Kinh tế

Agribank: Lợi nhuận đi xuống, nợ xấu gia tăng

Kết thúc nửa đầu năm 2020, Agribank ghi nhận kết quả lợi nhuận giảm gần 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng cũng tăng từ mức 1,57% đầu năm lên 2,16% do sự tăng vọt của các khoản nợ có khả năng mất vốn và nợ nghi ngờ.

Tính đến cuối quý II/2020, nợ xấu của Agribank gia tăng mạnh, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng từ 12.398 tỷ đồng đầu năm lên 17.285 tỷ đồng

Lợi nhuận giảm, nợ xấu gia tăng

Agribank vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2020. Theo đó, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự đạt 55.100 tỷ đồng, tăng trưởng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng sau khi trừ đi chi phí trả lãi, thu nhập lãi thuần của AgriBank lại giảm gần 5%, đạt 20.272 tỷ đồng.

2 hoạt động ghi nhận sự tăng trưởng của Agribank là lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng 7,6% từ 2.304 tỷ đồng lên 2.479 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối đạt 584 tỷ đồng, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh và đầu tư lỗ gần 20 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động khác (gồm thu từ nợ gốc đã xử lý, lãi từ các khoản nợ đã xử lý rủi ro và thanh lý tài sản) đạt 2.694 tỷ đồng, giảm gần 28%.

Chi phí hoạt động của Ngân hàng tăng từ 11.306 tỷ đồng lên 12.532 tỷ đồng khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đạt 13.481 tỷ đồng, giảm mạnh 18,26%. Sau khi trừ tiếp chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 6.534 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm của AgriBank chỉ đạt 6.946 tỷ đồng, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc suy giảm lợi nhuận trong năm 2020 cũng được Agribank dự báo từ trước khi đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 ở mức tối thiểu 12.200 tỷ đồng, giảm khoảng 1.900 tỷ đồng so với mức thực hiện 2019.

Tính đến cuối quý II/2020, quy mô nợ xấu của Agribank có sự gia tăng mạnh. Cụ thể, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng từ 12.398 tỷ đồng đầu năm lên 17.285 tỷ đồng (tương đương mức tăng 39,42%), nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng tới 94,53% từ 1.956 tỷ đồng lên 3.805 tỷ đồng và nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng 5,87% lên 3.373 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của Agribank tăng từ 1,57% lên 2,16%.

Khoản phải thu 430 tỷ đồng khó đòi từ ALC 1

Một lưu ý khác trong báo cáo tài chính của Agribank và các công ty con trực thuộc là sức khỏe của Công ty Cho thuê tài chính I (ALC I). Theo đó, Công ty TNHH Deloitte Việt Nam - đơn vị thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của Agribank cho biết, ngày 30/6/2020, ALC 1 có lỗ lũy kế là 665 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 389 tỷ đồng. Ngoài ra, nợ phải trả tại ngày 30/6/2020 bao gồm khoản nợ lãi phải trả đã quá hạn thanh toán là 451 tỷ đồng, trong đó có 430 tỷ đồng là nợ lãi phải trả Agribank. Mặc dù ALC 1 đã đàm phán với các đối tác về việc thực hiện thanh toán và cơ cấu nợ, nợ lãi phải trả vẫn chiếm 72% tổng nợ phải trả của Công ty.

Từ những số liệu yếu kém của ALC I, Deloitte Việt Nam đánh giá, sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của ALC 1.

Được biết, ALC 1 là một trong hai công ty cho thuê tài chính do Agribank sở hữu 100% vốn điều lệ, còn Công ty Cho thuê tài chính II (ALC 2) đã mở thủ tục xin phá sản.

Tại thời điểm cuối quý II/2020, tổng tài sản của Agribank đạt 1,5 triệu tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với thời điểm đầu năm và số dư tiền gửi của khách hàng tăng 4% so với đầu năm, đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng.

Tỷ lệ an toàn vốn của Agribank giảm từ 7,3% xuống còn 6,9%

Trước đó, tại kỳ họp thứ 9 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã kiến nghị Quốc hội hội bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trong nhiều năm qua Agribank chưa được Nhà nước đầu tư bổ sung vốn điều lệ, tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản, khiến tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng bị suy giảm.

Vốn điều lệ của Agribank hiện đạt 30.591 tỷ đồng, tỷ lệ an toàn vốn thời điểm 31/12/2019 và 31/12/2020 chỉ đạt 9,2%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của hệ thống các tổ chức tín dụng trong nước là 12-13% và sát ngưỡng tối thiểu theo quy định là 9%. Còn nếu tính theo chuẩn mực vốn Basel II thì tỷ lệ an toàn vốn của Agribank tại thời điểm 31/12/2019 chỉ đạt 7,3% và sẽ giảm xuống 6,9% vào cuối năm nay, không đảm bảo yêu cầu vốn tối thiểu 8% theo quy định.

Để cải thiện tỷ lệ an toàn vốn nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh an toàn, thời gian qua, Agribank đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực tài chính, gồm cơ cấu lại danh mục tài sản theo hướng hạn chế phân bổ vốn vào các lĩnh vực có mức rủi ro cao, kiểm soát tốc độ gia tăng tài sản có rủi ro; đồng thời đẩy mạnh hoạt động thoái các khoản đầu tư góp vốn không hiệu quả, các khoản đầu tư góp vốn ngoài ngành, phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2.

Theo ông Lê Minh Hưng, Agribank đã tích cực thực hiện giải pháp thoái các khoản đầu tư, góp vốn (từ năm 2017 đến nay, Agribank đã thoái được 358 tỷ đồng thu về 492,5 tỷ đồng), tuy nhiên số còn lại phải thoái không nhiều và cũng khó thực hiện do rất phụ thuộc thị trường. Về giải pháp phát hành trái phiếu, giá trị trái phiếu đã phát hành để tăng vốn cấp 2 của Agribank hiện đã sát ngưỡng tối đa (quy mô trái phiếu tính vào vốn cấp 2 của Agribank hiện đạt gần 25.000 tỷ đồng, chiếm 49,3% vốn cấp một trong khi đó, theo quy định, trái phiếu để tăng vốn cấp 2 không vượt quá 50% vốn cấp một).

Cũng theo ông Hưng, giải pháp cổ phần hóa để tăng vốn từ thị trường hiện đang chậm tiến độ, do khó khăn, vướng mắc trong việc phê duyệt phương án sử dụng đất. Với mạng lưới kinh doanh bao phủ khắp cả nước từ miền núi đến hải đảo, tài sản đất đai của Agribank rất lớn, việc xác định giá trị nhà đất là hết sức phức tạp, khó có thể hoàn thành trong năm 2020.

Vì vậy, để đáp ứng chuẩn mực vốn Basel II, ngân sách nhà nước cần cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng cho Agribank ngay trong năm 2020, số vốn tự có thiếu hụt còn lại (khoảng 9.000 tỷ đồng) sẽ được Agribank bổ sung thông qua giải pháp phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2, bổ sung từ các quỹ của Ngân hàng được trích từ lợi nhuận hàng năm và cổ phần hóa để tăng vốn từ thị trường.

Tác giả: PV (t/h)

Nguồn tin: taichinhdoanhnghiep.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP