Giáo dục

Mấy điều cẩn trọng khi báo cáo sĩ số học sinh thời Covid-19

Một tuần qua, khi một bộ phận học sinh trở lại trường học tập, lãnh đạo các trường vừa phải duy trì hoạt động dạy học bình thường, vừa thực hiện các biện pháp siết chặt an toàn trường học, không để bị lây nhiễm Covid-19.

Mỗi ngày đến trường bây giờ, hiệu trưởng canh cánh đủ thứ việc. Nào là xà phòng rửa tay, làm vệ sinh các lớp, bộ phận tạp vụ khử trùng sân trường, lớp học, các phòng chức năng… Nào là xin hỗ trợ hoặc mua thêm Cloramin B, trang bị bình phun thuốc khử trùng, diệt khuẩn. Có vất vả, nhưng thầy cô ai cũng vui vì được chăm lo sức khỏe cho học sinh.

Chào cờ tại lớp 12A2, Trường THPT Lộc Phát, Lâm Đồng

Nhưng đâu chỉ có thế!...

Mỗi buổi học – theo yêu cầu của cấp trên - các trường báo cáo sĩ số về đầu mối (ít nhất là 3), số liệu phải chính xác và kịp thời. Bạn đọc sẽ nghĩ, học sinh không đến trường, ghi vắng rồi báo cáo, có gì mà ca thán? Xin thưa, vắng học vì lý do gì, trường cần làm rõ: Vắng học do gia đình có việc riêng, do đau ốm, vì sốt, ho hay gia đình chưa cho đi học hoặc do học sinh lười muốn nghỉ nướng? Nếu lơ đễnh, khi tổng hợp sẽ cho kết quả sai lệch, không thể chấp nhận.

Ví như tôi đọc được (trên Googledrive) có trường đã nhầm. Chẳng hạn, tổng số học sinh của trường là 900, số đi học là 891 học sinh, nhưng ở cột vắng thì người ta lại nhập... 0 học sinh. Có đơn vị, hôm nay tổng số học sinh là X, thì ngày mai tổng số học sinh lại là X1. Có địa phương lãnh đạo đã phải kêu lên tại sao tổng số học sinh ngày hôm trước và ngày hôm sau lệch nhau tới hơn... nghìn em?

Có trường báo cáo sai, khi được đơn vị bạn nhắc nhở (trên group cán bộ quản lý) thì không nhận mà vẫn tự tin là mình chính xác, còn nhắn tin mắng người góp ý: “Nói lung tung, không đúng chức năng”.

Tôi trộm nghĩ, là cán bộ quản lý với nhau mà còn đối xử như thế, huống chi giáo viên thuộc quyền, chắc là sợ hiệu trưởng chết khiếp. Chuyện góp ý, tranh luận với hiệu trưởng thôi thì im lặng cho xong, dân chủ cơ sở e cũng chỉ hiện diện qua những báo cáo có cánh mà thôi.

Có hiệu trưởng, cấp trên chỉ yêu cầu báo cáo ở kênh này, lại cẩn thận báo cáo thêm các kênh khác, không cần thiết. Do vị này không đọc hướng dẫn hay thà nhầm còn hơn bỏ sót?

Có hiệu trưởng, cấp trên không yêu cầu nêu họ tên học sinh nghỉ ốm, thế mà trong báo cáo vẫn ghi đầy đủ. Có trường hợp lý do nghỉ “tế nhị” cũng được đưa lên mạng xã hội. Học sinh đang ở độ tuổi vị thành niên, hiệu trưởng cần thận trọng trong việc nêu họ tên các em.

Rồi từ ngữ dùng trong báo cáo, có hiệu trưởng đánh máy không dấu, những từ lẽ ra viết hoa thì lại không. Có cán bộ quản lý dùng những biểu tượng rất “teen” khi bày tỏ cảm xúc với những tin nhắn (trên mạng xã hội). Thầy viết như thế, chả trách trò thả bom tấn trên Facebook, Zalo. Đã đến lúc trên các nhóm trao đổi công vụ, lãnh đạo đơn vị cần quy định văn hóa ứng xử, chuẩn mực trong báo cáo...

Cả nước nói chung, ngành giáo dục nói riêng đã và đang có nhiều cố gắng trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trước những khó khăn, phải đối mặt với tình huống chưa gặp, thầy trò và phụ huynh đã chung tay nên với những trường đã trở lại học tập, mọi việc cơ bản ổn định.

Rồi cũng sẽ tới lúc học sinh từ mầm non đến THPT, sinh viên các đại học, cao đẳng lần lượt trở lại trường theo quyết định của lãnh đạo địa phương, lãnh đạo các cơ sở giáo dục. Trước yêu cầu của việc phòng, chống dịch, các trường ít nhiều sẽ có lúng túng. Mong rằng tâm trạng đó qua mau, không còn chuyện như báo cáo sĩ số học sinh thời... Covid-19.

Tác giả: Nguyễn Ngọc Anh

Nguồn tin: Báo Việt Nam Net

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP