Giáo dục

Thiếu giáo viên, nhà trường thu tiền của phụ huynh để thuê giáo viên dạy hợp đồng

Phụ huynh học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Sơn Lư, thị trấn Sơn Lư, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) phản ảnh, năm học 2020-2021, trường này thu một số khoản tiền gây bức xúc cho phụ huynh, trong đó có tiền thuê giáo viên dạy hợp đồng.

Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Sơn Lư, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) - nơi xảy ra vụ việc - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Theo tìm hiểu của phóng viên Tuổi Trẻ Online, trong những năm qua, Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Sơn Lư, huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn, được xây dựng nhiều công trình như: khu nhà bán trú học sinh và hạng mục phụ trợ, nhà đa năng, sân, khuôn viên nhà trường…

Để xây dựng các công trình này có nguồn kinh phí đầu tư của ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa, đóng góp của phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, với trường học ở vùng cao, điều kiện kinh tế của phụ huynh học sinh nơi đây còn nhiều khó khăn mà nhà trường đưa ra mức thu tiền của phụ huynh là chưa hợp lý.

Cụ thể, nhà trường thu tiền mua giường cho học sinh ở bán trú 400.000 đồng/học sinh, tiền thuê giáo viên dạy hợp đồng 300.000 đồng/học sinh, tiền ôn thi vào lớp 10 là 800.000 đồng/học sinh, tiền học thêm 120.000 đồng/tháng/học sinh, tiền nước lọc 180.000 đồng/học sinh, tiền quỹ hội phụ huynh 200.000 đồng/học sinh, tiền giấy vệ sinh 50.000 đồng/học sinh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về các khoản thu tiền của phụ huynh học sinh, ông Lê Duy Dũng - hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Sơn Lư - cho biết các khoản thu tiền mua giường cho học sinh bán trú, tiền ôn thi vào lớp 10, tiền học thêm, tiền nước lọc, tiền giấy vệ sinh đều được phụ huynh thống nhất, thông qua và đồng thuận.

Riêng tiền quỹ hội phụ huynh do phụ huynh các lớp tự thu, tự chi, chứ nhà trường không cầm số tiền này. Nhà trường có thu 300.000 đồng/học sinh để trả tiền công cho giáo viên dạy hợp đồng, bởi vì năm học 2020-2021 nhà trường thiếu giáo viên dạy môn tiếng Anh và môn toán.

"Để học sinh được học đủ số tiết, kiến thức trong sách giáo khoa, nhà trường buộc phải thuê giáo viên dạy hợp đồng hai môn nêu trên, dù biết việc thu tiền của phụ huynh học sinh để trả công cho giáo viên hợp đồng là sai.

Trong thời gian tới, nếu UBND huyện Quan Sơn cấp tiền thuê giáo viên dạy hợp đồng và tiền thừa giờ cho nhà trường thì chúng tôi sẽ trả lại tiền đã thu cho phụ huynh học sinh" - ông Lê Duy Dũng cho biết thêm.

Liên quan đến nội dung nêu trên, ông Lương Tiến Thành - chủ tịch UBND huyện Quan Sơn - khẳng định nhà trường thu tiền của phụ huynh học sinh để trả cho giáo viên dạy hợp đồng là sai quy định, nên phải trả lại cho phụ huynh.

Lãnh đạo huyện sẽ giao cho Phòng Tài chính - kế hoạch, Phòng Giáo dục và đào tạo rà soát lại tất cả các trường học của huyện để cấp đủ kinh phí đảm bảo việc dạy và học đủ tiết, đúng chương trình theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo.

Tác giả: HÀ ĐỒNG

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP