Ngôi nhà rộng 25m2 nằm trong một xóm lao động thuộc quận 8, TP HCM. Trước khi được cải tạo, ngôi nhà giống những phòng trọ rẻ tiền phổ biến trong thành phố: Kết cấu chính là khung thép, tường mượn của các nhà bên cạnh. Nhà không có hầm phân kỹ thuật mà xả trực tiếp ra môi trường xung quanh. Phần mái che chủ yếu là khung chịu lực bằng thép. Sàn gác lửng bằng ván ép đã mục nát. |
Chủ nhà là một họa sĩ độc thân và không dư dả về tài chính. Khi nhận công trình, kiến trúc sư Trương Nam Thuận và Nguyễn Việt Tuấn (công ty Thiên Nam Anh) cố gắng tiết kiệm tối đa cho gia chủ. Kết quả, tất cả chi phí, bao gồm cả nhân công, nguyên vật liệu và đồ dùng trong nhà (như tủ lạnh, giường...) chỉ tiêu tốn tổng cộng 100 triệu. |
Ngôi nhà mới vẫn là một trệt và gác lửng. Các kiến trúc sư tận dụng lại khung thép tái chế làm khung nhà. Gỗ pallet cũ được sử dụng làm tường, sàn gác lửng và mái nhà. Nguồn vật liệu này hầu hết được mua lại ở tình trạng đã qua sử dụng, sau đó được tẩm hóa chất và sấy khô để chống mối mọt cũng như cháy nổ. |
Chất liệu gạch bông được lấy cảm hứng từ hình ảnh của Sài Gòn xưa, với các viên gạch được xếp lặp đi lặp lại từ sàn cho đến tường, từ sàn cho đến khối nhà khu vệ sinh, từ sàn cho đến các không gian bếp tạo nên một thực thể gần gũi, mở rộng. |
Không gian mở thông tầng vừa là nơi tiếp khách, sinh hoạt, vừa là nơi thực hành việc vẽ tranh, sáng tác, cũng là nơi để nghỉ ngơi thường xuyên. Gác lửng là nơi để bàn thờ Phật và nghỉ ngơi ban đêm. |
Thiết kế nhằm tối ưu hóa các không gian sử dụng cho nhu cầu hàng ngày, trên cơ sở hợp thành các khối tiện ích như tủ lạnh, máy giặt và khu phơi thành một nơi khép kín. Cầu thang vừa dùng để di chuyển và cũng là chỗ nghỉ ngơi, đọc sách phía dưới. |
Khu vực bếp kết hợp với khu vực vệ sinh cá nhân. Chỗ này luôn thông thoáng nhờ có giếng trời nhỏ. Giữa mái nhà và trần nhà có những khe gió và ánh sáng, cho phép không gian trong nhà luôn có sự đối lưu không khí. |
Mặt cắt ngôi nhà. |
Ảnh: Trương Nam Thuận
Tác giả: Thái Bình
Nguồn tin: Báo VnExpress