Kinh tế

Công nghiệp hỗ trợ Nghệ An: Từ kỳ vọng đến thực tế

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là lĩnh vực được kỳ vọng sẽ làm thay đổi "bộ mặt" công nghiệp tỉnh Nghệ An, nhưng cho đến nay vẫn đang "loay hoay" tìm đường hội nhập...

Dây chuyền may xuất khẩu của Công ty TNHH Havina Kim Liên - Nam Đàn

Điểm nhấn phát triển

Đến nay, tỉnh Nghệ An đã thu hút được một số dự án có ý nghĩa tạo điểm nhấn về CNHT. Trên lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ kiện điện tử, năm 2014, có Nhà máy Điện tử Hitech BSE Việt Nam chuyên sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông và các thiết bị ứng dụng trong điện thoại di động, vi mạch bán dẫn công nghệ cao đầu tư với trị giá 30 triệu USD, tạo việc làm cho 3.000 người. Giữa năm 2019, Nhà máy Em-Tech Vinh được xây dựng tại KCN VSIP Hưng Nguyên quy mô gần 100 triệu sản phẩm/năm tạo việc làm cho 2.000 người đi vào hoạt động.

Ngoài các cơ sở nổi trội, trên địa bàn Nghệ An hiện có 17 doanh nghiệp chuyên sản xuất thiết bị điện, điện tử và 163 doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chế tạo; trong đó, 5 doanh nghiệp công nghiệp cơ khí, 23 cơ sở gia công một số thiết bị, máy móc và 6 cơ sở sản xuất thiết bị đóng tàu thuyền và ngư lưới cụ…

Toàn tỉnh hiện có khoảng 20 doanh nghiệp chuyên sản xuất phụ kiện bao bì với một số nhà máy sản xuất bao bì quy mô lớn ở Khu công nghiệp Bắc Vinh; 5 cơ sở sản xuất hạt phụ gia cung cấp cho ngành sản xuất bao bì tại TP. Vinh, Diễn Châu, Nghĩa Đàn...

Đối với lĩnh vực dệt may, Nhà máy Dệt kim Hoàng Thị Loan cung cấp nguyên liệu phụ trợ cho 65 cơ sở, nhà máy may mặc trên địa bàn. Ngoài ra, mặc dù chưa có tập đoàn sản xuất lắp ráp ôtô, xe máy nhưng trên địa bàn có 3 doanh nghiệp và một số cơ sở nhỏ, lẻ sản xuất, lắp ráp thùng xe ôtô và các trang bị phụ trợ phục vụ sửa chữa, gia công cơ khí…

Một số chính sách gợi mở

Ông Nguyễn Văn Hiệp - Trưởng phòng Công nghiệp (Sở Công Thương Nghệ An) - cho biết: Trong khi chỉ số công nghiệp đang tăng nhanh thì CNHT, dù đặt nhiều kỳ vọng nhưng giá trị sản xuất chỉ đạt trên 7.000 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 14% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Tỉnh còn thiếu các dự án đầu tàu, tạo động lực để thu hút, dự án CNHT vệ tinh.

Thực tế, CNHT ở Nghệ An còn khá lạc hậu, yếu kém về công nghệ nên khó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện nay, theo phân công lao động quốc tế, mỗi tỉnh, địa phương có thể sản xuất một sản phẩm trong chuỗi nhưng các cơ sở của tỉnh quy mô nhỏ và lạc hậu nên không thể kết nối, liên kết với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, trình độ công nghệ thấp nên sản phẩm sản xuất ra chi phí, giá thành cao nên rất khó cạnh tranh.

Theo Sở Công Thương Nghệ An, tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất CNHT tăng bình quân 9 - 10%/năm để đến năm 2025 chiếm 10 - 12% giá trị toàn ngành công nghiệp; đến năm 2020, giá trị CNHT chiếm 20% giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghiệp; đào tạo lao động kỹ thuật cao tăng bình quân 5%/năm và chiếm 15% lao động ngành công nghiệp. Để đạt được mục tiêu, Nghệ An đã hỗ trợ doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung ứng cho khách hàng trong và ngoài nước xúc tiến thương mại; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ; hỗ trợ cơ sở, áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu chuỗi sản xuất toàn cầu. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp CNHT tiếp cận nguồn vay đầu tư dài hạn với lãi suất thấp và xúc tiến đầu tư... Nghệ An cũng ưu tiên thu hút dự án CNHT công nghệ cao và các dự án lớn tạo động lực, thu hút vệ tinh phát triển, nhất là khu vực FDI để tăng nhanh số lượng doanh nghiệp CNHT.

Tỉnh Nghệ An đã xây dựng và phê duyệt Chương trình Phát triển CNHT Nghệ An giai đoạn từ nay đến năm 2025. Theo đó, sẽ dành 32,8 tỷ đồng để kết nối, phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT.

Tác giả: Hoàng Trinh

Nguồn tin: Báo Công thương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP