Trong tỉnh

Đưa nhầm 231 người Ơ Đu vào đề án: Do thói quen vẽ số liệu để xin kinh phí?

"Khi lập đề án chúng ta có thói quen cứ nghĩ làm to, làm lớn để xin kinh phí. Khi có kinh phí lại không làm được vì không đảm bảo tiêu chí".

Thực tế Bản Đửa xã Lượng Minh không có 45 hộ đồng bào người Ơ Đu như trong đề án (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Ngày 9/7, trả lời về vấn đề Ban dân tộc tỉnh Nghệ An “đưa nhầm” 231 người Ơ Đu ở xã Lượng Minh vào đề án "Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2025" với kinh phí 128 tỷ đồng, ông Lương Thanh Hải - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, cho biết: Đề án được xây dựng trên cơ sở kế thừa từ số liệu khảo sát ở Tương Dương từ trước đó nhiều năm.

Theo số liệu năm 2015, có 179 hộ 856 khẩu là dân tộc Ơ Đu sống tập trung chủ yếu ở huyện Tương Dương. Trong đó, số tái định cư ở bản Văng Môn chuyển từ lòng hồ thủy điện Bản Vẽ về là 94 hộ 456 nhân khẩu. Thống kê còn có 5 xã khác của huyện có người Ơ Đu sinh sống nhưng rải rác và xen lẫn với các dân tộc khác.

Theo ông Hải, số liệu người Ơ Đu cũng thay đổi không logic vì người Ơ Đu sống chung trong cộng đồng người Thái, người Khơ Mú, trong gia đình chỉ có vợ hoặc chồng là người Ơ Đu; duy nhất 1 hộ ở bản Văng Môn có cả nhà là người Ơ Đu. Chính vì thế quá trình điều tra mỗi thời điểm có số liệu khác nhau.

Ông Vi Thanh Hải - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An nhận sai và nhận trách nhiệm trước tỉnh về việc "đưa nhầm" 231 người Ơ Đu vào đề án.

Trong đề án có ghi theo quyết định 8329 của UBND tỉnh ngày 22/08/2017, xã Lượng Minh có 45 hộ 231 khẩu là người Ơ Đu, chứ không ghi là bản Đửa có bấy nhiêu người Ơ Đu. Trong đề án cũng có ghi để triển khai thực hiện tập trung cho đồng bào thì ngoài bản Văng Môn, còn đề xuất đưa tập trung người Ơ Đu về bản Đửa (hay còn gọi là bản Đáo). Ban Dân tộc đã thống nhất với huyện Tương Dương sẽ chọn Bản Đửa đã từng có nhiều hộ dân tộc Ơ Đu sinh sống, với mục đích đưa 45 hộ kể trên về tái định cư tập trung tại bản Đửa để thuận lợi cho việc đầu tư theo đề án.

Sau đó, việc vận động bà con về tái định cư không được thuận lợi. Đề án được phê duyệt 2017, cuối 2018 thì Trung ương mới có nguồn về. Để đảm bảo nguồn sử dụng đúng mục đích thì tháng 2/2019, Ban Dân tộc đã thành lập đoàn đi khảo sát thực trạng KT-XH người Ơ Đu để đề xuất hạng mục phù hợp với trình độ của người Ơ Đu. Qua khảo sát cho thấy, số người dân tộc Ơ Đu ở xã Lượng Minh không còn như đề án đã phê duyệt, vì vậy Ban dân tộc đã báo cáo, tham mưu trình UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định đưa 45 hộ 231 nhân khẩu ở bản Đửa ra khỏi diện đầu tư hỗ trợ. Đến nay, bản Đửa, xã Lượng Minh chưa được đầu tư hỗ trợ bất cứ hạng mục nào từ nguồn của đề án.

“Quá trình xây dựng đề án là nhiệm vụ chuyên môn của Ban và địa phương nên không sử dụng kinh phí từ đề án. Ban Dân tộc Nghệ An thừa nhận có thiếu sót trong quá trình tham mưu, lập và trình UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt đề án. Trách nhiệm chính thuộc về phòng tham mưu xây dựng đề án và lãnh đạo Ban Dân tộc giai đoạn 2015 - 2018. Ngoài ra không có động cơ lợi ích cá nhân khi tham mưu xây dựng đề án”, ông Hải khẳng định.

Ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nêu quản điểm trong xử lý vụ việc.

Thừa nhận về sai sót ở đề án, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - Bùi Đình Long có lý giải thêm về nguyên nhân dẫn đến sự việc: “Khi lập đề án hoặc báo cáo những nội dung để xin kinh phí, xin nguồn thì số liệu to lắm. Cứ nghĩ làm to, làm lớn để xin kinh phí. Khi có kinh phí lại không làm được vì không đảm bảo tiêu chí đề ra”.

Về trách nhiệm, tỉnh đã giao Ban Dân tộc phải kiểm điểm trách nhiệm nghiêm túc. Đồng thời, giao cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền kiểm tra. Không những là cơ quan công an và cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác cũng vào kiểm tra, xem xét.

Tác giả: Văn Thanh

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP