Kinh tế

Ngân hàng rục rịch tăng lãi suất tiền gửi

Lãi suất tiền gửi được một số ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ từ 0,1-0,3% ở kỳ hạn dưới 3 tháng và từ 12 tháng trở lên.

Khảo sát thị trường cho thấy, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại một số ngân hàng tiếp tục điều chỉnh nhẹ, ở cả chiều tăng và giảm.

Ở nhóm tăng, lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân tăng từ 0,1-0,3% ở một số kỳ hạn dưới 3 tháng và từ 12 tháng trở lên so với kỳ điều chỉnh trước.

Theo đó, cập nhật dữ liệu ngày 9/11, BaoVietBank tăng 0,15% lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên mức 5,9%/năm, tăng 0,1% lãi suất kỳ hạn 12 tháng lên 6,35%/năm. Ở các kỳ hạn từ 13-36 tháng, lãi suất tiền gửi lĩnh lãi cuối kỳ được ngân hàng này áp dụng ở mức 6,5%/năm.

Tại SHB, biểu lãi suất tiết kiệm bậc thang và tiền gửi có kỳ hạn lĩnh lãi cuối kỳ áp dụng cho các khoản dưới 2 tỷ đồng được ngân hàng điều chỉnh tăng thêm 0,4%, lên mức 6,1% đối với kỳ hạn 24 tháng.

Với các khoản tiền gửi từ trên 2 tỷ đồng đến 500 tỷ đồng, SHB áp dụng mức 6,2% đối với kỳ hạn dài 24 và 36 tháng.

Ở biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm online và lãi suất tiết kiệm tự động, ngân hàng này áp mức 6,3-6,35% đối với kỳ hạn dài 24 và 36 tháng.

Một số ngân hàng rục rịch tăng lãi suất huy động nhằm thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân (Ảnh: Mạnh Quân).

Trước đó, trong tháng 10, một số ngân hàng như Eximbank, Sacombank cũng tăng từ 0,1-0,4% đối với các kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống và từ 12 tháng trở lên. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng được Eximbank tăng lên 3,3%/năm, kỳ hạn 3 tháng tăng lên 3,5%/năm.

Lãi suất kỳ hạn 3 tháng được Sacombank tăng 0,4% lên 3,4%/năm, kỳ hạn 12 tháng tăng lên 5,5%/năm và 24 tháng tăng lên 6%/năm.

Theo đó, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân đầu tháng 11 phổ biến ở mức 2,4-3,8%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; từ 4-6,1%/năm với kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng; và 4,8-6,5%/năm với kỳ hạn 12-13 tháng.

Ngoại trừ SCB áp dụng mức lãi suất 6,8%/năm cho số tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên đối với kỳ hạn 12 tháng; VietABank, Bac A Bank và Kienlongbank là ngân hàng có lãi suất tiền gửi cao nhất với 6,5%/năm. Xếp ngay đó là BaoVietBank mức 6,35%/năm.

Ở kỳ hạn 6 tháng, NCB và Bac A Bank áp dụng mức lãi suất cao nhất 6,1%/năm, kế đến là Viet A Bank với 6%/năm.

Ngược lại, một số ngân hàng điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất huy động. Từ ngày 1/11, đối với khách hàng thường, dưới 50 tuổi và khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng, Techcombank giảm 0,4% lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng, xuống còn 2,4%/năm; trong khi lại tăng 0.1 điểm phần trăm lãi suất kỳ hạn 24 tháng lên 5%/năm.

Ở nhóm ngân hàng quốc doanh, Vietcombank giảm nhẹ 0,1% lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng giảm còn 3%/năm, kỳ hạn 3 tháng còn 3,3%/năm.

Theo thống kê tại 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, tính đến cuối tháng 9, tiền gửi khách hàng đạt hơn 7,7 triệu tỷ đồng, tăng hơn 460.172 tỷ đồng, tương đương tăng 6,4% so với đầu năm. Mức tăng này thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ các năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh.

10 ngân hàng cổ phần có tiền gửi khách hàng nhiều nhất bao gồm: BIDV, Vietcombank, VietinBank, SCB, Sacombank, ACB, MB, SHB, Techcombank, VPBank, HDBank.

Hiện cả 3 ngân hàng: VietinBank, Vietcombank, BIDV có tiền gửi đạt trên 1 triệu tỷ đồng. 3 ngân hàng này cùng với Agribank đang nắm giữ thị phần khoảng 47- 49% tiền gửi toàn hệ thống hiện nay.

Ở nhóm ngân hàng tư nhân, SCB, Sacombank, ACB, MB và SHB là 5 ngân hàng có tiền gửi nhiều nhất.

Trong 9 tháng đầu năm, nhìn chung các ngân hàng lớn đều có tăng trưởng tiền gửi tích cực. Chỉ riêng Sacombank bị sụt giảm 2,1%.

Đánh giá về xu hướng lãi suất huy động thời gian tới, SSI Research giữ quan điểm mặt bằng lãi suất huy động - cho vay sẽ được các tổ chức tín dụng tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ trong quý IV. Còn BVSC lại dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi ngang trong thời gian tới.

Tác giả: An Hạ (tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP