Trong tỉnh

Xuất khẩu đá trắng ở Nghệ An: ‘Ăn xổi, bán non’ hay là tận thu ‘đầu thừa đuôi thẹo’?

Với việc xuất khẩu một lượng lớn đá hộc thô trắng khiến cho dư luận cho rằng Nghệ An đang “ăn xổi, bán non”. Còn ý kiến một số doanh nghiệp lại giải thích họ đang tận thu các sản phẩm “đầu thừa đuôi thẹo".

Theo số liệu từ Phòng Quản lý Xuất Nhập khẩu (thuộc Sở Công Thương Nghệ An) thì: năm 2017, Nghệ An xuất hơn 360 ngàn tấn bột đá vôi trắng siêu mịn, thu gần 30,6 triệu USD và khoảng hơn 1 triệu tấn đá hộc, giá trị thu được trên 25,1 triệu USD.

Còn năm 2018, khối lượng xuất khẩu đá hộc trắng thô là hơn 1,2 triệu tấn thu trên 24,181 triệu USD, đá trắng xay thành bột siêu mịn xuất khẩu là hơn 380 ngàn tấn thu lại 40,51 triệu USD. Phân tích số liệu trên thì thấy, chỉ có khoảng 24% đá trắng xuất khẩu đã qua chế biến thành bột, còn lại tới gần 76% là đá hộc thô.

Năm 2019 khối lượng xuất khẩu đá hộc trắng thô là hơn 1,2 triệu tấn, thu 23 triệu USD, đá trắng xay thành bột siêu mịn xuất khẩu là gần 490 nghìn tấn thu lại gần 40 triệu USD. Tức là năm 2019 chỉ có khoảng trên 28% đá trắng xuất khẩu đã qua chế biến thành bột, còn lại tới hơn 71% là đá hộc thô.

Việc Nghệ An xuất khẩu lượng lớn đá trắng thô khiến dư luận cho rằng địa phương này đang "bán lúa non"

Năm vừa qua 2020 khối lượng xuất khẩu đá hộc trắng thô cũng hơn 1,2 triệu tấn, thu được gần 24 triệu USD, đá trắng xay thành bột siêu mịn xuất khẩu là gần 590 nghìn tấn thu lại 47 triệu USD. Tức là chỉ có khoảng hơn 32% đá trắng xuất khẩu đã qua chế biến thành bột, còn lại tới gần 68% là đá hộc thô.

Với số liệu về xuất khẩu đá trắng qua các năm như trên dư luận cho rằng, giá trị thu lại từ 1 tấn đá trắng thô trung bình chỉ được khoảng trên dưới 20 USD trong khi đá trắng xay siêu mịn tương đương khoảng 90 - 100 USD. Điều đó có nghĩa là dù khối lượng đá hộc xuất đi gấp khoảng 4 lần so với đá trắng xay thành bột siêu mịn nhưng giá trị thu lại cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này lại chỉ bằng già nửa so với giá trị đá bột xay siêu mịn mang lại.

Vì thế nếu như hơn 1,2 triệu tấn đá hộc trắng thô xuất đi trong năm 2020 được các doanh nghiệp chế biến thành đá xay siêu mịn trước khi xuất khẩu thì nguồn thu lại cho Nghệ An sẽ tăng thêm khoảng 100 triệu USD.

“Đá trắng được xếp vào dạng tài nguyên quý hiếm của Việt Nam và là loại tài nguyên thế mạnh của Nghệ An. Nhưng với việc mỗi năm xuất hàng trệu tấn đá thô trắng thì tỉnh đang quá lãng phí tài nguyên khoáng sản. Hay nói cách khác là Nghệ An đang “ăn xổi, bán non” bán non khoáng sản”, một doanh nghiệp nhận định.

Trước những phân tích trên, một số doanh nghiệp khác lại cho rằng, số đá trắng mà họ xuất khẩu thô có chất lượng đá trắng dạng cục là đá chất lượng thấp cấp (độ trắng chỉ từ 85%-94%). Với loại đá này không phù hợp để sản xuất thành bột siêu mịn làm phụ gia cho các nghành công nghiệp chính như: Sơn, Giấy, Nhựa (những ngành cần độ trắng cao >97%) mà chỉ sản xuất phục vụ cho các ngành thấp cấp như thức ăn chăn nuôi, bột trét tường, xử lý nước...

Trong khi một số doanh nghiệp lý giải việc họ xuất khẩu đá trắng thô là "tận thu" nhằm tránh lãng phí.

Về giá trị thu lại từ 1 tấn đá trắng thô trung bình chỉ được khoảng trên dưới 20 USD trong khi đá trắng xay siêu mịn tương đương khoảng 90 - 100 USD, lãnh đạo một doanh nghiệp ở Nghệ An diễn giãi: Thực tế thì giá bán sản phẩm bột đá có độ trắng từ 90-94%: giá xuất khẩu FOB: 32-34 USD mỗi tấn; còn giá bán đá thô (dạng cục) có độ trắng từ 85-94%: giá xuất khẩu FOB: 19 – 22 USD mỗi tấn.

“Thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng đá thô là 15%, còn thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng bột là 5%. Vì vậy, tính ra thì thuế xuất khẩu đá thô: 20 USD * 15% = 3,0 USD (đồng thời thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho hoạt động xuất khẩu đá thô này không được khấu trừ). Trong khi thuế xuất khẩu bột: 32 USD * 5% = 1,6 USD. Như vậy, nếu so sánh việc nộp ngân sách Nhà nước đối với việc xuất khẩu đá thô và bột đã qua chế biến thì xuất khẩu đá thô nộp ngân sách nhiều hơn”, chủ một doanh nghiệp phân tích.

Ngoài ra chủ doanh nghiệp này cũng cho rằng, việc có thông tin cho rằng giá bán bột siêu mịn 90-100 USD là có nhưng đó là loại sản phẩm bột đá trắng có tráng phủ acid stearic có độ trắng >98% (mà nhu cầu thị trường sản phẩm này thì không nhiều). Còn giá bán bột đá sản xuất siêu mịn mà có độ trắng >97% thì giá FOB cũng chỉ từ 45 USD-55 USD. Cho nên khi đánh giá giá bán sản phẩm thì cần phải biết được chất lượng sản phẩm tương ứng và phải hiểu rõ được thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị sản xuất bột đá trắng.

“Xuất khẩu mặt hàng đá cục có chất lượng thấp cấp này là nhằm mục đích tận thu hết các sản phẩm “đầu thừa đuôi thẹo” không biết sử dụng vào đâu, tránh lãng phí tài nguyên khoáng sản. Vì nếu có chế biến thành bột thì cũng bán với giá rẻ mạt, không đủ chi phí khấu hao máy móc thiết bị, nguyên nhiên liệu, nhân công và các chi phí khác”, một doanh nghiệp khác lý giải.
An ninh Tiền tệ sẽ tiếp tục thông tin./.

Tác giả: Lâm Nguyên

Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP