Kinh tế

Nông dân nuôi cua, hàu phục vụ khách du lịch

Những năm qua, mô hình nuôi cua nước lợ, nuôi hàu... tại các xã ven biển của Nghệ An phát huy hiệu quả.

Theo ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, nuôi cua nước lợ là hướng đi bền vững, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân ven biển, do đó, huyện Diễn Châu đang tiếp tục chỉ đạo bà con vùng ven biển mở rộng diện tích từ 15 ha lên 20 ha.

Cua là loài nuôi ít dịch bệnh, chi phí vừa phải, cua được chăm sóc tốt chỉ sau thời gian 4 tháng có thể thu hoạch được. Với năng suất bình quân đạt 0,7 tấn/ha/năm, nuôi cua mang lại nguồn thu trên 250 triệu đồng/ha/năm.
Ông Phan Văn Trung ở xóm Quyết Thắng, xã Diễn Bích (Diễn Châu) thu hoạch cua. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Phan Văn Trung ở xóm Quyết Thắng, xã Diễn Bích (Diễn Châu) chuyên nuôi cua biển. Ông cho biết: Sau khi tham gia lớp tập huấn nuôi trồng thủy, hải sản do Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức, ông Trung quyết định nuôi thử cua nước lợ. Theo ông Trung, từ năm 1989 đến nay, trên diện tích ao 3 ha của gia đình, ông đã nuôi nhiều loại hải sản, nhưng giống cua nước lợ mang lại hiệu quả kinh tế cao và ít rủi ro nhất. Để có cua thương phẩm thu hoạch vào mùa du lịch biển, từ tháng 9 năm nay ông bắt đầu thả con giống, đến tháng 4 năm sau cho thu hoạch.

Mùa cua năm nay, gia đình ông Trung thả nuôi 10.000 con cua giống trên diện tích 1 ha; với số vốn đầu tư là 50 triệu đồng, khi thu hoạch cua đạt trọng lượng 5 con/kg, ước thu hoạch được 1 tấn cua thương phẩm, tương đương khoảng 350 triệu đồng. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cua, ông Trung cho biết: Cua không cần phải chăm sóc thường xuyên như các loại hải sản khác. Thức ăn chủ yếu của cua là các loại cá nhỏ có trong ao, thỉnh thoảng thay đổi "khẩu vị" cho cua bằng các loại cám, ngô. Thường trong 1 ngày, khi không có thời gian cho ăn thì cua vẫn sống nhờ thức ăn sẵn có trong ao; khi nước ô nhiễm hoặc thiếu ô-xy, cua có thể leo lên bờ vẫn đảm bảo sức khỏe.

Huyện Quỳnh Lưu có thế mạnh nuôi ngao và thị trường rộng mở, nên đến nay đã có trăm ha ngao ven biển. Ông Bùi Xuân Trúc - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết: Toàn huyện hiện có 140 ha diện tích nuôi ngao thương phẩm, tập trung nuôi ở dọc bãi triều các xã Quỳnh Thọ, Sơn Hải, Quỳnh Thuận, An Hòa... Nghề nuôi ngao ở bãi triều được người dân nuôi theo hình thức thâm canh. Sản lượng ngao của huyện hàng năm đạt từ 2.800 - 3.000 tấn/năm. Ngao biển là loại hải sản sạch nên được khách hàng ưa chuộng, tiêu thụ rộng rãi khắp cả nước.

Nuôi hàu trên dòng Mai Giang. Ảnh tư liệu

Ở huyện Quỳnh Lưu hiện còn phát triển nghề nuôi hàu, với gần 20 bè hiện có, sản lượng 20 tấn hàu vỏ/năm; triển mạnh nghề nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm với diện tích 450 ha nuôi tôm thâm canh. Huyện phấn đấu đến năm 2020, diện tích nuôi thủy sản đạt khoảng 2.350 - 2.450ha (kể cả diện tích nuôi thả trực tiếp vào lòng hồ và nuôi cá lồng trên mặt nước hồ chứa), sản lượng đạt từ 11.000 - 12.000 tấn.

Nghệ An hiện có hơn 1.700 ha diện tích nuôi mặn, lợ. Trong đó, 1.500 ha tôm, 155 ha ngao, hàu và 95 ha nuôi cua, cá và các loại hải sản khác. Mỗi năm sản lượng nuôi trồng mặn, lợ đạt gần 10.000 tấn, trong đó 6.000 tấn tôm, 3.500 tấn ngao, hàu và gần 300 tấn cua và các đối tượng khác. Theo quy hoạch phát triển thủy sản của tỉnh, mục tiêu đến năm 2020, diện tích nuôi mặn, lợ toàn tỉnh đạt 1.800 ha, sản lượng đạt 12.000 tấn các loại.

Tác giả: Xuân Hoàng
Nguồn tin: Báo Nghệ An
  Từ khóa: nước lợ ,phát huy ,mô hình

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP