Trong tỉnh

Gian dối cách ly, lợn nhập khẩu chạy thẳng về… lò mổ: Gian dối nhưng lại khẳng định "đúng quy định"

Trong vòng 15 ngày, từ ngày 1 đến ngày 15.1.2021, đã có 61.501 con lợn được 14 doanh nghiệp nhập khẩu về Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị). Vậy ngoài số lợn nhập khẩu chưa qua cách ly kiểm dịch chạy thẳng đến lò mổ mà chúng tôi đã đề cập ở bài trước, có bao nhiêu xe được phù phép nữa?

Chúng tôi đặt câu hỏi với các địa phương liên quan, và Thú y vùng III - thì câu trả lời nhận được luôn là lời khẳng định: "Làm đúng quy định". Tuy nhiên, hành trình của các xe chở lợn nhập khẩu dưới đây tiếp tục phơi bày những dối trá.

Sau khi có được "bảo bối" chứng nhận kiểm dịch của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An cho đi giết mổ, xe chở lợn BKS 37C - 33638 vô tư ra Bắc đến lò mổ mà không chở lợn lên Thái Nguyên cách ly theo quy định. Trong ảnh chiếc xe này qua Trạm thu phí Hoàng Mai ở cuối Nghệ An, đầu tỉnh Thanh Hóa để tiếp tục hành trình ra Bắc. Ảnh: Trần Tuấn

Một xe lợn có 2 giấy: Đi cách ly và đi giết mổ!

Ngày 12.1, Trạm Kiểm dịch động vật Lao Bảo (đóng ở Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị) thuộc Chi cục Thú y vùng III cấp giấy chứng nhận vận chuyển động vật nhập khẩu về nơi cách ly kiểm dịch ở phường Ba Hàng, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên cho lô hàng lợn nhập khẩu từ Thái Lan của Công ty TNHH Đầu tư và Xuất nhập Khẩu Vinh Phú (địa chỉ xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An).

Dù được Chi cục Thú y vùng III chỉ định chở lợn ra Thái Nguyên cách ly, nhưng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An lại cấp chứng nhận kiểm dịch cho xe 37C - 31959 này chở lợn đi giết mổ. Ảnh: XH

Theo đó, lô hàng 680 con lợn nhập khẩu của Cty Vinh Phú được sang tải từ các xe Lào sang các xe Việt gồm xe 37H - 00119, 37C - 36895, 37C - 33638, 37C - 31959. Trong đó xe 37C - 33638 chở 165 con và 37C- 31959 chở 116 con. Trong giấy chứng nhận vận chuyển động vật nhập khẩu về nơi cách ly nêu trên ghi rõ “Chỉ được vận chuyển theo lộ trình từ cửa khẩu về nơi cách ly kiểm dịch”.

Trong đêm 12.1 và ngày 13.1, chúng tôi đã theo sát hành trình của 2 chiếc xe BKS 37C - 33638 và 37C- 31959 từ lúc xuất phát. Lộ trình 2 xe buộc đến tỉnh Thái Nguyên, nhưng khi đến địa bàn thị xã Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) vào sáng 13.1, thì được kiểm dịch viên thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An cấp “giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh” để đi giết mổ.

Trong đó, giấy chứng nhận kiểm dịch cấp cho xe 37C-33638 ghi nơi xuất phát là phường Quỳnh Xuân (thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An), nơi đến cuối cùng là Công ty CP Thực phẩm Trường Sang - một cơ sở giết mổ gia súc ở thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội. Còn xe 37C - 31959 nơi xuất phát là Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, nơi đến cuối cùng là Cty CP Thịnh An ở thôn 3, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.

Sau "làm đúng quy định" là... "làm bậy"

Khi đề cập đến việc giám sát lợn nhập khẩu trên địa bàn, ông Đặng Văn Minh - Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Nghệ An khẳng định, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, quy định trong việc cấp chứng nhận kiểm dịch động vật nói chung, với lợn nhập khẩu phải cách ly nói riêng, không hề có việc cấp chứng nhận kiểm dịch trái quy định.

Tuy nhiên, khi chúng tôi dẫn chứng về 2 xe chở lợn nhập khẩu từ Thái Lan qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo được chỉ định ra tỉnh Thái Nguyên cách ly, nhưng kiểm dịch viên Đậu Đăng Định thuộc đơn vị này lại cấp chứng nhận kiểm dịch cho đi giết mổ ở Hà Nội, thì ông Minh nói rằng, "làm bậy thế này là không được".

Sáng ngày 19.1, Báo Lao Động đã có buổi làm việc với ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, ông Đậu Đăng Định - Trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Nghệ An (người được ủy quyền làm kiểm dịch viên khu vực thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu) và ông Nguyễn Viết Lương - Trưởng Phòng Dịch tễ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An.

Giải thích về việc xe 37C - 33638, 37C - 31959 phải chở lợn ra Thái Nguyên cách ly nhưng được cấp chứng nhận kiểm dịch động vật cho chở đi giết mổ, ông Đậu Đăng Định nói rằng, do các cá nhân vận chuyển số lợn đó khai báo gian dối.

Cụ thể, người vận chuyển lợn khai đó là lợn nội địa, được thu mua ở thị xã Hoàng Mai mà không cung cấp giấy tờ chỉ định phải ra Thái Nguyên cách ly nên ông Định chỉ khám lâm sàng, phun tiêu độc khử trùng, sau đó kẹp chì, cấp giấy.

Ông Định lại khẳng định, đã thực hiện đúng quy trình, quy định, nếu có sai sót là do khách quan chứ không phải cố ý làm sai.

Trước câu hỏi, quy định trước khi lợn được đưa lên xe, kiểm dịch viên phải có mặt thực hiện các bước khám lâm sàng, khi đủ điều kiện mới cấp giấy kiểm dịch, nhưng trường hợp 2 xe chở lợn nói trên ra đến Trạm Kiểm dịch ở thị xã Hoàng Mai lại được kiểm dịch viên cấp giấy kiểm dịch?

"Tất nhiên trong quy trình thì cũng có những thiếu sót, chưa đảm bảo được đúng quy trình do có bất cập vì trong một ngày đó phải kiểm dịch nhiều xe hàng" - ông Định thừa nhận.

Chúng tôi tiếp tục đưa ra những bằng chứng cho thấy, rất nhiều xe chở lợn được cấp chứng nhận kiểm dịch trên đường, khi lợn đã ở trên xe mà không phải vì kiểm dịch viên quá bận rộn, thì ông Định im lặng, sau đó giải thích thực tế cả năm 2020 cá nhân ông cấp rất ít chứng nhận kiểm dịch, chỉ khoảng 50 xe hàng, còn đầu năm 2021 đến nay mới cấp 5 - 7 xe, còn lại các anh em khác cấp.

Sau "sai sót" cấp giấy giết mổ của kiểm dịch viên cho lô lợn nhập khẩu chưa qua kiểm dịch, xe chở lợn nói trên đã không chở lợn lên Thái Nguyên cách ly mà chạy đến lò mổ.

Trước thông tin này, ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú Y Nghệ An nói rằng: “Ngành sẽ có cuộc họp toàn cơ quan để chấn chỉnh việc này và để rà soát lại các quy trình nhằm thực hiện nhiệm vụ chặt chẽ hơn, tránh để khách hàng lợi dụng".

Tác giả: Nhóm Phóng Viên

Nguồn tin: Báo Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP