Kinh tế

Bà Đặng Thị Hoàng Yến âm thầm xuất hiện, chị em đại gia Việt hồi lực

Chị em đại gia từng giàu nhất Việt Nam gây bất ngờ với một cú bứt phá Sự biến mất rồi xuất hiện trở lại của bà Đặng Thị Hoàng Yến khiến nhiều NĐT rối bời về tương lai của doanh nghiệp BĐS công nghiệp hàng đầu cả nước.

CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo - Itaco (ITA) do nữ đại gia Đặng Thị Hoàng Yến (nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13) làm chủ tịch vừa công bố báo cáo kinh doanh hợp nhất quý 2/2019 với lợi nhuận tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 123 tỷ đồng, cao hơn so với mức gần 60 tỷ đồng quý 2/2018. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 99 tỷ đồng, so với 50 tỷ đồng cùng kỳ. Doanh thu của ITA cũng tăng mạnh 60-80%.

Đây là kết quả khá ấn tượng của một doanh nghiệp vốn chìm nghỉm trên thị trường trong vài năm gần đây với những dự án tỷ USD bế tắc và sự biến mất vô hình của bà Đặng Thị Hoàng Yến trong 5-6 năm vừa qua.

Doanh thu tăng lên chủ yếu từ việc cho thuê đất (bất động sản công nghiệp) trong kỳ trong bối cảnh làn sóng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lên cao sau khi chính quyền ông Donald Trump mở một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc trong suốt hơn 1 năm qua.

Trong cả thập kỷ qua, bà Đặng Thị Hoàng Yến vẫn là chủ tịch ITA nhưng mất tích bí ẩn và không xuất hiện trong 6 đại hội cổ đông liên tiếp của doanh nghiệp này. Sáu năm liên tục, ông Đặng Thành Tâm (nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13) thế vai người chị.

Tuy nhiên, sự hiện diện của bà Đặng Thị Hoàng Yến vẫn ở đâu đó. Bà Yến vẫn ký các văn bản điều hành quan trọng của ITA. Trong báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2019, bà Đặng Thị Hoàng Yến vẫn tham dự đủ cả 4 cuộc họp, tương ứng với tỷ lệ tham dự 100%.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến có mặt trong cả 4 cuộc họp HĐQT nhưng mất tích 6 năm liền tại Đại hội cổ đông ITA.

Gần đây, giới đầu tư chứng kiến một sự rút chạy của Itaco khỏi những bế tắc tỷ USD tại Việt Nam với hàng loạt các vụ thoái vốn/bán tài sản trong khi đẩy mạnh đầu tư vào các dự án công nghệ cao tại Mỹ.

Cụ thể, ITA thông qua kế hoạch thoái toàn bộ vốn tại dự án Khu thương mại-dịch vụ-nghĩ dưỡng tại Bãi Sao - Phú Quốc, thoái toàn bộ vốn tại CTCP Sài Gòn Đà Lạt, CTCP Phim trường Vina, Dự án Đô thị Tân Tạo và bán 4,6 ha đất khu An Khang thuộc Khu đô thị Ecity Tân Đức.

Itaco tiếp tục đầu tư ủy thác khoảng 8 triệu USD vào các Dự án công nghệ cao tại Hoa Kỳ (mức vốn đăng ký khoảng 10 triệu USD).

Những dự định thoái vốn, bán tài sản của ITA diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn trong hơn nửa thập kỷ qua, liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như vấn đề nhân sự chủ chốt của doanh nghiệp.

Tập đoàn Tân Tạo nổi tiếng với hàng loạt khu công nghiệp tại Việt Nam và các siêu dự án hàng tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều dự án đang gặp vướng mắc, trong đó có dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 có công suất 1.200 MW, tại Kiên Giang với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD.

Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 (280ha) được giao để đầu tư từ năm 2008 nhưng cho đến nay vẫn là khu đất hoang và được đưa vào diện thu hồi. Trong khi đó, ITA của bà Yến đòi bồi thường số tiền đã đầu tư ban đầu và cáo buộc dự án không được triển khai do bị đưa ra khỏi quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Không chỉ bà Đặng Thị Hoàng Yến, ông Đặng Thành Tâm cũng gặp rất nhiều rắc rối trong hơn nửa thập kỷ qua. Trong báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2012 của Ủy ban kinh tế của Quốc hội, một vấn đề được đề cập tới là mối quan hệ giữa NHTMCP với các tập đoàn tư nhân ngày càng trở nên phức với một dẫn chứng tiêu biểu là trường hợp của ông Đặng Thành Tâm.

Ông Đặng Thành Tâm từng là người giàu nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2007 và là chủ tịch hoặc/và cổ đông lớn tại nhiều tập đoàn như: Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), Saigontel, ITA, Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC), Navibank, Western Bank...

Ông Đặng Thành Tâm từng phải xin nghỉ họp quốc hội với lý do sức khỏe không tốt và ước được “trở về ngày xưa”, xin “hai chữ bình yên” và sau đó đã thoái vốn khỏi Navibank (sau đổi thành Ngân hàng Quốc Dân), Western Bank (sau sáp nhập PVFC thành Pvcombank).

Bà Đặng Thị Hoàng Yến, đại biểu quốc hội khóa 13.

Ông Tâm từng có giấc mộng xây dựng tòa tháp bông lúa 100 tầng Diamond Rice Flower (tên cũ là Lotus Hotel) trên mảnh đất vàng Hà Nội. Nhưng cơ hội này đã vụt qua, mảnh đất đã về tay người khác.

Ông Đặng Thành Tâm hiện là Chủ tịch HĐQT của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - Kinh Bắc City (KBC). Cũng nhờ cú huých từ ông Trump, doanh nghiệp cũng vừa ghi nhận kết quả kinh doanh tốt quý 2 vừa qua.

Kinh Bắc (KBC) của ông Tâm vừa công bố lãi khủng trong quý 2/2019 với lợi nhuận sau thuế đạt 408 tỷ đồng, tăng gấp 6,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần cũng tăng khoảng 3 lần.

Sở dĩ đạt được kết quả tốt là nhờ tình hình kinh doanh khu công nghiệp thuận lợi cùng với doanh thu bán hàng tăng trưởng mạnh.

Nhiều cổ phiếu bất động sản công nghiệp gần đây tăng giá mạnh.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhiều cổ phiếu blue-chíp trong đó có nhóm của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng mạnh đã giúp -Index tăng gần 6 điểm.

Vingroup (VIC) và Vinhomes (VHM) của tỷ phú Vượng bứt phá tăng mạnh. VIC tăng 2% lên đỉnh cao lịch sử 124.400 đồng/cp giúp ông Vượng lọt top 200 người giàu nhất trên thế giới. VHM tăng 2,6% lên 90.500 đồng/cp.

Nhóm cổ phiếu bất động sản công nghiệp tăng mạnh với nhiều gương mặt như SIP, SNZ, D2D, SZL, SZC, VRG... Trong đó, SIP, D2D, SZL và SZC tăng trần.

Nhiều công ty chứng khoán tiếp tục đưa ra dự báo thận trọng.

BSC cho rằng, VN-Index sẽ kiểm tra lại ngưỡng 1.000 điểm. Thị trường có phiên giao dịch tích cực với thanh khoản cải thiện chủ yếu nhờ thông tin Fed quyết định cắt giảm 0,25% lãi suất xuống còn 2-2,5%. Thừa hưởng diễn biến khả quan này, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục kiểm tra lại ngưỡng tâm lý 1.000 điểm trong những phiên giao dịch tới đây.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/8, VN-Index tăng 5,73 điểm lên 997,39 điểm; HNX-Index giảm 0,55 điểm xuống 103,88 điểm và Upcom-Index giảm 0,05 điểm xuống 58,84 điểm. Thanh khoản đạt 250 triệu đơn vị, trị giá 5,6 ngàn tỷ đồng.

Tác giả: V. Hà

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP