Các nghệ nhân làng Gừng trùng tu lại nhà Guơl thôn Tà Lang, Hòa Bắc. |
Tôi đã rất nhiều lần lên Hòa Bắc, nên cũng “rành rẽ” về Hòa Bắc kha khá. Cách Đà Nẵng hơn 40 km, Hòa Bắc như cầu nối Vườn Quốc gia Bạch Mã và Khu bảo tồn Thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa. Xã có 7 thôn, hơn 4.000 nhân khẩu, có 2 thôn người đồng bào Cơ Tu là Giàn Bí và Tà Lang với gần 900 người. Vùng đất bán sơn địa này có nhiều sông, suối, hồ, thác… bạt ngàn rừng nguyên sinh và núi chập chùng…
Anh Đinh Văn Như - Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí tỏ ra là người “thức thời” trong cộng đồng bà con Cơ Tu nơi đây. Bao nhiêu năm qua, người Cơ Tu ở Hòa Bắc cuộc sống gần như chỉ dựa vào thiên nhiên, quanh năm phơi nắng, phơi mưa trên những vạt rãy giữa rừng già, mà vẫn nhiều khốn khó, lo toan. Anh Như hiểu rằng, phải biết vận dụng thiên nhiên ưu đãi nơi đây và sự chịu thương, chịu khó, mộc mạc, chân chất tình người của bà con Cơ Tu để tìm cách thoát đói, giảm nghèo... Qua đọc sách báo, học hỏi, lại được những người am hiểu về du lịch tư vấn, anh Như mạnh dạn vay 500 triệu đồng làm du lịch sinh thái cộng đồng. Như còn giải thích cho tôi, anh hiểu kỹ thế nào là mô hình “du lịch sinh thái cộng đồng”. Mô hình này sẽ bảo tồn văn hóa bản địa một cách thực tế nhất, không phải chung chung bằng văn bản và mỗi khi họp hành thường bàn đến. Làm du lịch cộng đồng với việc trải nghiệm “ba cùng” với người Cơ Tu được sáng tạo từ thực tế, từ việc ăn, ngủ và sinh hoạt… các làng nghề sẽ hồi sinh. Cồng chiêng sẽ vang lên cùng các điệu múa Cơ Tu rộn rã giữa núi rừng. Các món ăn và phong tục truyền thống Cơ Tu sẽ hòa vào với du khách trong và ngoài nước…
Sông Cu Đê là điểm nhấn của núi rừng Hòa Bắc, từ Tà Lang, Giàn Bí du khách có thể chèo thuyền, chống bè, ngược nhánh Bắc, qua các địa danh hố Giếng, lỗ cối Thượng, Lỗ cối Hạ, thác Xếp, thác Rễ, Nà Mùn, Khe Giao, Trạng Trao, Trang Trợt, Bãi Hai, Vườn Mít, Côn Đờ Bay… Du khách có thể ngược Khe Đương lên với những thác, hồ kỳ thú giữa rừng nguyên sinh. Qua Tà Lang, vượt đèo Mũi Trâu, từ đây có thể thấy rõ đỉnh Bạch Mã và cả núi Chúa mây phủ giăng mờ… Anh Như cho tôi biết, mô hình du lịch sinh thái cộng đồng tại Tà Lang, Giàn Bí đã được triển khai thử nghiệm từ cuối năm 2017, bước đầu đã đạt những kết quả rất khích lệ.
Ông Đỗ Thanh Tân cho biết thêm, UBND H. Hòa Vang đã quyết định thành lập dự án hỗ trợ phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở Hòa Bắc. Từ tháng 5-2019, dự án được triển khai với nhiều hạng mục như, sửa chữa trùng tu lại các nhà Gươnl ở hai thôn Tà Lang, Giàn Bí, xây dựng nhà trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của đồng bào Cơ Tu. UBND huyện đã hợp đồng với các nghệ nhân Cơ Tu của Làng Gừng (H. Đông Giang, Quảng Nam) để phục hồi công trình theo đúng nguyên mẫu truyền thống từ vật liệu truyền thống của thiên nhiên núi rừng.
UBND H. Hòa Vang cũng hợp đồng với ông Dương Minh Bình - một chuyên gia về du lịch là Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty Dịch vụ phát triển du lịch Cộng đồng TPHCM để tư vấn từ việc xây dựng, kiến trúc, kỹ năng, thiết kế các sản phẩm và kết nối, hỗ trợ về nguồn khách du lịch cho mô hình du lịch ở Hòa Bắc. Trò chuyện với chúng tôi, ông Bình tỏ ra là người rất say mê với công việc chuyên môn của mình, ông phác họa cho chúng tôi về một mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở Hòa Bắc vô cùng khởi sắc… Sẽ có những dãy nhà homestay cách điệu nhà Cơ Tu đang xây dựng. Người Cơ Tu Hòa Bắc sẽ là những hướng dẫn viên với các kỹ năng giới thiệu các sản phẩm du lịch cộng đồng như, hướng dẫn du khách tự kết bè, chèo thuyền xuôi dòng Cu Đê, ngược Khe Đương hấp dẫn… Hướng dẫn khách vượt đèo Mũi Trâu, xuyên rừng đi lên dãy Bạch Mã hoặc Bà Nà. Lên rừng cùng người Cơ Tu hái dược liệu, thu hoạch chè dây tự nhiên và đi lấy mật ong rừng. Học cách làm bánh sừng trâu và các món ngon Cơ Tu. Đan Gùi để đi hái rau, bắt cá suối. Hòa Bắc hiện vẫn còn nguồn cá tự nhiên phong phú, có thể săn bắt cá thủ công với những dụng cụ đơn giản, như lưới, phóng lao, câu… Khách đi bắt cá, chỉ cần mang muối và gia vị, sẽ có một bữa cơm trưa đặc sản các nướng, cá nấu ống lồ ô ngay bên bờ suối giữa rừng già…
Ông Tân cho biết, dự án hỗ trợ phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng Hòa Bắc sẽ đi vào hoạt động từ đầu tháng 10-2019. Ông Bình cũng cam kết, sẽ hỗ trợ tối đa bằng chuyên môn, hiểu biết và quan hệ của mình về nguồn khách du lịch cho mô hình. Ông Bình phấn khởi cho rằng, Đà Nẵng phấn đấu năm 2019, sẽ có hơn 8 triệu khách du lịch, chỉ cần 0,1% số lượng khách đến Hòa Bắc là “thắng” rồi. Cái quan trọng, mô hình du lịch này cần được sự quan tâm hơn nữa của chính quyền, ngành chức năng làm sao để mô hình phát triển bền vững, ổn định sẽ đưa Hòa Bắc, bà con Cơ Tu hết đói, hết nghèo bằng chính thiên nhiên và con người nơi đây.
Tác giả: HỒNG THANH
Nguồn tin: Báo Công an TP Đà Nẵng