Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Lưu nơi xảy ra tình trạng “bán” giấy khám sức khỏe trong thời gian qua. |
Trong vai người chuẩn bị đi làm việc, chúng tôi tìm đến Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) để xin khám sức khỏe. Khi mới đến cổng, hỏi thủ tục khám như thế nào thì được một người bán hàng ở đây cho hay: “Chẳng cần khám gì đâu, anh cứ vào phòng kế toán bệnh viện nói bán cho cái giấy “khám sức khỏe” thì họ sẽ đưa cho. Lệ phí chưa đến 100 ngàn đồng đâu. Làm nhanh lắm, 2 phút anh có giấy bỏ vào hồ sơ đi xin việc”.
Theo lời “chỉ dẫn”, chúng tôi đến phòng kế toán nằm bên phía tay trái của bệnh viện hỏi “mua” giấy khám sức khỏe. Tại đây chúng tôi gặp ba bốn thanh niên cũng đang xin giấy khám sức khỏe để đi làm việc. Nhân viên kế toán không cần hỏi, đưa chúng tôi một tờ giấy rồi nói “hết 86 ngàn đồng”.
Sau khi trả tiền và lấy giấy, chúng tôi đến bàn nhân viên hướng dẫn ngồi ở tiền sảnh hỏi thì được cho hay: “Cứ vào các phòng 1,2,3,4,5 đưa các bác sỹ ký là xong”.
|
Chỉ mất khoảng 100 ngàn đồng và không cần khám bất cứ một cái gì, người lao động đã mua được một giấy khám sức khỏe. |
Mặc dù tờ giấy cầm trên tay chưa điền họ tên, giới tính, địa chỉ, lí do khám sức khỏe, tiền sử bệnh gia đình, tiền sử bệnh bản thân… nhưng khi vào phòng nội khoa, bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh vẫn nghiễm nhiên đặt bút ký mà không cần hỏi han bất cứ một điều gì (?!). Khám nội khoa với các bộ phận như tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, thận - tiết niệu, thần kinh, tâm thần… nhưng bác sỹ Nguyễn Hoàng Anh không cần chẩn đoán, khám bệnh mà đặt bút ký: “Bình thường, loại 1”.
Tương tự khi qua ngoại khoa, bác sỹ Quách Hữu Hưng cũng chẳng cần nhìn giấy ghi khám cho ai, sức khỏe như thế nào mà nhanh tay lấy bút ghi mấy dòng tương tự “Bình thường, loại 1” rồi ký xác nhận. Nhìn chữ viết, xấu đến không ai có thể đọc nổi, người khám chỉ biết lắc đầu ngao ngán.
Sau khi được “khám” ở phòng 1 và 2, chúng tôi tiếp tục qua phòng 3. Lúc vào chúng tôi thấy một vài người cũng đang chờ để được “khám”. Thấy tờ giấy chưa ghi họ tên, lúc này bác sĩ Hồ Hữu Biên mới nhắc chúng tôi: “Ghi họ tên, địa chỉ vào đi chứ, để thế này biết khám cho ai?”. Sau khi ghi thông tin đầy đủ, bác sĩ Biên hỏi muốn cân nặng, chiều cao như thế nào để ghi vào. Chỉ số tim mạch, huyết áp bác sĩ tự ghi. Ở phần ngoại khoa, sản phụ khoa bác sĩ không cần hỏi mà viết tắt hai chữ “BT” (bình thường).
Tương tự kiểu “khám suông” như thế, chúng tôi tiếp tục qua khoa tai - mũi - họng, răng - hàm mặt, mắt. Tại đây sau khi gom hết các tờ giấy khám sức khỏe của chúng tôi lại một chỗ, bác sỹ chuyên khoa 1 Lê Ngọc Đoan không cần khám hay hỏi han câu nào mà ngồi viết, ký liên hồi “loại 1”, “Bình thường” rồi đóng dấu họ tên đưa cho chúng tôi.
Không khám gì nhưng vẫn được kết luận “đủ sức khỏe lao động?” |
Sau khi khám ở các khoa trên, chúng tôi được bác sỹ Nguyễn Văn Hiên ký kết luận "Đủ sức khỏe đi lao động" rồi đưa qua phòng hành chính đóng dấu đỏ chót. Như vậy chỉ mất khoảng 100 ngàn đồng với dăm bảy phút “khám” siêu tốc ở các khoa của Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Lưu, chúng tôi đã có một giấy “Khám sức khỏe” để đi lao động ở các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp khác nhau. Tiền mất nhưng người động không được hưởng quyền lợi để biết tình trạng sức khỏe của mình như thế nào, có đủ tiêu chuẩn đi làm việc hay không. Đặc biệt một số người có thể mắc một số bệnh tiềm ẩn, không đủ sức khỏe làm việc nhưng vẫn được cấp giấy có nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.
Trao đổi với ông Nguyễn Sỹ Thành - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Lưu cho biết: “Nghe phản ánh chúng tôi mới biết chứ từ trước tới nay không có chuyện “bán” giấy khám sức khỏe đâu. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại, nếu có sẽ xử lý, kỷ luật nghiêm”.
Tác giả: Đức Anh
Nguồn tin: phuongnamplus.vn