Du lịch

Du lịch Côn Đảo - mừng và lo

Trong 2 năm trở lại đây, lượng du khách đến với Côn Đảo ngày càng đông, là cơ hội để hòn đảo ngọc Việt Nam phát huy những giá trị vốn có giữa mênh mông biển khơi. Tuy nhiên, những bất cập về cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường… đang dần trở thành rào cản cho sự phát triển của du lịch ở vùng đất này.

Mừng vì đổi thay

Sau gần 4 tiếng đồng hồ đi tàu, chúng tôi đã đặt chân lên cảng Bến Đầm; phong cảnh nơi đây không thay đổi là bao, vẫn là những dãy núi hùng vĩ được bao bọc bởi màu xanh biếc của biển cả mênh mông. Chỉ có điều là cảng Bến Đầm hiện đang có dấu hiệu quá tải, khách đông nên nhiều bác tài xe ôm, taxi nhao nhao mời gọi khách đi xe vào trung tâm.

Con đường từ Bến Đầm về thị trấn Côn Sơn đã được mở rộng, nhiều xe nối đuôi nhau rồng rắn chở khách ngược xuôi ra vào cảng. Diện mạo trung tâm thị trấn Côn Sơn đã thay đổi theo thời gian, quán ăn, nhà hàng, khách sạn đua nhau mọc lên ở khắp nơi.

Du khách viếng Nghĩa trang Hàng Dương.

22 giờ, du khách bắt đầu ùa ra đường gọi xe đi viếng mộ cô Sáu, bởi họ cho rằng đó là giờ linh. Đường vào nghĩa trang khách đến viếng đông hơn hẳn so với ban ngày, đến mức nhiều người phải ngồi đợi kín 2 hàng ghế đá dọc đường vào; còn tại các điểm hóa vàng, lửa đỏ cháy phát sáng cả một góc nghĩa trang, khói hương nghi ngút từ các ngôi mộ. Chúng tôi hỏi chuyện chú Đỗ Đức Tiếp (thương binh hạng 1/4, đến từ huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), lần đầu đến Côn Đảo.

Chú nhập ngũ năm 1969 và được đưa vào chiến trường Quảng Trị, nơi đã diễn ra những trận đánh ác liệt trong chiến dịch đường 9 Nam Lào. Trong một trận đánh vào năm 1972, chú bị thương nặng dẫn đến mất khớp háng và đến nay một số mảnh đạn còn nằm trong phổi, trong não.

Trước ngôi mộ của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, chú Tiếp xúc động: “Ngày trước, với Côn Đảo tôi chỉ được hình dung qua những tác phẩm văn học, đó là một nơi nào đó mênh mông giữa đại dương. Nhưng đến đây, chứng kiến tận mắt mới thấy, Côn Đảo - nơi hội tụ khí chất anh hùng, kiên trung của một thời bi tráng, nơi mà có gần 20.000 chiến sĩ, nhà yêu nước đã hy sinh anh dũng và trở thành một nơi linh thiêng, trang nghiêm của Tổ quốc”.

Áp lực bảo vệ môi trường

Chị Lê Ánh Tuyết, một hướng dẫn viên có 6 năm kinh nghiệm trong ngành du lịch tại Côn Đảo, cho biết nếu như trước đây một tuần chỉ vài đoàn khách tham quan Côn Đảo thuê hướng dẫn viên, thì nay lên đến hơn chục đoàn và có khi mỗi ngày chị phải dẫn 2 - 3 đoàn khách.

Theo báo cáo của Ban Quản lý di tích Côn Đảo, trong 8 tháng năm 2019, Nghĩa trang Hàng Dương đón gần 200.000 lượt khách (trong đó có hơn 1.000 lượt khách quốc tế) và Ban Quản lý di tích Côn Đảo đã thực hiện tốt công tác tiếp đón, phục vụ gần 160.000 lượt khách tham quan.

Lượng khách tăng mạnh liên tục đã giúp ngành dịch vụ - thương mại như khách sạn, ăn uống, mua sắm hàng đặc sản, kinh doanh hoa tươi… trên đảo có sự phát triển. Tuy nhiên, lượng khách tăng nóng cũng đang phát sinh các hệ lụy, thách thức, mà “nóng” nhất là về thu gom rác thải.

Hiện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn đang loay hoay giải quyết hơn 72.000 tấn rác thải tồn đọng từ hàng chục năm chưa xong. Đã vậy, mỗi ngày còn có hơn 22,5 tấn rác thải phát sinh mới trên địa bàn, trong khi năng lực chôn lấp chỉ giải quyết được 5 tấn/ngày. Không chỉ gây mất vẻ mỹ quan, mà hiện đang là mùa mưa nên nguy cơ nước thải chảy xuống biển gây ô nhiễm là rất cao.

Việc đưa tàu cao tốc Trưng Nhị vào hoạt động trến tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo, rút ngắn thời gian hành trình từ 9 - 10 tiếng còn 4 tiếng chắc chắn sẽ kéo theo lượng khách tăng vọt vào mùa khô, mùa du lịch cao điểm Tết Nguyên đán năm 2020, càng làm cho vấn đề xử lý rác thải, nước thải trở thành nan giải.

Tác giả: NÔNG NGÂN

Nguồn tin: saigondautu.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP