Xã hội

Ông “tuyên truyền viên” ở làng

Nhiều năm nay, trong căn nhà nhỏ của cựu chiến binh (CCB) Hồ Văn Luyện tại xóm Trường Cửu, xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An luôn đầy ắp những tiếng cười nói vui vẻ của bà con láng giềng. Bên ấm nước chè xanh, người CCB mắt đã lòa, nhưng những lời ông nói, những câu chuyện giản dị đời thường ông kể, thực sự cuốn hút người nghe. Bà con gọi ông bằng cái tên trìu mến “tuyên truyền viên” ở làng.

Mắt lòa, nhưng tâm vẫn sáng

Cuối năm 2005, trải qua hai cuộc phẫu thuật về mắt, thế giới xung quanh của CCB Hồ Văn Luyện chỉ là những hình ảnh lờ mờ, rồi sau đó không còn phân định được mọi vật nữa. Bệnh viện xác định ông mắc chứng bệnh glocom, tổn thương dây thần kinh thị giác, dẫn đến việc mất thị lực hoàn toàn. Nhưng bóng tối chỉ che được ánh sáng đôi mắt chứ chẳng thể “bao phủ” được trái tim và khối óc của người CCB ấy…

12 năm như thế đã qua, CCB Hồ Văn Luyện vẫn luôn toát lên vẻ yêu đời, yêu cuộc sống, truyền cảm hứng sống đẹp đến với những người xung quanh. Với tâm niệm “tàn nhưng không phế”, dù đã 92 tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng, ông vẫn dành nhiều thời gian theo dõi các thông tin kinh tế, đời sống và xã hội qua đài truyền thanh và ra-đi-ô. Cùng với những trải nghiệm, vốn sống trong quân ngũ, ông Luyện trở thành đảng viên lão thành, người có uy tín tại địa phương. Lúc rảnh rỗi, ông lại mò mẫm tìm đến từng nhà vận động nhân dân làm đường giao thông, công trình thủy lợi; nộp thuế, vận động con em thực hiện nghĩa vụ quân sự. Hàng xóm có tranh chấp, bất hòa là có ông tới giảng hòa thấu tình đạt lý, tạo sự đoàn kết, góp phần củng cố tình làng nghĩa xóm và hệ thống chính trị ở cơ sở.

Cựu chiến binh Hồ Văn Luyện (trong cùng, bên phải) kể chuyện về Bác Hồ cho bà con nghe.

Thôn Trường Cửu bao đời yên ắng bên dòng sông Lam chở nặng những ký ức lịch sử. CCB Hồ Văn Luyện sinh ra và lớn lên tại đây, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Cha ông là Hồ Kỷ, một trong những thanh niên sớm giác ngộ cách mạng, gia nhập tổ chức cộng sản vào năm 1930. Trong kháng chiến chống Pháp, căn nhà của gia đình ông là cơ sở nuôi dấu cán bộ cách mạng và in ấn truyền đơn, tuyên truyền nhân dân chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp. Noi theo bố, thanh niên Hồ Văn Luyện ngày ấy cùng các anh chị em ruột trong gia đình lần lượt tham gia hoạt động cách mạng và nhiều người đã trở thành cán bộ trong quân đội.

Trong căn nhà của gia đình ông chẳng có gì đáng giá, chỉ có chiếc ti-vi cũ, bộ bàn ghế đơn sơ. Riêng “bộ sưu tập” ra-đi-ô được ông Luyện coi như vật bất ly thân. Các con cháu thấy ông thích nghe đài, hễ đi xa về là mua tặng ông một chiếc. Mỗi khi nghe được tin tức mới, nóng hổi ông lại mời các “bạn già” từ làng trên xóm dưới đến chia sẻ, bàn luận. Đặc biệt, ông là người rất tích cực tuyên truyền đấu tranh chống những tệ nạn xã hội, các biểu hiện tiêu cực, suy thoái đạo đức của một số cán bộ biến chất. Ông cười hiền, bảo: “Cơm có thể không ăn, nhưng tin tức một ngày không thể không nghe. Phải nghe để biết quê hương, đất nước đang đổi mới, phát triển ra sao, biết được cái tốt mà làm theo, biết được cái xấu để mà tránh, mà chống... Mắt mù, nhưng tâm và ý phải sáng”.

Năm 2015, khi thôn Trường Cửu phát động làm đường giao thông xây dựng nông thôn mới, một số gia đình chưa đồng ý hiến đất và phá bỏ tường rào nhà mình để làm đường. Ông Luyện vừa đến thăm, vừa để “làm công tác tư tưởng”, thuyết phục bà con, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Nhiều lần, đi làm công tác “dân vận” về thì ông bị lạc, loay hoay, mò mẫm mãi không tìm được đường về nhà. Trước sự tận tình của ông và kính nể trước tình cảm của một CCB cao tuổi, bị mù, nhưng đầy tinh thần trách nhiệm, cuối cùng các hộ dân cũng tình nguyện hiến đất làm đường. Đến nay, bà con trong thôn Trường Cửu đã hiến hơn 6.000m2 đất; thôn đã “về đích” trong xây dựng nông thôn mới. Có được những kết quả đó, một phần nhờ vào công sức không nhỏ của “tuyên truyền viên” Hồ Văn Luyện.

Ông Nguyễn Hưng Đạo, Bí thư Chi bộ thôn Trường Cửu, cho biết: “Tuổi đã cao, lại mất đi ánh sáng đôi mắt, nhưng CCB Hồ Văn Luyện là người sống đức độ, hiểu biết, là đảng viên lão thành có tiếng nói uy tín, là chỗ dựa tin cậy của Đảng ủy, chính quyền. Ông tích cực tuyên truyền, vận động bà con chấp hành chủ trương của Đảng và Nhà nước; luôn quan tâm, đề xuất và góp ý những giải pháp xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh. Những việc làm của ông Luyện rất đáng quý, là tấm gương tiêu biểu để các thế hệ noi theo, nhất là trong giai đoạn hiện nay toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tích cực thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nói lời hay, ý đúng

Với CCB Hồ Văn Luyện, cả cuộc đời từ thời niên thiếu cho đến bây giờ thì việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ là lý tưởng, lẽ sống của ông. Trước hết, ông luôn là người tiên phong, gương mẫu đi đầu trong các phong trào, hoạt động của thôn xóm; vận động con cháu trong gia đình, dòng họ thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Ông Nguyễn Đình Quang, Trưởng thôn Trường Cửu rất tự hào khi nói về CCB Hồ Văn Luyện: “Không chỉ chống gậy đến từng nhà vận động bà con hiến đất làm đường bằng cái lý, cái tình; một lần chưa được, ông lại đến lần hai, lần ba… Rồi hễ nghe trong thôn xóm, ai có mâu thuẫn, bất hòa ông lại tìm đến khuyên nhủ họ “chín bỏ làm mười”, cùng đoàn kết, đùm bọc nhau xây dựng đời sống văn hóa. Ai gặp hoàn cảnh khó khăn, ông Luyện đều bớt đồng lương hưu ít ỏi để chia sẻ… Trong các cuộc họp chi bộ, ông luôn thẳng thắn phê bình những đảng viên chưa làm tròn trách nhiệm, có biểu hiện vụ lợi, biến chất”.

Khi con cháu thấy ông tuổi đã cao, nhưng vẫn “bao đồng” nhiều việc; khuyên ông nên nghỉ ngơi cho tuổi già thư thái, nhưng ông chỉ cười mà rằng: “Tôi chưa thể nghỉ được, vì như thế là chưa làm tròn bổn phận của một đảng viên, một người lính-Bộ đội Cụ Hồ…”.

Căn nhà nhỏ của vợ chồng CCB Hồ Văn Luyện là nơi bà con tụ họp, gặp gỡ thường xuyên. Vào buổi sáng trước khi đi làm đồng, bà con lối xóm quây quần bên ấm nước chè xanh nghe ông Luyện kể chuyện về Bác Hồ, được ông nói cho nghe những tin tức thời sự nóng hổi. Trái lại, ông cũng lắng nghe những khúc mắc trong cuộc sống của bà con và cho lời khuyên hợp tình, hợp lý... Cán bộ, đảng viên khi gặp vướng mắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đều đến gặp ông Luyện xin ý kiến “tham mưu”.

Năm 2016, trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, ông nghe được những luồng dư luận trong nhân dân bàn tán về những thông tin sai sự thật để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội… Thế là ông lại đi đến từng nhà, gặp từng người tìm hiểu, giải thích, phân tích giúp bà con hiểu để không bị tiêm nhiễm những thông tin vô căn cứ; nói rõ bản chất, mưu đồ phản động và động cơ đó là những luận điệu xuyên tạc. Ông Nguyễn Ngọc Chất, người hàng xóm sát vách nhà ông Luyện kể với chúng tôi: Một buổi sáng như thường lệ, khi mọi người đang chuyện trò rôm rả tại nhà ông Luyện, một số thanh niên bàn tán về những thông tin trên mạng nói xấu lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Nghe được những lời đó, ông nói ngay: “Mọi người đừng nghe những thông tin bịp bợm, xuyên tạc của các thế lực phản động, đừng để chúng lợi dụng; nhất là trong dịp chuẩn bị đại hội Đảng. Chúng đang tìm mọi cách chống phá Đảng và Nhà nước ta”. Ông cho rằng, “mỗi đảng viên phải là một tuyên truyền viên của Đảng”; cán bộ, đảng viên phải là người trực tiếp tuyên truyền cho gia đình và nhân dân hiểu rõ bản chất sai trái, tính chất nguy hiểm của các thông tin bịa đặt; từ đó nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước các thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc. Ông kêu gọi mọi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không nhẹ dạ nghe và tin theo những thông tin xuyên tạc, bịa đặt.

Nói đoạn, ông Chất nhìn về phía CCB Hồ Văn Luyện với sự kính trọng, mà rằng: “Sống qua 2 thế kỷ, nhưng trái tim ông Luyện vẫn một lòng son sắt với Đảng và luôn mang tinh thần cách mạng lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ”.

Mới đây, khi được biết Giáo sư Hoàng Chí Bảo-một người có hàng chục năm nghiên cứu về Bác Hồ, có buổi nói chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại địa phương, mặc dù mắt không nhìn thấy, nhưng bằng mọi cách ông nhờ con cháu ghi âm, giúp ông nghe lại nội dung buổi nói chuyện của giáo sư. Nghe những câu chuyện xúc động về Bác, trong không gian tĩnh lặng, không ít lần đôi vai ông run lên, khóc không thành tiếng vì kính trọng, cảm phục Bác Hồ. Sau khi được tiếp thu nhiều thông tin mới và quý về cuộc đời sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác, ông lại mời các “bạn già” đến để chia sẻ, cho làng xóm xung quanh mượn ra-đi-ô, băng... về nghe. Ông kể lại những câu chuyện về Bác cho các con, các cháu thanh thiếu niên nghe để học tập. Với tấm lòng tôn kính, tri ân đối với Bác, ông truyền đạt lại cho con cháu những tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác Hồ với một giọng say mê, hào hứng, cuốn hút người nghe.

Đang nói chuyện với CCB Hồ Văn Luyện, một nam thanh niên đi vào chào mọi người, rồi đặt chiếc USB vào tay ông và dặn ông cất đi, khi nào muốn nghe thì nhờ con cháu mở ra. Hỏi ra mới biết, đó là anh Nguyễn Ngọc Hiệp, người “sành” công nghệ nhất xóm, thường giúp ông tìm những tư liệu về Bác Hồ. Anh Hiệp trìu mến nhìn ông Luyện, nói với chúng tôi: “Cứ thấy tôi sang chơi là ông lại nhờ tìm những buổi nói chuyện của Giáo sư Hoàng Chí Bảo về Bác Hồ để nghe. Nghe rồi, ông lại đi kể cho bà con trong thôn xóm. Có những lúc kể lại cho mọi người nghe chuyện về Bác Hồ mà ông ngẹn ngào, lấy vạt áo lau nước mắt. Sống qua 2 thế kỷ, gần trăm tuổi mà ông vẫn rất minh mẫn, mãi vẹn tròn niềm tin tuyệt đối vào Đảng, Bác Hồ và lý tưởng cách mạng.”

Vừa ra khỏi nhà CCB Hồ Văn Luyện, ngoái đầu lại, tôi thấy ông nhờ vợ mở chiếc ra-đi-ô để nghe chương trình thời sự buổi chiều của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi thầm nghĩ, cần gì lớn lao đâu, những con người lặng lẽ với những việc làm nhỏ, nói lời hay, ý đúng như ông Luyện thật đáng trân trọng nhường nào… CCB Hồ Văn Luyện thật xứng đáng được bà con gọi với cái tên trìu mến: Ông “tuyên truyền viên" ở làng.


Tác giả bài viết: NGỌC HÒA - HOÀNG LÊ

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP