Trong tỉnh

Xử lý nước thải, chất thải y tế: Báo động đỏ!

Vấn đề ô nhiễm môi trường từ nước thải, chất thải y tế của các bệnh viện công lập đã được gióng lên từ nhiều năm qua. Dù qua thời gian đã được cấp thẩm quyền quan tâm đầu tư, xử lý, tuy nhiên thực tế cho thấy đây vẫn còn là vấn đề nan giải…

Dân phản ánh

Chúng tôi đến khối Đan Nhiệm, thị trấn Nam Đàn ngày 22/10/2018 sau khi nhận được phản ánh của người dân về thực trạng gây ô nhiễm môi trường do hoạt động xử lý chất thải y tế của Bệnh viện Đa khoa Nam Đàn gây ra. Có mặt tại nhà ông Phan Bá Hùng (SN 1972), một hộ dân sinh sống sát bờ rào Bệnh viện Đa khoa Nam Đàn. Ông Hùng tỏ ra rất bức xúc nhảy qua bờ rào rồi gọi hàng xóm bắc thang cho chúng tôi “đột nhập“ khu xử lý chất thải y tế của Bệnh viện Đa khoa Nam Đàn. Bên lò đốt chất thải của bệnh viện, ông Hùng cho biết, hàng ngày vào lúc đầu buổi sáng và đầu buổi chiều, nhân viên bệnh viện đều đưa rác ra lò đốt. Mỗi lần như thế khói bụi, mùi khét, hôi thối bao trùm cả khu vực.

Khu vực lò đốt chất thải rắn y tế bằng phương pháp thủ công của Bệnh viện đa khoa Nam Đàn.

Theo quan sát, nhà ông Hùng chỉ cách lò đốt chất thải y tế của Bệnh viện Đa khoa Nam Đàn khoảng 20m. Đây là lò thủ công được xây bằng gạch với diện tích khoảng 4 - 5m2, ống khói chỉ cao khoảng 7m, nằm trong khu đất phía sau bệnh viện – nơi tập trung toàn bộ hệ thống xử lý chất thải rắn của bệnh viện.

Thời điểm 11h cùng ngày, lửa trong lò vẫn đang âm ỉ cháy. Xem xét bên trong, là rất nhiều bông băng y tế, thậm chí có cả lọ thủy tinh như ống lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm. Điều này được ông Phan Bá Hùng khẳng định, trong buổi sáng bệnh viện vừa tiến hành đốt chất thải nên lửa chưa tắt hết.

Bên cạnh lò đốt thủ công, có một lò xử lý chất thải nom có vẻ khá hiện đại. Nhưng theo những người dân sống cận kề bệnh viện thì từ lâu không hoạt động. Thực tế thì người dân phản ánh đúng bởi nó đã được gắn biển nhà chứa chất thải y tế. Đối diện lò đốt thủ công là một nhà kho rộng khoảng 30m2, được lợp mái tôn, phía trong là các bao, túi ni lông chứa các chất thải y tế đã được phân loại. Không gian nặng mùi hôi thối.

Nhưng ông Hùng cho biết, mùi hôi này cũng chưa đáng sợ bằng việc nhân viên y tế thường đến bãi đất hoang đầy cây bụi nằm giữa nhà ông và lò đốt (rộng khoảng 300m2) để đào hố chôn lấp nhiều loại mẫu bệnh phẩm trong đó có nhau thai. “Nói thật, nhiều lần chứng kiến họ (nhân viên y tế - PV) đào hố chôn nhau thai tôi đã to tiếng phản đối, thậm chí cả dọa nạt nhưng cũng không ngăn được“ - ông Hùng bức xúc, chỉ tay vào một bãi đất mà theo ông là mới được đào lấp.

Ông Phan Bá Hùng chỉ vị trí nhân viên bệnh viện mới chôn lấp nhau thai. Hình ảnh cho thấy đây là điểm đất mới so với xung quanh.

Còn theo cụ bà Trình Thị Hân, 84 tuổi, hàng xóm của anh Phan Bá Hùng thì toàn bộ khu đất này không có hệ thống thoát nước. Bởi vậy, mỗi khi trời mưa, cụm dân cư phía Tây khối Đan Nhiệm bị ngập lụt. Nước lụt ô nhiễm từ bệnh viện trành sang, dềnh lên khiến dân khổ không thể nói hết. “Mỗi khi bệnh viện đốt rác là chúng tôi lại phải đóng cửa. Thế nhưng kiểu chi khói cũng tràn vào nhà. Còn cứ trời mưa thì nước ngập. Sống ở đây rất ô nhiễm. Dân kêu nhiều năm rồi...“ - cụ Hân nói.

Trao đổi vấn đề này với ông Võ Thăng Long - Khối trưởng khối Đan Nhiệm, thị trấn Nam Đàn, ông khẳng định điều người dân phản ánh là đúng. Ông Long nói rằng Bệnh viện Đa khoa Nam Đàn đã khá cầu thị khi có nhiều động thái, nỗ lực tìm cách khắc phục sau những lần người dân có ý kiến. Tuy nhiên, vấn đề xử lý đốt rác thải thì vẫn còn ô nhiễm môi trường. Theo ông Võ Thăng Long, Bệnh viện Đa khoa Nam Đàn cần đầu tư lò đốt rác chất thải đạt quy chuẩn để không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trên địa bàn.

Nhiều băn khoăn

Trong chiều 22/10, tại Bệnh viện đa khoa Nam Đàn, chúng tôi trao đổi những điều được nghe, được thấy với ông Phan Công Dũng - Phó phòng Hành chính và được ông xác nhận nơi đây còn những tồn tại như vậy. Theo ông Dũng, mỗi ngày Bệnh viện đa khoa Nam Đàn có khoảng 100kg chất thải y tế. Nhân viên của bệnh viện sau khi thu gom, sẽ thực hiện phân loại. Đối với các loại bông băng, công cụ lấy mẫu bệnh phẩm… thì xử lý đốt tại bệnh viện. Số còn lại, được một đơn vị có chức năng xử lý rác thải y tế mà bệnh viện hợp đồng dùng xe chuyên dụng vận chuyển đi. “Bệnh viện đã làm tất cả những gì trong khả năng để loại trừ các vấn đề ô nhiễm môi trường. Dù vậy, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn còn những tồn tại trong việc xử lý chất thải y tế” - ông Dũng trao đổi.

Khu vực lò đốt chất thải rắn y tế hiện đại nhưng đã hư hỏng phải khóa cửa.

Còn theo ông Hồ Sơn - Giám đốc bệnh viện thì: “Ở Bệnh viện đa khoa Nam Đàn có nhiều việc cần giải quyết, trong đó có vấn đề về môi trường. Hiện nay, bệnh viện đã giải quyết được vấn đề nước thải. Tuy nhiên trong việc xử lý đốt chất thải y tế thì vẫn không thể tránh khỏi gây ra khói, mùi ảnh hưởng đến khu dân cư xung quanh…”.

Đặt ra câu hỏi: Bệnh viện Đa khoa Nam Đàn có kế hoạch gì để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường?. Giám đốc Hồ Sơn trả lời: Bệnh viện đa khoa Nam Đàn đã từng kiến nghị lên cấp trên để được quan tâm đầu tư hệ thống đốt chất thải y tế hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường, tuy nhiên đến nay chưa được xem xét giải quyết…

Tìm hiểu được biết, đến nay toàn tỉnh còn 21 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và 19 cơ sở ô nhiễm môi trường. Trong danh sách này, có đến 17 bệnh viện và trung tâm y tế lọt vào. Trong đó, đã có 12 bệnh viện được đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn và đã nộp hồ sơ đề nghị chứng nhận hoàn thành gồm: Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, Bệnh viện nội tiết, Bệnh viện đa khoa Quỳ Hợp, Bệnh viện đa khoa Diễn Châu, Bệnh viện GTVT Vinh, Bệnh viên đa khoa Phủ Diễn, Bệnh viện đa khoa khu vực Tây Nam, Bệnh viện đa khoa Yên Thành, Bệnh viện đa khoa huyện Nghi Lộc, Bệnh viện đa khoa Anh Sơn, Bệnh viện đa khoa huyện Quế Phong, Bệnh viện đa khoa TX. Cửa Lò. Tuy nhiên, sau khi Sở TN&MT tổ chức kiểm tra, lấy mẫu đối chứng thì kết quả đều chưa đạt theo quy định.

Khu dân cư khối Đan Nhiệm bị ô nhiễm môi trường do khói bụi từ bệnh viện.

Khu xử lý rác thải ý tế của Bệnh viện Đa khoa Nam Đàn chỉ cách các hộ dân đúng 1 bờ rào.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, 12 bệnh viện nêu trên cam kết sẽ hiệu chỉnh, khắc phục hệ thống để đến ngày 30/5/2018 sẽ hoàn thành và lập hồ sơ đề nghị chứng nhận. Dù vậy, đến thời điểm hiện nay mới chỉ có Bệnh viện đa khoa TX.Cửa Lò, Bệnh viện đa khoa khu vực Tây Nam, Bệnh viện đa khoa Yên Thành, Bệnh viện đa khoa Quế Phong và Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An là lập hồ sơ đề nghị chứng nhận hoàn thành. Sở TN&MT hiện đang xem xét các hồ sơ đồng thời tiếp tục nắm bắt tình hình, đôn đốc các bệnh viện còn lại…

Cũng theo Chi cục Bảo vệ môi trường thông tin: Bệnh viên đa khoa khu vực Tây Bắc đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung từ nguồn vốn của ngân sách tỉnh, hiện đang trong quá trình vận hành thử nghiệm và bàn giao. Bệnh viện Ung Bướu và Bệnh viện Phục hồi chức năng đang đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, dự kiến đến cuối 2018 hoàn thành và đưa vào sử dụng. Bệnh viện đa khoa Tân Kỳ, Bệnh viện đa khoa Đô Lương được đầu tư hệ thống xử lý nước thải từ nguồn vốn vay từ Ngân hàng tái thiết Đức, hiện đang trong giai đoạn thống nhất lựa chọn công nghệ xử lý với chủ đầu tư. Còn 5 bệnh viện chưa hoàn thành việc xử lý triệt để theo biện pháp đã được phê duyệt...

Rõ ràng, vấn đề ô nhiễm môi trường từ nước thải, chất thải y tế trong hệ thống bệnh viện công lập vẫn hết sức đáng lo ngại. Thể hiện điều này không chỉ thông qua đánh giá của Chi cục Bảo vệ môi trường, mà còn qua thực tế tại Bệnh viện đa khoa Nam Đàn. Cần phải khẳng định như vậy bởi Bệnh viện đa khoa Nam Đàn từng có tên trong danh sách cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nay đã được xác nhận hoàn thành. Trong khi thực tế, vẫn phải thực hiện chôn lấp bệnh phẩm và xử lý đốt chất thải y tế theo phương pháp thủ công, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

Tác giả: Nhóm PVĐT

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP