Đủ học vị, bằng cấp nhưng kém đức
Một trong những bức xúc của dư luận đối với các vụ cán bộ đánh người là: “Có ăn học mới làm cán bộ, sao cư xử thô lỗ vậy?”.
Thường những người thích dùng bạo lực là người thiếu sự giáo dục tối thiểu về văn hóa ứng xử. Họ thuộc dạng người sống vội vã, luôn quan tâm quyền lợi cá nhân trước tiên nên khi họ cảm thấy quyền lợi ấy bị ảnh hưởng là ngay lập tức “nhảy dựng” để tự bảo vệ mình trước.
Bấy lâu đã có quá nhiều phản ánh rằng việc tuyển dụng cán bộ, công chức quá nặng về bằng cấp, hộ khẩu, các mối quan hệ “con, cháu ông nào” mà chưa chú trọng nhiều đến văn hóa, đạo đức của người được tuyển dụng. Họ được học nhiều về chuyên môn nghiệp vụ nhưng không được đào tạo bài bản về đạo đức công vụ, về văn hóa giao tiếp nơi công sở và văn hóa giao tiếp với nhân dân đã được quy định rõ tại Luật Cán bộ, công chức. Họ không biết hy sinh, vị tha để hành xử đúng mực. Cái tôi của họ quá lớn dẫn đến thiếu nhân hậu đối với người khác.
Muốn làm “quan” với cả xã hội
Luật Cán bộ, công chức quy định rất rõ về đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức. Luật cũng rõ ràng rành mạch các nghĩa vụ của công chức đối với dân, kèm theo đó là các quyền được đào tạo, được hưởng lương, hưởng chính sách chế độ, nghỉ ngơi… tuyệt nhiên họ không được cho phép lên mặt, ra oai với dân từ công sở đến ra ngoài giao tiếp.
Vậy nhưng nhiều người hết giờ làm việc, cởi chiếc áo công vụ ở cơ quan, bước ra đường vẫn còn cho rằng mình đang là người đại diện cho Nhà nước, tự cho mình rất nhiều quyền lực. Họ mang cả cái ghế cán bộ ấy ra ngoài xã hội với tâm lý “không sợ ai vì ta là quan”, đến mức sẵn sàng dùng đến sức mạnh cơ bắp khi ai đó làm họ không hài lòng. Đối với người yếm thế, họ hành xử theo kiểu ban phát quyền lực, kiêu căng với tâm thế mình vừa có tiền vừa có quyền, trong khi lẽ ra phải tự hiểu giới hạn vận dụng quyền hành và trách nhiệm trong công vụ; phải ý thức hành xử với dân đúng theo Điều 17 Luật Cán bộ, công chức: “Gần gũi với nhân dân; có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn”. Chẳng biết tự bao giờ, tư tưởng quá trọng vọng người làm cán bộ ngay cả khi họ không làm công vụ góp phần không nhỏ cho cán bộ, công chức tự nâng vị trí, vai trò của mình quá tầm những điều được phép làm.
Vừa qua có nhiều trường hợp cán bộ, công chức vi phạm nhưng không được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý nghiêm minh, kịp thời nên đã tạo điều kiện cho cái xấu hoành hành. Vì thế, các cấp có thẩm quyền có vai trò
hết sức quan trọng trong việc xử lý những vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức. Đây sẽ là bài học làm gương cho những ai vẫn còn có ý định sử dụng bạo lực với người khác mà quên rằng mình đang giữ chức trách trong hệ thống chính trị
nói chung.
Ngạo mạn quyền hành là phương cách đẩy chính quyền xa dân nhanh nhất. Gánh nặng ngân sách không dùng để trả lương cho những cán bộ đủ bằng cấp, đầy học vị nhưng kém đức!
Phải xử lý thật nghiêm! “Thân là công chức, ứng xử với dân sao cho dân trọng, dân thương chứ cớ sao chưa rõ đúng sai mà đã vung tay, múa chân?”, đó là một trong những bức xúc của bạn đọc trên PLO khi đọc thông tin “Cán bộ Sở Ngoại vụ đánh tiến sĩ 76 tuổi sau va chạm giao thông”. Bạn đọc Phạm Hùng và Ôn Văn Thành đặt vấn đề: Một số người có học vị, có chức quyền nhưng không biết kính trọng người lớn tuổi, thậm chí hành động nặng tay với một cụ già. “Công chức ngoại giao tại sao lại như thế?” là câu hỏi của độc giả Minh Bui. Các bạn đọc Anh Bay, Hồng Vân, Nhật Đan Thế Quân… cùng rất nhiều ý kiến khác đồng quan điểm phải xử lý thật nghiêm, cần thiết thì đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức có hành xử bạo lực, thái độ xem thường dân. TS |
Tác giả bài viết: Trần Tuấn Duy
Nguồn tin: