Trong tỉnh

Trung thu về trên đỉnh Cà Moong

Nhân dịp tết Trung thu và chào mừng năm học mới 2022 - 2023, Tạp chí điện tử Nhân lực Nhân tài Việt kết hợp cùng Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Tương Dương; Quỹ BTTE tỉnh Nghệ An; Trang tin điện tử tổng hợp kenh24h; Du lịch PhucGroup; DV vé máy bay Quang Trang; Địa ốc Fuji Land; Khách sạn 3D Ánh Dương Cửa Lò; May đồng phục Nhật Anh...tổ chức chương trình: Chào Trung thu, nâng bước em tới trường tại bản nghèo Cà Moong (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An).

5h sáng, các xe hẹn nhau tại điểm dừng chân rừng Săng Lẻ để hội quân

Gian nan đường vào Cà Moong, bản sơn cùng thủy tận giữa lòng hồ Bản Vẽ

Qua sự kết nối giữa chúng tôi và ông Lữ Văn May, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tương Dương, chúng tôi chọn Bản Cà Moong, xã Lượng Minh làm điểm đến cho đợt Tết trung thu năm nay và cũng là nhân dịp năm học mới 2022 - 2023. Sau một thời gian chuẩn bị nhanh chóng, được sự đồng lòng chung sức của các đơn vị tài trợ, mọi thứ đã sẵn sàng. Ngày 9/9/2022, 1h sáng, khi mà TP Vinh mưa đang vần vũ; nhóm chúng tôi với 9 anh em đại diện cho Tạp chí; Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An và vài doanh nghiệp đồng hành vẫn theo kế hoạch xuất phát để lên với miền tây xứ Nghệ.

Cà Moong, nghe cái tên thôi mà đã cảm thấy xa lắm, xa và cao hơn những ngọn núi tít tắp mờ sương mà có lần từ lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, tôi được anh em chỉ trỏ để mường tượng. Sau hơn 5 tiếng đồng hồ chạy xe cùng bữa sáng ăn nhanh, đoàn chúng tôi có mặt tại bến Thượng Lưu của Thủy điện Bản Vẽ để lên thuyền đến với Cà Moong, bản nằm lọt thỏm giữa lòng hồ thủy điện, bản xa xôi, khó khăn bậc nhất của huyện Tương Dương, Nghệ An. Cuộc sống chật vật, khó khăn quanh năm khiến cho những đứa trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới” nơi bản làng vùng sâu vùng xa, dường như biệt lập với thế giới bên ngoài này thiếu thốn đủ bề.

Vận chuyển quà Trung thu từ bến thuyền vào bản mất gần 1 tiếng trên những con đường dốc đứng như lên cổng trời

Từ bến Thượng lưu, sau gần 1 tiếng đồng hồ trên thuyền giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ mênh mông nước, chúng tôi cập vào một bến thuyền nhỏ để tiến vào Cà Moong. Tại đây, theo lời của anh Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lượng Minh cho biết phải mất hơn tiếng đi bộ nữa chúng tôi mới đến được trung tâm bản Cà Moong. Trước mắt chúng tôi là con đường hướng lên đỉnh dốc cao, nhấp nhô đá rải cấp phối, con đường hàng ngày người dân nơi đây vẫn đi từ bản ra bến thuyền này khi có nhu cầu về thị trấn.

Ngay bến thuyền, bản đã bố trí giúp mấy con xe máy hiện có để giúp chở đồ đi trước còn chúng tôi nối nhau đi bộ và tay xách nách mang những đồ còn lại đi vào bản. Do số lượng xe ở đây rất ít và đường thì dốc đá nên xe nào cũng chỉ chở được thêm một thùng đồ vừa đủ sức xe rú ga lên dốc. Đường núi cheo leo, đất đá lởm chởm khiến những con ngựa sắt chở thêm hàng cũng phải rú ga hết mức mới có thể đi được.

Lần trước, cùng anh em đồng nghiệp báo Dân Trí đi xã Tri Lễ huyện Quế Phong để khảo sát làm cầu khuyến học đã trải qua những cung đường khiếp đảm song con đường Cà Moong cũng không chịu kém cạnh. Vài ba chiếc xe máy của đám trai bản “hết đát” gầm rú inh ỏi từ từ chuyển bánh xua tan cảnh vắng lặng giữa “sơn cùng thủy tận”. "Đường sá ở đây khó khăn lắm, cách trở, các thầy cô cắm bản hay bà con ở đây chủ yếu đi bộ. Mua sắm con xe máy mới về đưa vào bản sử dụng thì cũng không thể tồn tại quá mấy năm nhà báo ạ". Anh Vi Hồng Dương, Bí thư Đảng ủy xã Lượng Minh đi cùng đoàn tâm sự.

Gian nan quá trình gieo chữ ở vùng "siêu khó khăn"

Cà Moong là bản tái định cư công trình thủy điện Bản Vẽ. Theo chia sẻ của anh em trong đoàn, từ bản Cà Moong, để ra trụ sở xã Lượng Minh phải mất gần 1 giờ đi bộ và chừng gần 1 tiếng đi thuyền ra bến Thượng Lưu, rồi lại thuê xe máy từ bến Thượng Lưu về trung tâm xã. Toàn bản có khoảng 140 hộ với hơn 620 nhân khẩu, chủ yếu là người Khơ Mú và đều là hộ nghèo. Con em của bản đi học THCS của xã đều phải ở bán trú tại trường, cuối tháng hoặc nhân các dịp lễ Tết mới đón về thăm nhà. Năm nay có thêm các cháu học sinh lớp 3 về điểm bán trú Trường Tiểu học Lượng Minh để học, cuối tháng mới được đón về thăm nhà. Biết là rất khó khăn nhưng chỉ có như vậy mới đảm bảo cho con cháu tiếp tục được học lên các bậc học cao hơn.

Ông Vi Hồng Dương thông tin thêm với đoàn: Từ tháng 3/2011, 136 hộ dân dọc lòng hồ Bản Vẽ của xã Lượng Minh đã di cư về đây nhường đất cho công trình thủy điện lớn bậc nhất khu vực Bắc miền Trung. Ngoài phát rẫy trồng lúa theo cách truyền thống và chăn thả gia súc trên rừng, người dân ở đây chẳng biết làm gì thêm. Gần như những khó khăn đủ bề cứ luẩn quẩn đeo đuổi quanh năm đối với người dân bản.

Cà Moong - còn lắm những vất vả, nghèo khó

Ngoài chuyện không có đường ra đường, bản Cà Moong cũng mới chỉ có điện lưới chưa được nửa năm, sóng điện thoại thì chập chờn, nguồn nước sinh hoạt khan hiếm. Được biết, Chính quyền huyện Tương Dương cũng như xã Lượng Minh đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục nơi đây. Là một bản nhỏ nhưng Cà Moong có một điểm trường tiểu học và mầm non với 7 giáo viên cắm bản.

Thầy Trần Văn Hiền – Phó Trưởng phòng Giáo dục tâm sự rằng: Hằng ngày,“cuộc chiến” kéo học sinh đến lớp của các giáo viên nơi đây hết sức gian nan bởi chưa cao bằng cây lúa rên rẫy, các em đã phải lên rừng, vào các khu C5 (khu sản xuất) với bố mẹ để kiếm cái ăn hàng ngày. Trước đây, điện không có, giáo viên phải sử dụng đèn dầu, đèn sạc pin để sinh hoạt, soạn giáo án. Có những thời gian đường nước hỏng, các thầy cô lại phải đi xa 3 - 4 cây số để xách nước về dùng. Thầy cô vất vả, học sinh cũng khổ.

Mùa đông, trên này lạnh lắm nhưng hầu hết chúng vẫn manh áo mỏng. Bữa chính của các cháu học sinh do cha mẹ mang đến từ sáng là xôi với chuối chín hoặc măng luộc, ít khi có trứng, thịt. Thương học sinh, lắm khi các thầy cô phải nấu thêm nồi canh rau hoặc măng, mì tôm chia sẻ các cháu. Với chiến dịch nâng chất lượng vùng khó, xóa điểm trũng về giáo dục, những năm trước, Phòng đã chỉ đạo nhà trường vận động, sắp xếp, bố trí giáo viên trẻ, có năng lực tốt vào cắm bản, gắn bó với dân, với học sinh. Ngày đêm không quản ngại thiếu thốn đã từng bước đưa chất lượng dạy học của điểm trường Cà Moong ngày càng tiến bộ."

Thầy Thanh - Hiệu trưởng tiếp lời: "Riêng năm nay, các giáo viên căm bản đều là các giáo viên có năng lực tốt và tình nguyện đăng ký vào điểm khó khăn này để gánh vác nhiệm vụ đưa chất lượng điểm trường khó khăn đi lên, mong muốn từ năm nay trở đi, chất lượng giữa các điểm trường sẽ ngày càng được nâng lên và đồng đều"

Đoàn công tác cùng các giáo viên, dân bản chuẩn bị hậu cần cho chương trình

Sau gần 1 tiếng cùng sự hỗ trợ của giáo viên, công tác chuẩn bị hậu cần cũng đã xong. Nhìn quanh những khuôn mặt háo hức của gần trăm em học sinh và phụ huynh lần đầu được đón Trung thu, được có quà là quần áo ấm, áo sao vàng, balo, bút, sáp màu, bóng bay, dép mới để đi học....Niềm vui và nụ cười của con trẻ cũng như đã xóa đi những mệt mỏi của chúng tôi sau 1 chặng hành trình dài. Những món quà không phải nằm ở giá trị vật chất mà nó còn là tấm lòng sự chia sẻ của đoàn cũng như những người bạn hướng về học sinh miền núi, nơi còn vô vàn những khó khăn của cô và trò; với thông điệp, không ai bị bỏ lại phía sau và mọi người ai cũng có cơ hội học tập. Với hi vọng, các em sẽ có một mùa đông ấm đến trường, rèn chữ luyện tài để ngày mai trở thành người có ích.

Tâm trạng háo hức của con trẻ lần đầu được đón Trung thu

Cũng trong đợt này, đoàn đã gửi quà: áo sao vàng, giày dép, bánh trung thu cho điểm Trường Xốp Cháo để các thầy cô giáo tổ chức Trung thu cho các cháu. Gửi hơn 1.600 miếng xà bông tắm sát khuẩn phục vụ cho sinh hoạt bán trú tại trường Tiểu học và Mầm non Lượng Minh. Trao các suất quà động viên giáo viên của bản Cà Moong, xã Lượng Minh; học sinh nghèo xã Xá Lượng cũng như tặng quà cho học sinh mầm non đang theo học tại Bản Chon, xã Xiêng My.

Trao quà cho đại diện điểm trường Xốp Cháo giữa trời mưa, nhờ thầy cô về phát quà cho các cháu.

Ông Nguyễn Hữu Bắc - Phó ban Chuyên đề, Tạp chí điện tử Nhân lực Nhân tài Việt phát biểu khai mạc chương trình

Lãnh đạo huyện Tương Dương; xã Lượng Minh cùng ban tổ chức trao quà cho học sinh khối mầm non bản Cà Moong

Trung thu phá cỗ xong, các con cùng phụ huynh đã về nhà, chúng tôi thấm mệt và đói. Bữa cơm giản dị cùng các giáo viên cắm bản với những câu chuyện bất tận về Cà Moong những năm tháng không đường, không điện, không sóng điện thoại khiến cho mọi sự mệt nhọc tan biến, chỉ còn lại tiếng cười, niềm tin tưởng, những ánh mắt đầy yêu thương của những con người nơi đây. Những món quà hôm nay giá trị về vật chất không lớn nhưng tình cảm có được lại chan chứa vô hạn. Nụ cười hạnh phúc, sướng vui của các bạn học sinh khi nhận được món quà Trung thu và chào năm học mới sẽ là động lực giúp các thầy cô giáo bản nghèo gắn bó hơn với bản với dân với học trò, và cũng là động lực giúp chúng tôi tiếp tục lên kế hoạch cho những chuyến đi đến những vùng quê xa xôi, nghèo khó như Cà Moong.

Rời Cà Moong, chúng tôi trở về trong lòng biết bao điều trăn trở. Quay về với những bức tường công việc nơi thị thành, với sự náo nhiệt đủ đầy và nghĩ đến những vùng đất khó khăn mới thấy trân quý những gì mình đang có. Hạnh phúc là sẻ chia, cho đi và nhận lại nụ cười, khoảnh khắc lắng đọng trong mỗi ngày ta sống.

Thích thú và háo hức là tâm trạng chung của các học sinh được lần đầu phá cỗ

Tặng quà lưu niệm chúc mừng năm học mới cùng các giáo viên cắm bản

Nụ cười của con trẻ cũng là hạnh phúc của những người làm chương trình thiện nguyện

Đoàn công tác chụp hình lưu niệm với chính quyền xã Lượng Minh và các giáo viên.

Mong lắm được nhiều lần hơn đến với bản nghèo Cà Moong

Nằm trong khuôn khổ chương trình, Đoàn đã tặng 10 suất học bổng động viên học sinh nghèo xã Xá Lượng.

Sau bản Cà Moong xã Lượng Minh, đoàn sẽ tiếp tục trao quà năm học mới tại điểm Mầm non bản Chon, xã Xiêng My

Tạp chí điện tử Nhân lực Nhân tài Việt trao quà cho học sinh mầm non bản Chon, xã Xiêng My

Tác giả: Lâm An

Nguồn tin: nguonluc.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP