Kinh tế

Bẫy đa cấp từ kinh doanh tiền ảo Onecoin

Mặc dù không được công nhận là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, thế nhưng tiền ảo Onecoin tại Nghệ An đã thu hút khá đông người dân tham gia đầu tư. Đáng lo ngại là cách huy động lại đang biến tướng theo hình thức kinh doanh đa cấp, trong khi chưa xác định được vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước đối với loại hình kinh doanh này.

Rủi ro cao từ "bẫy" tiền ảo Onecoin

Trên các diễn đàn mạng xã hội đã xuất hiện nhiều thông tin lôi kéo người dân tham gia kinh doanh tiền điện tử,với lời mời chào rất hấp dẫn. Tại TP Vinh, một số Công ty, cá nhân từ TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo cách đầu tư tiền Onecoin ở một số khách sạn thu hút khá lớn người dân tham gia. Theo hướng dẫn, người chơi phải đóng tiền thật vào nhận tài khoản tiền ảo onecoin để tham gia mua bán, trao đổi và mời gọi những thành viên mới vào hệ thống để nhận được tiền thưởng. Chỉ sau 3 tháng đầu tư lãi sẽ được tăng thêm 50% so với vốn đầu tư ban đầu. Đây thực chất là một hình thức biến tướng của kinh doanh đa cấp.

Tiến sỹ Đặng Thành Cương - Trưởng Bộ môn tài chính ngân hàng, Trường Đại học Vinh nhận định: “Đồng tiền Onecoin không phải là tiền tệ, không được chấp nhận là đồng tiền thanh toán hợp pháp trong nền kinh tế. Vì vậy doanh nghiệp không nên nắm giữ, đầu tư cũng như thực hiện giao dịch liên quan đến đồng tiên này.”

Một website về onecoin với lời mời gọi hấp dẫn. (Nguồn ảnh: Intertnet)


Thêm vào đó, mọi giao dịch Onecoin lại không hề có giấy tờ, bằng chứng, mà chỉ được lưu giữ dưới dạng kỹ thuật số, nên nhà đầu tư sẽ phải đối diện với nhiều nguy cơ bị lừa đảo, đánh cắp, hoặc bị ngừng giao dịch, “sập sàn” có chủ ý. Khi đó, những nhà đầu tư mong muốn làm giàu sẽ dễ trắng tay, rơi vào bẫy nợ. Phía cơ quan an ninh thì cho rằng hình thức kinh doanh này có dấu hiệu của hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Trung tá Phạm Vũ Cường - Phó trưởng công an TP Vinh cho biết: “Đồng tiền Bitcoin trước đây và Onecoin hiện nay đều là phương thức trá hình của kinh doanh đa cấp. Công an thành phố cũng đã chủ động nắm tình hình tham mưu cho UBND thành phố có công văn báo cáo về thủ đoạn, dấu hiệu lợi dụng để chiếm đoạt tài sản để khuyến cáo đến cho người dân cảnh giáo, chủ động phòng tránh rủi ro.”

Một nhà đầu tư thực hiện thao tác giao dịch One Coin trên sàn và đường đi của tiền ảo One Coin được cho là tương tự Bitcoin ... (Nguồn ảnh: Internet)


Đại diện Sở Công thương Nghệ An cho rằng, về phương thức kinh doanh đầu tư tiền điện tử, pháp luật chưa có quy định cụ thể, chưa chỉ rõ cơ quan nào quản lý. Nên mặc dù vẫn biết nhiều cuộc hội thảo về kinh doanh loại hình này đã được tổ chức công khai tại TP Vinh nhưng ngành công thương cũng không thể can thiệp và có các hình thức xử lý. Ngay cả chính người tham gia đầu tư cũng không được bảo vệ khi thiệt hại xảy ra.

Nói về công tác quản lý loại hình kinh doanh này, bà Võ Thị An – Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: ”Đây là vấn đề mà cơ quan chức năng Nhà nước, kể cả Sở Công thương đang còn lúng túng bởi chưa có một Quy đinh, Nghị định nào của pháp luật quy định quản lý đồng tiền ảo này. Phía Sở cũng đã có văn bản gửi đến Bộ Công thương trình Chính phủ sửa đổi bổ sung vào Nghị định 42 trong quản lý kinh doanh đa cấp, theo đó cần phải đưa kinh doanh tiền ảo này vào quản lý.”

Để không tạo thêm làn sóng cơn sốt ảo đồng tiền Oecoin, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra thì ngay từ bây giờ mỗi một người dân phải tỉnh táo, không sa vào bẫy của hoạt động kinh doanh đa cấp đồng tiền ảo này. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần kịp thời tham mưu bổ sung vào Nghị định quản lý nhà nước về bán hàng đa cấp phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Tác giả bài viết: Thu Vinh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP