Trong tỉnh

Việc Nghệ An là tỉnh mua ô tô nhiều nhất nước có đáng... hoang mang?

Nghệ An vẫn còn là một tỉnh nghèo, thu nhập bình quân của người dân không cao. Vậy việc nhiều người dân mua xe ô tô phản ánh điều gì?

Một góc thành phố Vinh, Nghệ An với đầy ô tô trên đường. Ảnh: Hoàng Cường

Theo Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Nghệ An, năm 2022, Nghệ An có 27.404 xe ô tô được đăng ký mới, tăng 3.117 xe so với năm 2021. Chỉ tính riêng trong 20 ngày đầu năm 2023 (từ ngày 1 đến 19/1/2023) số ô tô đăng ký mới của tỉnh này là 1.830 xe.

Quả thực, không thể nói là tình hình trên không hề mâu thuẫn so với tình hình kinh tế của tỉnh này, bởi cho đến nay Nghệ An vẫn là tỉnh có thu nhập bình quân đầu người nằm trong nhóm thấp nhất cả nước, được xem "tỉnh nghèo".

Từ đó, rất nhiều người đặt ra câu hỏi rằng liệu việc người dân Nghệ An đua nhau mua ô tô vì đó là nhu cầu, hay vì lý do khác, như để "oai" chẳng hạn?

Một cách chủ quan, tôi cho rằng là cả hai. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An, bình quân mỗi năm tỉnh có 13.000 - 14.000 người đi xuất khẩu lao động, đa phần đến các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Từ đó, lượng kiều hối đổ về tỉnh khá cao, nâng mức sống của người dân ngày càng đi lên. Nhiều ngôi nhà khang trang hơn mọc lên, cùng với lượng phương tiện giao thông cũng nhiều hơn, tốt hơn...

Đó là chưa kể, địa hình tỉnh Nghệ An kéo dài từ miền núi đến đồng bằng, lại nằm trong khu vực có thời tiết khắc nghiệt của Việt Nam. Do đó, việc các gia đình nỗ lực có phương tiện để khắc phục được nhược điểm mùa nóng rất nóng, mùa mưa rất mưa là điều không có gì khó hiểu. Chưa kể, dòng xe mà người dân Nghệ An chọn mua có giá từ 400 - 700 triệu đồng, không phải xe sang...

Tuy nhiên, không thể phủ nhận lý do còn lại. Là một người lớn lên ở nông thôn miền Trung, tôi rất thấm thía sự "lời ra tiếng vào" của họ hàng, hàng xóm mà bất kỳ ai cũng gặp phải. Những câu hỏi đại loại "Nó đi lao động lâu thế mà không có tiền à, sao vẫn chưa xây nhà mới cho bố mẹ?", "Thằng con tôi năm nay kiếm được cả tỉ, mới mua cho bố mẹ con 4 bánh", "Đi làm lâu thế mà chưa mua ô tô à?"...

Nhiều người nói, đó là đặc tính của vùng thôn quê - gặp nhau thì phải chào, dù thân hay sơ; mà chào thì phải hỏi những chuyện "sâu sát" nó mới ra chiều thân thiết... Dần dần, đặc tính ấy phần nào hình thành nên cách đánh giá dựa trên bề ngoài. Để rồi, cày cuốc quanh năm, chấp nhận tha hương vất vả nơi xứ người, dư được một số tiền thì người ta nghĩ đến chuyện xây nhà, mua xe là đầu tiên. Hầu như đa phần đều đặt mục tiêu mua nhà, xe trước rồi mới đến gom vốn làm ăn...

Dẫu sao thì, nếu việc người dân đua nhau mua ô tô - dù ô tô là tiêu sản chứ không phải tài sản, và họ mua xe đôi khi chỉ để giải quyết khâu "oai" hơn là thật sự có nhu cầu - cũng phản ảnh sự đi lên trong đời sống người dân. Bức tranh kinh tế của một đất nước luôn bắt đầu từ bữa cơm mà người dân ăn, phương tiện mà người dân dùng.

Thực tế, xét về bức tranh chung, tỷ lệ mua ô tô ở Nghệ An nói riêng hay cả Việt Nam nói chung, đều thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ ở các nước lân cận. Vì thế, không cần hoang mang vì người dân Nghệ An mua ô tô nhiều, hãy xem đó là sự phấn đấu cần thiết, là nét khởi sắc đáng để vui.

Tác giả: Hoàng Hạnh

Nguồn tin: phunuonline.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP