Du lịch

Chuột - từ con vật đáng sợ đến món ăn đặc sản miền Tây

Chuột dùng làm thức ăn phải là chuột đồng, chuột cống nhum, tức là chuột thiên nhiên và sạch, không mang mầm bệnh. Nhưng cái món ăn đặc sản khoái khẩu của hầu hết người dân miền Tây này, đôi khi là nỗi kinh dị của nhiều người.

Nông dân miền Tây săn chuột trên đồng - Ảnh: Khải Trần

Thịt chuột, món ăn đầy thử thách

Chuột đáng sợ không? Trước hết phải khẳng định là có. Khi trong nhà có chuột, người ta tìm cách đánh bẫy, tiêu diệt cho bằng được vì nó phá phách, ăn vụng trong nhà. Tệ hại hơn nữa là nó mang nhiều mầm bệnh nguy hiểm. Đáng sợ hơn nữa là những con chuột cống khổng lồ, chui rúc trong cống rãnh, bãi rác, thân hình đầy ghẻ lở...

Thế nên nhiều người mới sợ chuột, người ta giật mình, co chân, la hét khi nhìn thấy 1 con chuột chạy về phía mình. Thế nên, hình hài của chuột đã là nỗi ám ảnh của nhiều người chứ đừng nói đến việc lấy chuột làm thức ăn. Chuột ăn được hay không ăn được thì vẫn là chuột, và trong hình hài như nhau.

Người dân ở chợ Phù Dật làm thịt chuột - Ảnh: Thanh Nguyên

Ở làng quê, chuột đối với nhiều người không đến nỗi đáng sợ. Nhất là với miền Tây, vựa lúa của cả nước, số lượng chuột đồng ở đây vào loại khủng khiếp. Chúng phá hoại mùa màng, nên chúng cũng đáng sợ vì ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống của nông dân. Cho đến khi người ta quyết định lựa chọn lấy chúng làm thực phẩm rồi dần dần trở thành món ăn đặc sản không thể thiếu khi nhắc đến miền Tây. Có điều, không biết người miền Tây biết ăn thịt chuột từ bao giờ, và thịt chuột là loại thức ăn ngon đến mức độ nào trong suy nghĩ của người dân nơi này.

“Trời ơi, thịt chuột mà ăn không được? Ăn thử đi bao ngon hơn thịt gà, thịt bò, ăn thử đi một lần rồi ghiền luôn à”. Đó là lời mời chào đầy hấp dẫn của một người dân bản xứ khi cố thuyết phục 1 vị khách từ thành phố khác ghé Cần Thơ chơi.

Trước lời mời gọi hấp dẫn đó, vị khách kia vẫn lắc đầu quầy quậy. Anh ta giải thích không thể đưa miếng thịt chuột bắt mắt kia vào miệng khi trong đầu hiện lên hình ảnh những con chuột chui rúc nơi dơ bẩn ở thành phố. Đành rằng 2 loại chuột là khác nhau, sinh sống ở môi trường trái ngược, có thể hiểu là chuột ăn được và không ăn được, nhưng vị khách kia vẫn không thể chấp nhận.

“Chuột có gì đâu mà sợ, thịt chuột ngon muốn chết”, 1 lão nông miền Tây phản biện. Thịt chuột là món ăn ngày thường của người dân miền Tây, nó được bày bán hằng ngày ở chợ. Chuột có thể chế biến thành hàng chục món ăn khác nhau dùng để ăn cơm, ăn nhậu, hay đãi khách như: chuột hấp nước dừa, chuột nướng lu, chuột rang muối, nướng chao, khìa nước dừa, áp chảo…

Kể như vậy mới thấy thịt chuột phổ biến như thế nào ở hầu hết tất cả các tỉnh miền Tây. Con cái trong nhà chán ăn, bỏ bữa, người mẹ liền đi kiếm mấy con chuột đồng về khìa, kho cho con ăn cơm. Bữa cơm với thịt chuột luôn là những ký ức khó quên đối với nhiều người dân miền Tây xa quê. Còn đối với những người đàn ông thích lai rai, nhâm nhi thì thịt chuột là một thức nhắm luôn nằm đầu danh sách lựa chọn mồi. Chuột từ con vật đáng sợ đã trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người như thế.

Dù vậy, thịt chuột vẫn là món ăn thách thức nỗi sợ hãi trong nhiều người. Có người cố gắng ăn thử cho biết một lần rồi thích, nhưng cũng có người ráng cắn thử một miếng cho biết rồi tuyên bố cả đời không dám ăn nữa. Cũng có những người miền Tây hiếu khách vui tính, tìm đủ mọi cách để cho khách phương xa đến chơi phải ăn qua món thịt chuột.

Với công việc làm thịt chuột, những đứa trẻ này có thể phụ giúp gia đình kiếm thêm thu nhập - Ảnh: Thanh Nguyên

Anh Phạm Anh Hùng, ở Tiền Giang kể lại một câu chuyện vui rằng, nhiều năm trước, anh có một nhóm bạn ở TP.HCM ghé chơi. Anh mời bạn 1 bữa cơm và sắp xếp để có món thịt chuột nướng trong đó. Biết các bạn không ăn thịt chuột, anh nói rằng đây là thịt của con sóc tràm, tức là con sóc sống trên những cây tràm. Bạn bè yên tâm động đũa, khen thịt sóc tràm ngon quá xá.

“Đến khi ăn xong, các bạn tôi hỏi chỉ con sóc tràm cho coi thử. Tôi dắt ra lồng đựng chuột, chỉ vô đó rồi nói sóc tràm đây. Ai cũng ngã ngửa rồi gật gù khen thịt chuột đúng là ngon thiệt. Sau đó, thỉnh thoảng tôi phải mua chuột gửi lên cho các bạn tôi thỏa cơn thèm”, anh Hùng kể.

Săn chuột là kế sinh nhai

Miền Tây vào mùa gặt là thời điểm thịt chuột ăn ngon nhất, đó là những con chuột đồng phè phỡn ăn lúa suốt một mùa. Chúng béo ngậy, thịt trắng thơm đầy hấp dẫn đối với người sành ăn. Thời điểm này, trên những cánh đồng lúa, người lớn, trẻ nhỏ chạy theo những chiếc máy gặt đập liên hợp, chờ chuột chạy ra khỏi những hàng lúa vừa mới gặt xong để đập chuột. Vài tiếng đi săn, những đứa trẻ hớn hở với xâu chuột trên tay cho buổi cơm chiều, còn cánh đàn ông lại hớn hở vì chiều nay có bữa rượu ngon. Họ có thể lột da, nướng thịt chuột ngay trên cánh đồng rồi nhâm nhi với vài ly rượu đế.

Ở An Giang, tỉnh có diện tích lúa lớn nhất miền Tây có 1 khu chợ chỉ chuyên bán, phân phối thịt chuột đi khắp nơi. Đó là chợ chuột nổi tiếng Phù Dật nằm ở ấp Bình Chiến, xã Bình Long, H.Châu Phú. Chuột ở địa phương không đủ, các tiểu thương phải mua thêm ở các tỉnh khác, thậm chí nhập đường tiểu ngạch từ nước bạn Campuchia.

Nếu những người sợ chuột, bước vào khu chợ này hẳn sẽ giật mình, nhăn mặt khi nhìn hàng trăm con chuột bị nhốt trong lồng được chất đầy trên những chiếc xe máy, hay chất trong sân nhà chuẩn bị làm thịt. Tiếng kêu chút chít của hàng trăm con chuột cũng không lấy gì làm dễ chịu. Vào mùa cao điểm, chợ Phù Dật vận chuyển số lượng chuột lên đến vài tấn mỗi ngày.

Chứng kiến cảnh làm thịt chuột cũng đầy hãi hùng, những người phụ nữ vừa cười vừa nói chuyện, tay thoăn thoắt lôi những con chuột ra khỏi lồng, đập vào thớt gỗ rồi vứt sang một bên. 1 người phụ nữ khác có nhiệm vụ lột da, mổ bụng, bỏ đầu. 1 người khác có nhiệm vụ rửa sạch, xếp thịt chuột vào thùng xốp để chuyển hàng đi các tỉnh. Các công đoạn làm thịt chuột diễn ra nhịp nhàng, thuần thục.

Thịt chuột mang lại thu nhập cao cho những người dân ở đây. Từ các khâu săn bắt, thu mua, làm thịt, vận chuyển đều mang lại những đồng lương ổn định. Ở ấp Bình Chiến có gần 700 hộ thì đã có một nửa số hộ sinh sống bằng những nghề liên quan đến chuột. Như trường hợp của ông Hồ Thanh Phương (52 tuổi) có thâm niên trong nghề chuột hơn 20 năm nay. Ông và vợ từ khi lấy nhau vì không có ruộng vườn hay nghề nghiệp nên gắn liền với nghề buôn chuột từ sớm.

Thịt chuột chuẩn bị được vận chuyển đi TP.HCM - Ảnh: Thanh Nguyên

Ông thường lấy chuột từ khắp nơi rồi về đây bán lại cho các chủ vựa, có lúc ông lại lấy chuột ở chợ rồi đi bán dạo khắp H.Châu Phú hoặc các huyện lân cận. Vợ của ông Phương cũng đi làm chuột thuê cho các chủ vựa. Thu nhập của hai vợ chồng đủ nuôi 4 đứa con ăn học nên người.

Thịt chuột đồng ở miền Tây đã là món ăn đặc sản. Dù vậy, đối với nhiều người, để động đũa với món ăn này vẫn là nỗi thách thức chưa dám thử sức... Chuột tuy là con vật khá đáng sợ trong mắt nhiều người, nhưng dưới bàn tay tài hoa của người nấu nướng, chuột được chế biến thành nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng như chuột nướng lu, chuột khìa nước dừa, chuột áp chao nướng, cháo chuột…

1 món ăn khác được chế biến từ chuột có cách làm khá công phu và có một cái tên khá kiêu kỳ là “Trinh nữ kén chồng”. Để làm được món ăn này, người đầu bếp chọn lấy 1 con chuột cái còn tơ, làm thịt rồi ướp gia vị. Sau đó cho nấm mèo, thịt heo ba chỉ, gan heo, đậu xanh nguyên vỏ cho vào bụng chuột rồi khâu bụng chuột lại. Sau đó cho chuột vào chảo dầu sôi, chiên cho vàng đều, vớt ra cho vào nồi đất, đổ nước dừa tươi vào cho xấp xấp nước, nấu cho đến khi sền sệt nước là dùng được.

Tác giả: Thanh Nguyên

Nguồn tin: Báo Một Thế Giới

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP