|
Cái sai của người bịa chuyện thì đã rõ ràng, nhưng một vụ việc nghe qua đã hoang đường, phi lý lại được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội bằng ngôn ngữ cợt nhả, tục tĩu, khiếm nhã thì những người chia sẻ cũng độc ác chẳng kém!
Mạng người không phải để đùa
Tôi vẫn còn nhớ ngày đầu tiên gặp em trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm đường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú. Em là T.H một trong hai nữ sinh bị vu oan “hiếp dâm chết người” gây xôn xao cộng đồng mạng suốt những ngày qua. Cô nữ sinh mảnh mai có mái tóc dài, dáng dấp tiểu thư, ủy mị. Nhưng khác với vẻ bề ngoài, H. điềm tĩnh đến kỳ lạ. Suốt 15 phút đầu nói chuyện, em không khóc, câu nói liên tục được lặp đi lặp lại chỉ là: “Đó không phải là sự thật”.
Chợt nhớ, năm ngoái hình ảnh “hai người phụ nữ Trung Quốc chuyên bắt cóc trẻ em” được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội với nội dung cảnh báo: “Đây là những kẻ bắt cóc trẻ con bán ra nước ngoài, ai thấy phải bắt giữ lại và báo công an gấp”. Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, lời cảnh báo về hai đối tượng trên đã được chia sẻ rộng rãi tới hàng triệu người dùng Facebook. Thời điểm đó, những thông tin về tình trạng bắt cóc trẻ em ở mức báo động, bởi vậy nhiều người quyết tâm truy lùng bằng được hai người phụ nữ này để “dạy dỗ”, thậm chí hình ảnh hai người này còn được dán ở cả trường học để cảnh báo các em học sinh.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu sự việc tôi mới té ngửa hóa ra đó chỉ là trò đùa của cô em dâu. “Chuyện bắt đầu từ bữa tiệc tết Tây, chúng tôi tổ chức ăn uống với nhau, vừa ăn uống vui vẻ vừa chụp ảnh. Trong đó Ngọc Mỹ có chụp ảnh chị Ngà và tôi rồi đăng lên Facebook cá nhân của cô ấy. Lúc đó tôi còn háo hức hỏi có đăng không. Tôi chỉ nghĩ cô ấy đăng ảnh thêm vào mấy câu vui vui thôi, đâu ngờ cô ấy đăng ảnh kèm chú thích: “Hai người này chuyên bắt cóc trẻ em". Tôi vào Facebook đọc, thấy người ta chửi quá trời”, chị HTTT, một nạn nhân nhớ lại. Còn cô em dâu sau khi tung bức ảnh lên mạng yên tâm đi ngủ, ai dè sáng mở mắt tá hỏa thấy trò đùa của mình đã có hơn 20.000 lượt chia sẻ cùng hàng ngàn bình luận. Có xóa thì cũng muộn rồi.
Tôi cứ nhớ mãi dáng ngồi thu lu trong góc tối của người chị dâu vô tình trở thành nạn nhân trò đùa. Chị phải nghỉ bán hàng, nhốt mình trong nhà vì sợ bị “uýnh nhầm”. Thậm chí có lần đang ra cầu Nguyễn Văn Cừ thấy người ta hùng hổ chỉ trỏ bảo bà bắt cóc trẻ con đòi uýnh, chị phải la toáng lên: “Không phải, tui không bắt cóc trẻ con”, rồi chạy luôn về nhà.
Chuyện trôi qua đã hơn một năm nhưng chị bảo “mỗi lần nhớ lại vẫn còn sợ thí mồ”.
Rước họa vì vạ miệng trên “phây”
Trên thực tế, từng có nhiều vụ đùa dại trên Facebook sau đó đã phải nhận bài học đắt giá.
Đó là câu chuyện Quảng Nam dân chài lưới bắt được nàng tiên cá đăng trên trang thông tin điện tử quangnamonline.com.vn cuối năm 2015 thu hút hàng trăm ngàn người theo dõi. Đính kèm một số bức ảnh cô gái nằm trong tấm lưới nhìn có vẻ rất giống nàng tiên cá trong truyện cổ tích là bài viết: Người dân xã Tam Anh Nam ra sông thường thấy nàng tiên cá trèo lên ghềnh đá tắm nắng. Một nhóm người sau đó mai phục, đánh thuốc mê, dùng lưới bắt được nàng tiên cá nặng 48 kg. Và “hiện nàng tiên cá đang được điều trị tại BV Minh Thiện (TP Tam Kỳ), một đại gia người Nhật đã trả 1 triệu USD để mua nàng nhưng bị từ chối...".
Tác giả của câu chuyện trên là PĐH (27 tuổi, huyện Núi Thành), H đăng bài viết nhằm câu like cho trang mình quản lý. Kết quả là H bị Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Quảng Nam phạt 5 triệu đồng vì đăng tin không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận...
Người bịa chuyện "Nàng tiên cá Quảng Nam" bị phạt 5 triệu đồng. |
Tương tự, một trong những tin đồn gây hoang mang xã hội năm 2014 là dịch Ebola xuất hiện tại Việt Nam. Tác giả câu chuyện trên là cặp vợ chồng T.L và B.H. Cụ thể, vào ngày 11-8-2014, cô vợ đăng tải bài viết trên Facebook với nội dung: “Các mẹ ơi tin khẩn, dịch bệnh Ebola đã đến Việt Nam rồi nhé, tại BV Bạch Mai, tin nội bộ nên không để lộ ra. Các mẹ biết để phòng tránh cho gia đình và bé con nhé”.
Bài viết sau khi đăng tải lên Hội Nuôi con bằng sữa mẹ Việt Nam đã có hàng ngàn lượt chia sẻ. Cũng trong ngày, chồng chị cũng đã đăng lên trang Facebook cá nhân nội dung tương tự. Hậu quả hai vợ chồng sau khi nhận vài ngàn like ảo đã bị phạt hành chính mỗi người 10 triệu đồng...
Hiện nay, rất nhiều người sử dụng mạng xã hội, trong đó có Facebook, chưa ý thức được hành động đùa giỡn của mình có thể gây ra hệ lụy rắc rối về sau. Cũng có người cố ý dùng mạng xã hội để xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Những hành vi nêu trên có thể vi phạm pháp luật. Nhẹ thì có thể bị xử phạt hành chính, buộc phải xin lỗi và bồi thường thiệt hại cho người khác. Nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo Điều 121 BLHS hoặc tội vu khống theo Điều 122 BLHS. Cụ thể, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác. Khung hình phạt thấp nhất của tội danh này là phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Khung hình phạt cao nhất là bị phạt tù từ một năm đến ba năm, nếu có tình tiết: Phạm tội nhiều lần; Đối với nhiều người;… Còn người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống. Khung hình phạt thấp nhất của tội danh này là bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Khung hình phạt cao nhất là bị phạt tù từ một năm đến bảy năm, nếu có tình tiết: Có tổ chức; Đối với nhiều người; Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;… (Luật sư Nguyễn Đức Chánh – Đoàn Luật sư TP HCM). |
Tác giả: NGUYỄN TRÀ
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM