Thế giới

Vì sao sự đối đấu giữa Mỹ và Trung Quốc gây bất ổn tại Nam Á?

Mỹ và Ấn Độ đẩy mạnh quan hệ thương mại và quốc phòng trong khi Trung Quốc và Pakistan lập liên minh. Cục diện này đe doạ đến an ninh ở Nam Á.

Trong chuyến thăm ba ngày tại Ấn Độ, Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố rằng Washington muốn thấy Ấn Độ có uy lực hơn ở khu vực Nam Á. Mỹ không chỉ tiến gần tới việc đạt được một thoả thuận về hạt nhân với Ấn Độ mà còn đặt mục tiêu tăng kim ngạch thương mại song phương hàng năm giữa hai nước lên khoảng 500 tỉ USD.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến New Dehli để tham Cuộc đối thoại Thương mại và Chiến lược Ấn - Mỹ lần thứ hai

Phát biểu tại New Delhi, Ngoại trưởng Kerry cho biết: "Tôi rất tin tưởng rằng chúng ta sẽ tiếp tục củng cố những gì mà Tổng thống Obama đã nêu sẽ định hình quan hệ đối tác của thế kỷ 21. Chúng tôi cũng hy vọng chứng kiến sự hợp tác về hạt nhân dân sự giữa hai nước chúng ta sẽ được hiện thực hoá bằng việc xây dựng các lò phản ứng mới để đem lại nguồn điện đáng tin cậy cho hàng chục triệu hộ gia đình Ần Độ”.

Hiện nay, Mỹ đang tích cực ủng hộ Ấn Độ gia nhập Nhóm các Nhà cung cấp Nguyên tử (NSG), đề xướng vấp phải sự phản đối của hai đối thủ truyền kiếp của Ấn Độ là Trung Quốc và Pakistan.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj cho hay quan hệ hợp tác quân sự giữa Ấn Độ và Mỹ còn có thể được đẩy mạnh vì Ấn Độ muốn hợp tác với Mỹ để chế tạo vũ khí tối tân hơn tại Ấn Độ.

Phát biểu tại cuộc họp báo cùng với người đồng cấp Kerry, ông Swaraj nói: "Chúng tôi muốn đưa quan hệ hợp tác quốc phòng đang được mở rộng giữa hai nước lên một giai đoạn tiếp theo là cùng sản xuất và cùng phát triển”.

Các liên minh mới được thiết lập đe dọa an ninh ở Nam Á

Theo các chuyên gia, Mỹ muốn Ấn Độ đóng vai trò to lớn trong khu vực để đối trọng lại sự quyết đoán về quân sự và chiến lược ngày càng hung hãn của Trung Quốc.

Ông Amit Cowshish, cựu cố vấn tài chính thuộc Bộ Quốc phòng Ấn Độ, nhận định việc Mỹ coi Ấn Độ là một liên minh đáng tin cậy của minh ở khu vực Nam Á cũng là điều hợp lý và dễ hiểu. Ông nói: "Chia sẻ các giá trị dân chủ và những lợi ích chung trong các lĩnh vực khác ngoài quốc phòng là những yếu tố thúc đẩy chính quan hệ Ấn - Mỹ song vai trò là tác nhân góp phần ổn định trong khu vực và là điểm hội tụ giữa hai nước về chính sách Tái cân bằng của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương và chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ là yếu tố thúc đẩy quan hệ quốc phòng chặt chẽ giữa hai nước.

Trong khi đó, những thay đổi về địa chính trị ở Nam Á khiến Pakistan thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với đối thủ bấy lâu của mình là Trung Quốc. Bắc Kinh đang triển khai mở rộng quan hệ hợp tác thương mại và quân sự với Islamabad đồng thời theo dõi sát sao tiến triển quan hệ New Delhi - Washington.

Năm 2015, Trung Quốc đã công bố một dự án hợp tác kinh tế với Pakistan trị giá 46 tỉ USD. Với Hành lanh Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC), Bắc Kinh đặt mục tiêu mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ở Pakistan và khắp Trung và Nam Á để đối chọi uy thế của Mỹ và Ấn Độ. CPEC dự kiến nối liền cảng miền Nam Gwadar (Pakistan) bên bờ Biển Ả Rập với tỉnh Tân Cương, Trung Quốc. Dự án này còn bao gồm các kế hoạch xây dựng đường bộ, đường sắt và đường ống dẫn dầu để nâng cao sự kết nối giữa Trung Quốc và Trung Đông.

Pakistan hiện đang phải vật lộn với khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Theo các chuyên gia, CPEC chắc chắn có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế cần thiết cho Pakistan.

Ông Ali Shah, nhà nghiên cứu Pakistan tại Karachi, cho biết: "Pakistan biết rằng Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường quốc trong mười năm tới. Islamabad đang xích lại gần hơn với Trung quốc và liên minh với Washington từng bước, chậm rãi tụt hậu”.

Xung đột lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc tại châu Á và các liên minh chiến lược mới được thiết lập càng làm gia tăng tình hình căng thẳng trong khu vực. Quan hệ Ấn Độ - Pakistan đang ở giai đoạn tồi tệ khi hai nước làng giềng buộc tội lẫn nhau bảo trợ cho khủng bố.

Kể từ ngày 8/7, tại một phần vùng Kashmir (Ấn Độ) bạo lực luôn hoành hành. New Delhi đã buộc tội Islamabad ủng hộ các nhóm ly khai ở thung lũng Kashmir. Ngược lại, Pakistan cáo buộc rằng các cơ quan tình báo Ấn Độ ủng hộ một phong trào nổi dậy ở tỉnh Balochistan, miền Tây Ấn Độ.

Ông Kerry thừa nhận rằng quan hệ xấu đi giữa Ấn Độ và Pakistan gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh trong khu vực, đặc biệt là ở Afghanistan, nơi Mỹ đóng quân. Ngoại trưởng Mỹ đã lựa chọn giải pháp cứng rắn với Islamabad.

Phát biểu trước sinh viên tại New Delhi, ông Kerry nói: "Rõ ràng, Pakistan cần phải nỗ lực hơn nữa để trấn áp các nhóm bản xứ đã tham gia vào các hoạt động khủng bố cực đoan. Họ cần phải phối hợp với chúng ta để dẹp những nơi ẩn náu của những phần tử xấu đang gây ảnh hưởng không chỉ đến quan hệ giữa Pakistan và Ấn Độ mà còn đến khả năng đạt được hoà bình và ổn định ở Afghanistan".

Người Pakistan lo ngại

Theo các nhà phân tích, mối quan hệ "ấm lên" giữa Ấn Độ và Mỹ là hồi chuông cảnh tỉnh đối với Islamabad.

Chuyên gia về Quan hệ Quốc tế từ Karachi, Talat A. Warzarat, nhận định: "Các thoả thuận an ninh Mỹ - Ấn sẽ có tác động đến Pakistan. Islamabad có cơ sở để lo ngại. Vậy vì sao Pakistan cần phải hành động vì các lợi ích của Mỹ ở Afghanistan? Chiến lược mới nhằm khống chế ảnh hưởng của Trung Quốc, song Pakistan cũng đang 'chịu trận'. Trung Quốc, Iran và Nga cũng có thể phải xem xét các thoả thuận Mỹ- Ấn một cách nghiêm túc và sẽ làm gì đó để ngăn chặn”.

Còn theo ông Shuakat Qadir, một nhà phân tích an ninh và là nguyên thiếu tướng quân đội Pakisyan, cho hay "Islamabad cần chủ động trấn áp khủng bố và Mỹ cùng cần xem xét lại các chính sách của mình”.

Giới phân tích cho rằng, tổ chức dân sự và quân sự của Pakistan vẫn coi Taliban là một liên minh chiến lược quan trọng mà theo họ cần phải là một bộ phận cấu thành của chính phủ Afghanistan sau khi NATO rút quân. Theo các nhà quan sát, quân đội Pakistan hy vọng sẽ lấy lại được uy thế đã từng có ở thủ đô Kabul (Afghanistan) trước khi Mỹ và đồng minh lật đổ chính phủ Taliban thân Pakistan vào năm 2001.

Nhà báo và là nhà nghiên cứu tại London, Farooq Sulehria, cho biết: "Hiện nay, Kabul ngày càng tỏ ra thân thiện hơn với New Delhi, trong khi Islamabad tiếp tục ủng hộ Taliban. Pakistan muốn thay đổi cục diện này và đưa Afghanistan một lần nữa quay trở lại 'sân sau chính trị' của mình."

Mặc dù vậy, một số chuyên gia cho rằng sự đối đầu gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đang làm tình hình an ninh ở Nam Á ngày càng xấu đi và có thể khơi mào cho những đợt xung đột mới trước khi nhấn khu vực này vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc hơn. Theo các chuyên gia này, Ấn Độ và Pakistan chỉ đang tự điều chỉnh phù cho hợp với tình hình địa chính trị đang thay đổi./.

Tác giả bài viết: CTV Xuân Hương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP