Thực tế Bản Đửa xã Lượng Minh không có 45 hộ đồng bào người Ơ Đu như trong đề án. |
Ngày 11/01, trả lời câu hỏi của các phóng viên liên quan đến việc lãnh đạo Ban Dân tộc Nghệ An - người có liên quan trong vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn, tham ô tài sản tại Ban Dân tộc, đã nghỉ hưu theo chế độ thì có bị xư lý trách nhiệm? - Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh này khẳng định: vẫn đang tiếp tục điều tra xử lý các đối tượng liên quan.
Theo Đại tá Hùng, đây là một trong những vụ việc “điểm” được tỉnh Nghệ An chọn để xử lý, nhằm răn đe, cảnh tỉnh đến nhiều dự án khác trên địa bàn.
Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An khẳng định sẽ không bỏ lọt tội phạm trong vụ án. |
“Với vụ án này, cơ quan điều tra đã khởi tố 4 bị can, trong đó có hai bị can có chức vụ quyền hạn, với các tội danh: Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Lợi dụng chức vụ quyền hạn, Tham ô tài sản.” - Đại tá Hùng nói và cho biết: Nhiều nội dung liên quan vụ án đang được công an tỉnh xin chủ trương để xử lý tiếp giai đoạn 2. Chúng tôi sẽ tiến hành theo đúng quy định của pháp luật và các quy định liên quan. Quan điểm làm rõ đến đâu, xử lý đến đó, không bao che, không dừng lại, không bỏ sót lọt tội phạm và nghiêm minh, triệt để".
Trước đó như Báo Giao thông đã đưa tin, Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2025 được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2016 và quyết định phê duyệt đề án của UBND tỉnh Nghệ An năm 2017 với tổng kinh phí 120 tỷ đồng (ngân sách trung ương 90% và 10% ngân sách đối ứng địa phương).
Đề án được thực hiện tại hai bản Văng Môn (xã Nga My) và bản Đửa (xã Lượng Minh), thuộc huyện Tương Dương do Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An thực hiện.
Đề án được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (2016-2020) kinh phí 61,6 tỷ đồng; Giai đoạn 2 (2021-2025) kinh phí 58,4 tỷ đồng. Mục tiêu của đề án là xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người Ơ Đu bền vững, tăng cường chăm sóc sức khỏe, cải thiện giống nòi và bảo tồn các nét văn hóa truyền thống; bảo tồn và phát huy tiếng nói, nhà ở, phong tục tập quán của người Ơ Đu.
Tuy nhiên, khi đề án được triển khai thì bị phát hiện đã “đưa nhầm” 231 người không thuộc diện hỗ trợ vào đề án. Ngoài ra, quá trình triển khai đề án có xảy ra một số sai phạm nghiêm trọng.
Liên quan đến những sai phạm trong việc thực hiện đề án này, tối 23/7/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Nghệ An đã thi hành lệnh khám xét khẩn cấp phòng làm việc của ông Nguyễn Tâm Long, quyền Trưởng phòng Chính sách dân tộc (Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An) tại nơi làm việc và nhà riêng ở xã Hưng Lộc, thành phố Vinh. Quá trình khám xét, Cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều giấy tờ liên quan đến đề án. Công an tỉnh tổ chức thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp để điều tra đối với ông Nguyễn Tâm Long.
Cũng trong ngày 23/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh đã tạm giữ khẩn cấp ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Văn Sơn (có trụ sở tại xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu) để phục vụ công tác điều tra.
Trước đó, ngày 21/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Nghệ An đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Kim Văn Bốn, cán bộ Phòng Chính sách dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh.
Cũng liên quan đến vụ án này, ông Lương Thanh Hải, sinh 30/5/1962, khi đang là Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An (nay đã nghỉ công tác, chờ đủ tuổi để nghỉ hưu) từng trả lời Báo Giao thông rằng: “Ban Dân tộc Nghệ An thừa nhận có thiếu sót trong quá trình tham mưu, lập và trình UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt đề án. Trách nhiệm chính thuộc về phòng tham mưu xây dựng đề án và lãnh đạo Ban Dân tộc giai đoạn 2015 - 2018. Ngoài ra không có động cơ lợi ích cá nhân khi tham mưu xây dựng đề án”.
Tác giả: Văn Thanh
Nguồn tin: Báo Giao thông