Trong nước

Tuổi nghỉ hưu nữ có thể tăng lên 58 hoặc 60

Bộ Lao động đang cân nhắc phương án tăng tuổi nghỉ hưu của nam từ 60 lên 62, nữ từ 55 lên 58 hoặc 60.

Ngày 11/10, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết cơ quan này đang cân nhắc các phương án tăng tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức, trước khi đưa nội dung này vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật lao động.

Dự kiến có hai phương án, tăng từ 60 lên 62 đối với nam và tăng từ 55 lên 58 hoặc từ 55 lên 60 đối với nữ. Việc tăng tuổi nghỉ hưu nhằm ứng phó với già hóa dân số, sử dụng tốt nguồn nhân lực và cân đối quỹ lương hưu.

"Việc này phải cân nhắc kỹ, tính từng bước để rút dần khoảng cách giữa nam và nữ. Phương án tăng tuổi hưu của nữ từ 55 lên 60 và từ 60 lên 62 đối với nam trước đây từng đưa ra Quốc hội nhưng không được đồng ý ", thứ trưởng nói và nhấn mạnh các phương án trên là chưa chính thức, Bộ sẽ tiếp tục tham khảo chuyên gia, các đơn vị liên quan rồi mới đưa vào dự thảo Luật để lấy ý kiến.


Dự kiến tuổi nghỉ hưu của nữ sẽ tăng cao nhất là 5 tuổi. Ảnh minh họa: Hoàng Phương.

Gần đây, đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động nhận được sự quan tâm của dư luận, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn, lo lắng về sức khoẻ của cán bộ, số lao động thất nghiệp, cơ hội của người trẻ và tình trạng "tham quyền cố vị" có thể xảy ra.

Xung quanh vấn đề trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (người phát ngôn Chính phủ) xác nhận Bộ Lao động đang nghiên cứu, lấy ý kiến về nâng tuổi nghỉ hưu. Theo ông Dũng, việc nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động là xu thế tất yếu và được nhiều quốc gia thực hiện. Tuổi nghỉ hưu ở nước ta đã được quy định và duy trì từ lâu, đến nay đã có nhiều yếu tố thay đổi, trong đó có sức khoẻ và tuổi thọ của người dân được nâng lên (trên 73 tuổi).

Theo người phát ngôn Chính phủ, việc nâng tuổi nghỉ hưu cần được xem xét một cách tổng thể, phù hợp với tuổi thọ trung bình và điều kiện kinh tế - xã hội; bảo đảm việc làm, thu nhập của người lao động đang làm việc và người bước vào độ tuổi lao động; bảo đảm an sinh xã hội, chế độ hưu trí...

Ngoài ra, vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động liên quan đến lực lượng lao động xã hội, quyền lợi của người lao động và có tác động xã hội rộng lớn, nên phải nghiên cứu, phân tích kỹ với nhiều phương án, lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Hiện tuổi nghỉ hưu là nam đủ 60 và nữ đủ 55. Những trường hợp làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... được nghỉ trước thời hạn. Theo thống kê của Bộ Lao động, tỷ lệ người cao tuổi Việt Nam đang tăng nhanh, từ 6,9% dân số năm 1979 lên 10,5% hiện nay. Dự kiến đến 2050, Việt Nam có khoảng 10 triệu người cao tuổi. Với chính sách hiện hành thì dự báo tới năm 2050, quỹ lương hưu, tử tuất sẽ bắt đầu mất cân đối và không đủ chi trả các chế độ từ năm 2051.

Tác giả bài viết: Hoàng Phương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP