Trong nước

Phó thủ tướng: Covid-19 có thể kéo dài sang năm 2021

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương chuẩn bị tinh thần Covid-19 còn kéo dài sang năm 2021 như dự báo của WHO và các tổ chức quốc tế.

Ngày 3/10, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 (Ban chỉ đạo), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh quan điểm trên.

Ông nhận định, Việt Nam đang thực hiện mục tiêu kép nên phải tuyệt đối an toàn, nếu có dịch thì mọi nỗ lực phát triển kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. "Chúng ta đã có bài học Đà Nẵng và không để bài học đấy trở thành vô nghĩa", ông nói.

Phó Thủ tướng nêu ba bài học chung trong chống Covid-19 ở các nước trên thế giới: đeo khẩu trang là biện pháp đơn giản, hiệu quả nhất; phát hiện nhanh, truy vết, cách ly người nhiễm trong thời gian sớm nhất là biện pháp có tính quyết định; giãn cách xã hội là giải pháp quan trọng làm chậm tốc độ lây lan.

Ở Việt Nam, những bài học kinh nghiệm lớn được rút ra là hệ thống chính trị chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương đến địa phương; nhân dân ủng hộ, tham gia, có nhiều nghĩa cử cảm động. Việt Nam hợp tác quốc tế chặt chẽ trong nghiên cứu, phân lập virus, sản xuất sinh phẩm xét nghiệm, vaccine, phác đồ điều trị...

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Đình Nam

"Chiến lược của Việt Nam là chiến lược của một nước nghèo nên các biện pháp phòng, chống dịch được đặt cao hơn một mức, sớm hơn một bước so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để hạn chế ít nhất các ca lây nhiễm trong cộng đồng", Phó thủ tướng nói và cho hay điểm độc đáo của Việt Nam là quân đội và công an tham gia chống dịch ngay từ những ngày đầu cùng lực lượng y tế.

Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới phải làm tốt hơn nữa 5 nguyên tắc chống dịch là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch nhanh nhất có thể. "Dịch không trừ một ai, một địa phương nào. Không chỉ riêng Đà Nẵng, tỉnh nào cũng có thể xuất hiện dịch. Tuy nhiên, bài học rút ra từ Đà Nẵng là dù chúng ta đã cảnh báo phải giữ tuyệt đối an toàn các cơ sở y tế, đặc biệt là các khoa hồi sức cấp cứu, thận nhân tạo, có nhiều bệnh nhân nặng, có bệnh nền dài ngày nhưng dịch đã lây nhiễm sau khoảng hai tuần mới phát hiện ra. Nhiều nơi có thể bị như thế nếu không siết lại kỷ cương", Phó thủ tướng nói.

Vì vậy, ông yêu cầu phải xây dựng ngay hệ thống giám sát việc thực hiện các biện pháp chống dịch tại bệnh viện, trường học, khách sạn, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan nhà nước, nơi công cộng, vui chơi, giải trí...

Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cũng cho biết, dự báo mùa đông năm nay sẽ khốc liệt với các nước trong phòng chống Covid-19. Hai nguy cơ lây nhiễm lớn nhất với Việt Nam hiện nay là từ người nhập cảnh (cả trái phép, hợp pháp) và người mang mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng. Hai trọng tâm cần đặc biệt chú trọng trong thời gian tới là quản lý, cách ly người nhập cảnh, và phòng chống lây nhiễm trong các cơ sở y tế.

Ngành y tế sẽ xây dựng kế hoạch xét nghiệm phát hiện Covid-19 trong giai đoạn mới đảm bảo chính xác, tiết kiệm; có phương án xét nghiệm, giảm thời gian cách ly tập trung với chuyên gia, nhà đầu tư, đối tác thương mại, lao động kỹ thuật cao nhập cảnh Việt Nam từ một số khu vực an toàn.

Ông Long đề nghị tiếp tục tăng cường năng lực cung ứng sinh phẩm xét nghiệm, chẩn đoán nhanh; khẩn trương nghiên cứu sản xuất sinh phẩm xét nghiệm giá thành thấp nhất, với độ chính xác cao để sớm sử dụng tại cửa khẩu và cộng đồng.

"Chúng ta càng xét nghiệm nhanh thì khoanh vùng càng hiệu quả. Đây là bài học rút ra từ Đà Nẵng", ông Nguyễn Thanh Long cho biết.

PGS. TS Trần Như Dương, Viện phó Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho rằng việc truy vết các trường hợp F1 ngay khi phát hiện ca bệnh là yếu tố then chốt, quyết định, với nguyên tắc truy vết là phải "thần tốc và triệt để". Khi truy vết được F1, đơn vị có thẩm quyền phải nhanh chóng đưa họ ra khỏi cộng đồng, không được cho tự cách ly tại nhà.

Khi xuất hiện các điểm nóng dịch tễ, ổ dịch phức tạp, khó kiểm soát, các địa phương phải khoanh vùng, cách ly toàn bộ, dập dịch triệt để ở bên trong để ngăn chặn không cho lan rộng trong cộng đồng và không để lây lan sang nơi khác. Trong đợt chống dịch vừa qua tại miền Trung, chỉ trong thời gian ngắn, chính quyền đã thành lập hàng nghìn tổ phòng chống Covid-19 trong cộng đồng, huy động gần 3 vạn người trực tiếp tham gia.

Nhóm công tác của PGS Trần Như Dương đang soạn cuốn Sổ tay hướng dẫn truy vết người tiếp xúc với ca bệnh Covid-19, dựa trên kinh nghiệm chống dịch thời gian qua.

Tác giả: Viết Tuân

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP