ dạy thêm khi học sinh hụt kiến thức

Quản lý dạy thêm - học thêm lâu nay vẫn trong vòng luẩn quẩn, nên nếu quy về quản lý như một ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì tốt hơn nhiều. Bản chất của dạy thêm - học thêm không xấu, chỉ xấu vì biến tướng dưới các biểu hiện như ép và lôi kéo học sinh học thêm. Nếu chương trình giáo dục không nặng về thi cử, kiểm tra, đánh giá, dạy theo đúng tinh thần phát huy năng lực, phẩm chất của người học thì dạy thêm - học thêm sẽ trả về đúng bản chất xưa kia, đó là khi học sinh thấy mình thiếu hụt kiến thức gì thì học thêm để bổ sung kiến thức đó hoặc muốn giỏi thêm nữa thì đi học thêm. Còn khi chương trình vẫn nặng về đúng - sai, học chỉ để phục vụ các kỳ thi thì dạy thêm - học thêm sẽ còn biến tướng.

Tác giả: YẾN ANH - ĐẶNG TRINH

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP