Pháp luật

An toàn đò ngang: Nỗi lo mùa mưa bão

Thanh Chương hiện còn lại 4 bến đang hoạt động gồm: bến đò Phuống, bến đò Ngọc Sơn (còn gọi là bến Rú Nguộc ), bến đò Quánh và bến đò Cung. Các bến đò ngang đều đã được cấp phép mở bến. 100% người điều khiển phương tiện đều có chứng chỉ chuyên môn. Tuy nhiên, do công tác quản lý và đầu tư còn nhiều bất cập nên nguy cơ mất an toàn là rất cao, nhất là trong mùa mưa bão.

Là bến đò tự quản thuộc hai xã Thanh Yên và Thanh Giang, mấy năm nay, tổ lái đò ở bến đò Phuống luôn được yêu cầu phải có đầy đủ các trang thiết bị như phao cứu sinh, áo phao, bình chữa cháy... nên ý thức của người dân nơi đây mỗi khi qua đò cũng đã được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, do bến này xa các cầu nên lượng khách qua lại rất đông, vào giờ cao điểm, thường chở đầy đò nên không đủ áo phao gây nguy hiểm cho người và phương tiện.

Người qua đò không mặc áo phao vẫn còn nhiều trên bến đò Phuống.

Cũng do đây là một loại hình hoạt động không phổ biến nên việc đầu tư không đồng bộ và việc kiểm tra thiếu thường xuyên, mỗi năm chỉ vài ba lần nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hiểm họa. Trong tình hình mưa bão đang diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng vừa tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo ANGT tại các bến đò. Qua kiểm tra cho thấy, vẫn còn tình trạng người qua đò không mặc áo phao. Nguyên nhân được xác định là do trời nóng, áo phao quá bẩn và tâm lý chủ quan của hành khách, các lối lên xuống đã cơ bản được rải bê tông nhưng chất lượng thấp, lồi lõm, chưa được đầu tư xây dựng hệ thống lan can, hoạt động của mô hình “bến đò an toàn tự quản” chưa được duy trì thường xuyên.

Các lối lên xuống đò không có lan can phòng hộ.

Tại bến đò Ngọc Sơn, giấy phép đã hết hạn sử dụng, đò không có đai lan can phòng hộ mà trơn tuột rất nguy hiểm. Trung tá Trần Văn Xuyên - cán bộ Phòng CSGT đường thủy Công an Nghệ An cho rằng: Việc đảm bảo ATGT ở các bến đò ngang là trách nhiệm của các cấp chính quyền và ngành chức năng. Cơ quan chức năng đã xử lý các lỗi vi phạm và nhắc nhở các chủ phương tiện yêu cầu hành khách qua đò phải mặc áo phao, chủ đò không được hoạt động khi có nước sông dâng cao, nước chảy xiết hoặc mưa bão nhưng không thể nào kiểm tra thường xuyên được nên nguy cơ mất an toàn là rất cao.

Giấy phép hoạt động của bến đò Ngọc Sơn đã hết hạn, đò không có lan can phòng hộ trơn tuột nhưng vẫn hoạt động.

Các bến đò không có nhà chờ, biển nội quy chỉ dẫn, thông báo giá cả đổ gãy hư hỏng chưa được kịp thời sửa chữa, thay thế.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Thanh Chương thường có tình trạng người dân dọc các sông suối liều mình vớt gỗ củi trong mùa lụt, đây cũng là một ẩn họa khó lường.

Nhiều người dân ven sông vớt củi khi lũ về.

Đang trong giai đoạn cao điểm của mùa mưa bão, làm sao để các chuyến đò được an toàn, ngoài sự chuyên tâm chấp hành các quy định của chủ đò, ý thức của hành khách, các địa phương cần phải vào cuộc thực sự để đảm bảo cơ sở vật chất, cam kết với các chủ đò về đảm bảo ATGT, sẵn sàng đình chỉ tước giấy phép đối với người vi phạm, có biện pháp ngăn chặn người dân khi nước lũ về.

Tác giả bài viết: Đình Hà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP