Pháp luật

Kinh hoàng những tội ác của 'ngáo đá'

Ma túy đá đã phổ biến và thường xuyên đe dọa an ninh, trật tự xã hội tại nước ta. Tuy vậy, người nghiện đá hoàn toàn có thể cai thành công nếu thực sự có ý chí và nhận sự giúp đỡ của gia đình, cộng đồng...

Người ngáo đá trèo lên cột điện


Ngáo đá giết người, giết mình

Đây là trường hợp của Võ Văn Quyên (SN 2000, ở Bình Dương) xảy ra vào trưa 20/10. Cụ thể, ông Lê Văn Đường (84 tuổi) đang ở trong căn nhà cấp bốn tại huyện Phú Giáo (Bình Dương) bất ngờ bị Quyên xông vào, dùng gậy đập ông Đường tử vong. Kinh hoàng hơn, cụ ông sau khi chết còn bị hung thủ cắt rời một số bộ phận trên cơ thể.

Người dân xung quanh đã nhanh chóng vây bắt Quyên, lúc đó đang có biểu hiện bị ảo giác do sử dụng ma túy như sùi bọt mép, mắt trợn ngược, co giật liên tục… Nam thanh niên này được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong trong chiều cùng ngày.

Cơ quan chức năng thu giữ lượng lớn ma túy đá

Ngoài trường hợp trên, những vụ ngáo đá tấn công người xung quanh, gây nguy hiểm cho cộng đồng xảy ra khá thường xuyên trên cả nước. Chiều 29/7 vừa qua, Nguyễn Tuấn Dũng (SN 1979, ở Hoàng Mai, Hà Nội) có biểu hiện ngáo đá đã lấy dao, súng hơi bắt giữ bạn gái trong một căn nhà trên phố Lĩnh Nam (Hà Nội). Khi cảnh sát tới vận động, Dũng tẩm xăng vào tấm vải, cuộn lên bình gas và dọa kích nổ. Trước khi bị khống chế, đối tượng này còn dùng súng bắn về phía cảnh sát khiến 1 chiến sĩ bị thương.

Cũng tại Hà Nội vào trưa 23/2, chị H. (SN 1972) khi đến Khu đô thị Văn Khê (Hà Đông) chơi đã bị Đào Mạnh Thắng (SN 1988, ở Thái Bình) chặn lại. Lúc này, Thắng không mặc quần áo, đứng ở giữa cửa và nhất định đòi “yêu” người phụ nữ không quen biết, hơn mình 16 tuổi. Thấy chị H. từ chối rồi vào nhà đóng chặt cửa, Thắng lấy một dao mèo và quay lại chửi bới, dọa sẽ giết chị H. Khi cảnh sát có mặt, Thắng chạy về nhà mình chốt cửa, dùng dao cố thủ bên trong. Qua xử lý, lực lượng chức năng xác định Thắng có biểu hiện như trên do sử dụng ma túy, ảo giác. Một bộ “coóng” - dụng cụ để đập đá cũng được thu giữ tại nhà Thắng.

Không chỉ người ngoài, những người trong gia đình cũng có thể gặp nguy hiểm từ những kẻ ngáo đá. Đơn cử, ngày 3/5, Thương Tín (SN 1990, ở Bình Tân, TPHCM) sau khi sử dụng ma túy đã cãi vã với mẹ. Đối tượng này vào bếp lấy dao đâm tử vong mẹ, bà ngoại và dì ruột. Bố của Tín chạy thoát đi báo công an trong khi 2 người thân khác của Tín kịp ẩn náu nên thoát nạn.

“Đá” nguy hiểm nhưng có thể cai

Tài liệu của Bộ Y tế thể hiện, ma túy đá (tên khoa học Methamphetamin) là một trong nhiều loại ma túy tổng hợp (ATS) có khả năng gây nghiện. “Đá” được các “dân chơi” cả nam lẫn nữ ưa dùng bởi nó tạo độ “phê”; làm tăng ham muốn, kéo dài thời gian quan hệ tình dục; tạo sự tự tin... Anh T (ở Bắc Ninh) - một người từng sử dụng thường xuyên ma túy đá cho biết, các tác dụng trên sẽ giảm dần nếu giữ nguyên liều dùng. “Như uống rượu xong đi đập đá sẽ tỉnh rượu nhưng về sau, muốn tỉnh phải tăng liều khói đá” - anh T nói. Cũng theo người này, khi sử dụng ma túy đá phải cho vào "coóng" - dụng cụ để đốt sau đó hít; hành động này được gọi là đập đá hay ăn lẩu khói. Người dùng thường xuyên "đá" khi tạm dừng sẽ dẫn tới mệt mỏi, mất ngủ hoặc ngủ li bì, việc này được gọi là “vã” hoặc “bết”.

Tiến sĩ Trần Thị Hồng Thu, bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Mai Hương cho biết, nghiện ma túy đá hoàn toàn có thể cai thành công khi kết hợp điều trị bằng thuốc và trị liệu nhưng phòng ngừa vẫn là biện pháp chủ yếu nhất để tránh nguy cơ. Khi đã nghiện ma túy đá, người nghiện nên tới bệnh viện tâm thần để được tư vấn, khám và điều trị đúng cách. “Như tại Bệnh viện Mai Hương, chúng tôi điều trị bằng thuốc và áp dụng nhiều biện pháp trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng. Đặc biệt, người bệnh và người nhà được tư vấn rõ ràng, chi tiết để nhanh chóng hoà nhập cộng đồng” - bác sĩ Thu nói.

Bác sĩ Thu tư vấn, gia đình không nên vì sĩ diện hoặc mặc cảm để giấu việc có người nghiện ma túy đá và ngược lại, người nghiện dù có cố tỏ ra bình thường vẫn khiến người thân trong gia đình không chịu đựng nổi. Bà Thu cho rằng: “Nghiện ma tuý là một bệnh khó chữa nhưng không phải không thể... Điều trị nghiện ma túy phải thu hút toàn bộ gia đình tham gia vào cùng một kế hoạch cụ thể. Những người nghiện rất giỏi thuyết phục người thân để có tiền hoặc che giấu dùng ma túy. Gia đình có thể vô tình tiếp tay cho người thân của họ tiếp tục nghiện ngập. Vì vậy, nếu không có chuyên gia hỗ trợ, việc cai nghiện có thể không thành công theo mong muốn, thậm chí có thể bị phản tác dụng”.

Năm 2018, số người nghiện tại nước ta khoảng 224.000 người; đây là thống kê những người nghiện có hồ sơ quản lý. Cục phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ - TB&XH) cho biết, người sử dụng ma túy tổng hợp (gồm ma túy đá) chiếm 70 - 75% “con nghiện”, riêng tại các tỉnh phía Nam và Tây Nam bộ, tỷ lệ này lên tới 90%.

Tài liệu Bộ Công an thể hiện: “Rơi vào ngáo đá, con người không còn là chính mình... biến một người hiền lành, nhút nhát cũng trở nên cực kỳ hung hãn, sẵn sàng làm bất cứ việc gì bình thường họ không dám như phóng xe điên cuồng trên phố, tự rạch, cào, cắn xé cơ thể; nhảy nhót, leo lên nóc nhà; trèo lên cột điện; bơi ra giữa hồ; quan hệ tình dục tập thể... đặc biệt là sẵn sàng tấn công, chém giết người khác kể cả giết vợ con, cha mẹ đẻ một cách dã man”.

Tác giả: XUÂN ÂN

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP