Pháp luật

Vay để lừa đảo đáo hạn ngân hàng, coi chừng nhận án chung thân

Theo luật sư, nếu số tiền vay không sử dụng vào mục đích đã hứa hẹn ban đầu và không trả lại số tiền này thì có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hình phạt cao nhất có thể được áp dụng đối với người phạm tội này là tù chung thân.

Hiện nay, hoạt động cho vay tiền để đáo hạn ngân hàng diễn ra khá sôi động. Lợi dụng hoạt động này, nhiều đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điều đáng nói, trong số các nạn nhân, có người bị lừa số tiền lên đến 30 tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 3/10 mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long đã khởi tố bị can và bắt tạm giam Huỳnh Thị Phượng Kiều (SN 1971, ngụ TP.Vĩnh Long) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vờ vay tiền đáo hạn để chiếm đoạt gần 30 tỷ đồng

Theo điều tra, lợi dụng sự quen biết trong làm ăn kinh doanh, Kiều đã hỏi vay tiền của chị T.H.Y (ngụ TP.Vĩnh Long). Trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2019, Kiều đã nhiều lần vay tiền của chị Y. và thực hiện trả nợ gốc cùng tiền lãi đầy đủ, từ đó tạo được sự tin tưởng.

Bị can Huỳnh Thị Phượng Kiều.

Sau đó, Kiều đưa ra thông tin gian dối làm nghề cho vay đáo hạn ngân hàng, đang có nguồn khách hàng cần tiền để đáo hạn ngân hàng nhằm mục đích tiếp tục hỏi vay tiền của chị Y. Tuy nhiên, khi nhận được tiền thì Kiều không cho ai vay đáo hạn ngân hàng mà sử dụng số tiền đã vay để trả tiền lãi vay cho chị Y. và các khoản nợ khác. Với phương thức thủ đoạn như trên, Kiều đã chiếm đoạt của chị Y. số tiền 29,4 tỷ đồng.

Trước đó, cuối tháng 7/2023, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Đà Nẵng tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú với Võ Thị Quế Chi (36 tuổi, trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, Đà Nẵng) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cuối năm 2019, làm ăn thua lỗ, Chi đưa ra thông tin gian dối cần vay tiền để đáo hạn ngân hàng nhằm chiếm đoạt hàng tỷ đồng của các nạn nhân. Cụ thể, Chi vay bạn của chồng 10 tỷ đồng. Số tiền này Chi sử dụng để trả gốc và lãi hằng tháng gồm 6,925 tỷ đồng tiền gốc, gần 1,985 tỷ đồng tiền lãi. Cũng với thủ đoạn tương tự, Chi vay của bà H.L. (trú Đà Nẵng) tổng cộng 8,3 tỷ đồng. Số tiền này Chi sử dụng để trả 3,656 tỷ đồng tiền gốc và hơn 3,45 tỷ đồng tiền lãi.

Phân tích thủ đoạn trện, Thượng tá, TS. Phan Thị Thanh Hải, Phó Trưởng khoa Cảnh sát kinh tế, Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết, vay tiền để đáo hạn ngân hàng nhằm tránh bị ngân hàng xếp hạng tín nhiệm xấu đã có từ lâu. Tuy nhiên, việc đưa ra thông tin gian dối để vay tiền nhưng không nhằm mục đích đáo hạn ngân hàng mà sử dụng cho các hoạt động phi pháp, sử dụng cho mục đích cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản của tổ chức, cá nhân cho vay thì nổi lên trong thời gian gần đây và có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.

Qua khảo sát, nghiên cứu, đánh giá tình hình thực tế của tội phạm này, Thượng tá, TS. Phan Thị Thanh Hải nhận thấy các đối tượng có một số thủ đoạn phổ biến sau:

Đối với nhóm đối tượng là cán bộ trong một số cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính, lĩnh vực ngân hàng: do có điều kiện thuận lợi trong công tác chuyên môn, đối tượng nắm bắt được các khách hàng có tiềm lực tài chính, có nguồn tiền nhàn dỗi… đã tiếp cận với các khách hàng, đưa lí do cần tiền đáo hạn ngân hàng cho khách vay để vay tiền rồi sử dụng cho mục đích cá nhân.

Đối với nhóm đối tượng là doanh nghiệp có khoản vay ngân hàng: khi đến thời hạn đáo hạn, đã tìm cách huy động vốn từ các khoản vay khác thậm chí dùng hồ sơ vay vốn khống, hợp đồng kinh tế giả… để có được khoản tiền nộp vào ngân hàng nhằm tránh bị chuyển về khoản nợ xấu, nợ quá hạn ảnh hưởng tới chỉ số tín nhiệm trong kinh doanh của doanh nghiệp.

Thượng tá, TS. Phan Thị Thanh Hải, Phó Trưởng khoa Cảnh sát kinh tế, Học viện Cảnh sát nhân dân

Đối với các đối tượng là doanh nghiệp và cá nhân khác: đánh vào tâm lý hám lợi của người có tiền nhàn dỗi, đưa ra thông tin gian dối cần tiền đáo hạn ngân hàng để huy động tiền với mức lãi suất cao. Tiền có được dùng vào mục đích cá nhân, tiền sau trả cho tiền trước dẫn đến mất khả năng thanh toán…

Coi chừng nhận án chung thân

Trước thực trạng này, Thượng tá, TS. Phan Thị Thanh Hải khuyến cáo tổ chức, cá nhân cần thận trọng và cảnh giác trước những phương thức, thủ đoạn cho vay tiền để làm “dịch vụ đáo hạn ngân hàng” bằng việc nghiên cứu, thu thập, thẩm định kỹ, xác minh bằng nhiều kênh thông tin khác nhau về các trường hợp đặt vấn đề vay tiền đáo hạn ngân hàng, đặc biệt các trường hợp vay tiền với mức lãi suất cao.

Chỉ cho vay trong trường hợp có tài sản đảm bảo và chấp hành quy định pháp luật về hoạt động huy động và cho vay.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn, giám đốc công ty Luật TNHH Minh Gia khẳng định, người nào lừa đảo vay tiền đáo hạn ngân hàng để chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau.

Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Luật sư Tuấn khẳng định, theo quy định trên, hành vi lừa đảo vay tiền đáo hạn ngân hàng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nếu có căn cứ chứng minh rằng người phạm tội đã đưa ra thông tin gian dối, sai sự thật để yêu cầu người cần vay tiền chuyển tiền trước để mình thực hiện thủ tục đáo hạn ngân hàng thay người vay hoặc người phạm tội đóng vai trò là người vay tiền với mục đích đáo hạn ngân hàng khiến người cho người vay tin tưởng và cho vay tiền nhằm chiếm đoạt tài sản ngay từ đầu. Từ số tiền vay đó, họ không sử dụng vào mục đích đã hứa hẹn và không trả lại số tiền này thì có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hình phạt cao nhất có thể được áp dụng đối với người phạm tội này là tù chung thân.

Việc kiếm tiền chưa bao giờ là dễ dàng. Chính vì vậy, theo luật sư Tuấn, đứng trước những lời đề nghị, cám dỗ hấp dẫn, người đi vay, người cho vay cần phải chủ động nâng cao ý thức cảnh giác, tỉnh táo để tránh "sập bẫy" của những đối tượng lừa đảo. Trong trường hợp đồng ý cho vay, mượn tiền vì các mục đích như đáo hạn ngân hàng thì cũng nên tìm hiểu chính xác các thông tin để tránh trường hợp lòng tốt bị lợi dụng dẫn đến bị mất số tiền đã cho vay, mượn.

Tác giả: Nguyễn Hiền

Nguồn tin: vov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP