Nhà đẹp

10 cây cảnh hút bụi mịn tốt nhất, trồng một chậu chẳng khác gì nhà có “máy lọc không khí”

Trồng một chậu trong nhà vừa sang vừa có thể hút bụi mịn, thanh lọc không khí, giúp bảo vệ sức khỏe của các thành viên trong gia đình.

1. Cau cảnh

Cây cau cảnh có khả năng hấp thụ khí CO2 và giải phóng khí O2 cực tốt. Tuy nhiên, điều làm cho cau cảnh trở nên nổi bật hơn hẳn là nó có khả năng thanh lọc các chất độc hại như formaldehyde, xylene và toluene.

Khả năng thanh lọc của nó thay đổi theo cường độ ánh sáng. Cây càng phát triển khỏe thì tác dụng thanh lọc không khí của nó càng tốt. Trồng một chậu ở phòng khách còn khiến không gian sống sang, đẹp hơn.

2. Lưỡi hổ

Lưỡi hổ là một loại cây cảnh tuyệt vời tạo ra khí O2 vào ban đêm, đồng thời có khả năng loại bỏ khí benzen, formaldehyde, trichloroethylene và xylene. Rất thích hợp để đặt cây lưỡi hổ ở phòng khách, phòng ngủ.

Trong quá trình chăm sóc, nên nhớ không tưới nước nhiều cho cây lưỡi hổ vì cây chịu được khô hạn. Chỉ nên tưới nước khi thấy đất gần khô. Nên đặt cây ở nơi có ánh sáng tán xạ, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào kẻo cháy lá.

3. Cây trầu bà

Theo NASA, cây trầu bà có thể loại bỏ được các chất độc hại khỏi không khí, bao gồm benzen, formaldehyde, xylene và toluene. Mặc dù loại cây này có khả năng thanh lọc không khí cao nhưng nếu trẻ con, vật nuôi ăn phải rất nguy hiểm.

Nên đặt cây ở nới có ánh sáng tán xạ, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào kẻo cháy lá, vàng lá. Một tuần nên tưới nước cho cây trầu bà 3 lần. Nếu nhà có trẻ nhỏ, thú cưng, nên treo lên cao, tránh xa tầm với của trẻ nhỏ, vật nuôi.

4. Cây lan chi

Cây lan chi là một trong những lựa chọn tuyệt vời để trồng cây trong nhà. Bạn có thể trồng trong chậu đặt ở bàn làm việc, phòng ngủ, phòng khách hoặc trồng trong chậu treo ở ban công.

Trồng một chậu nhỏ thôi cũng có thể giúp thanh lọc bụi mịn cực tốt, đồng thời giúp loại bỏ các chất độc hại như carbon monoxide và xylene. Cây cũng rất dễ chăm sóc, không cần tưới nước thường xuyên.

5. Cây lan ý

Không chỉ có tác dụng giữ bụi nhất định, cây lan ý còn có thể hấp thụ các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi có hại trong không khí trong nhà. Đồng thời, làm giảm các khí độc hại như toluen và xylen trong không khí trong nhà một cách thích hợp.

Lá cây lan ý còn có thể làm giảm các bào tử nấm mốc và hấp thụ một số axeton có hại. Khi trồng lan ý trong nhà cần cung cấp ánh sáng dịu thích hợp cho cây phát triển tốt. Không đặt cây ở nơi quá nóng hay có ánh sáng gay gắt chiếu vào.

6. Cây nha đam

Nhắc đến nha đam nhiều người nghĩ ngay đến khả năng trị bệnh, làm đẹp nhưng nó còn nổi tiếng là “máy lọc không khí”. Nha đam có khả năng hút bụi mịn, hấp thụ formaldehyde, benzen, làm sạch không khí hiệu quả.

Để biết được trong nhà có ô nhiễm hay không, bạn có thể đặt cây nha đam và quan sát sau một khoảng thời gian. Nếu những đốm trắng trên thân chuyển thành màu nâu, chứng tỏ cây đã hấp thụ rất nhiều không khí ô nhiễm.

7. Cây đa búp đỏ

Không chỉ đẹp, đa búp đỏ còn có thể hấp thụ hiệu quả các chất ô nhiễm khác nhau trong không khí, bao gồm cả bụi và các chất có hại dạng hạt. Sở dĩ như vậy vì trên bề mặt lá có lớp sáp, rất bóng, có tác dụng hút bụi rất hiệu quả.

Để bảo dưỡng cây đa búp đỏ khi trồng trong nhà, bạn nên đặt cây ở nơi có nhiều ánh sáng. Nên lau lá thường xuyên để lá sáng bóng, đẹp mắt hơn đồng thời tăng hiệu quả thanh lọc không khí của cây.

8. Cây thường xuân

Cây cảnh này cũng nổi tiếng với khả năng hút bụi mịn, thanh lọc không khí và giảm các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi trong nhà như formaldehyde, benzen và trichloroethylene. Bạn có thể trồng làm cây treo hoặc để trên bàn.

Khi trồng cây thường xuân trong nhà cần chú ý tránh để không khí quá khô, nếu không rất dễ sinh ra nhện đỏ. Thấy bầu đất khô khoảng 2-3cm thì hãy tưới nước, ngoài ra thỉnh thoảng nên phun nước xung quanh tán cây để làm sạch lá.

9. Tiểu bạch mã

Loại cây này có tên khoa học là Aglaonema Pseudobracteatum, tên tiếng Anh là Chinese evergreen plant. Ngoài việc nhả ra lượng oxy cao, loại cây này còn loại bỏ các chất độc hại như formaldehyde và benzen trong nhà.

Đặt một chậu tiểu bạch mã trong phòng khách vừa khiến không gian sống trông sang hơn vừa giúp thanh lọc không khí, bảo vệ sức khỏe gia đình. Lưu ý, chỉ nên tưới nước khi đất khô, không nên để cây tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng kẻo cháy lá.

10. Cây kim tiền

Cây kim tiền là loại cây cảnh trong nhà phổ biến, chịu được khô hạn, bóng râm và không tốn nhiều công chăm sóc. Cây có thể làm giảm các chất ô nhiễm trong không khí.

Lá tương đối bóng, có lớp sáp, có thể làm giảm bụi mịn và các chất dạng hạt trong không khí. Khi trồng cây kim tiền trong nhà, nên lau lá thường xuyên để tránh bám bụi, giúp cây phát triển tốt, lá xanh bóng hơn, đồng thời tăng khả năng thanh lọc không khí của cây.

Tác giả: Cẩm Tú

Nguồn tin: phunuphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP