Cuộc sống

Trung thu dành cho ai?

Liên hoan trung thu bố quá chén một mực đòi lên sân khấu song ca với chị Hằng mà quên mất các bà vợ phía dưới đang đằng đằng sát khí. Chú Cuội cũng chung cảnh khổ khi chưa kịp thay trang phục đã bị mấy ông “bợm nhậu” kéo lê vào cuộc rượu.

Làm sao để giữ được thế giới cổ tích trong tâm hồn trẻ thơ mỗi dịp tết Trung thu? (Ảnh minh họa)

"Tối nay vợ chồng đưa các cháu đến dự trung thu công ty tôi nhé! Đảm bảo vui ngút tràn cung mây! Tôi vừa được biếu bình rượu ngâm thuốc bắc, uống rất êm, không đau đầu! Yên tâm đi, năm nay, không chỉ các cháu, bố mẹ, phụ huynh đều có quà bốc thăm trúng thưởng. Hai năm dịch dã hoành hành, năm nay phải làm hoàng tráng chút cho anh em công ty phấn khởi".

Đó là dòng tin nhắn mời dự tết trung thu của một anh bạn là chủ một doanh nghiệp gửi cho vợ chồng tôi. Vịn cớ trời mưa, vợ cũng bận lo trung thu ở cơ quan nên tôi từ chối. Mà kể cả không bận tôi cũng sẽ từ chối bởi những năm trước tôi từng có dịp dự trung thu ở công ty anh.

Khỏi phải nói về mức độ hoành tráng, chịu chơi của anh bạn khi thuê trọn gói một công ty chuyên tổ chức sự kiện đảm nhận toàn bộ chương trình. Phông rạp cứ như đám cưới nhà giàu; chú Cuội chị Hằng đều do những nghệ sỹ nổi tiếng đảm nhận, cỗ bàn, bánh trái không thiếu thứ gì. Một chiếc bánh trung thu “khổng lồ” bên cạnh một chiếc đèn lồng “khủng” gắn logo công ty được đặt trang trọng trên sân khấu. Sau phần văn nghệ, các cháu thoải mái nhận quà từ chị Hằng và chú Cuội từ các trò chơi nhuốm màu “Team Building” trong tiếng nhạc ầm ĩ cả một góc phố. Phần thưởng cho người thắng cuộc chủ yếu là quà, thậm chí có cả tiền.

Tôi thắc mắc, sao không kết hợp tết trung thu làm “tết khuyến học” cho con em công ty luôn vừa ý nghĩa vừa truyền được cảm hứng cho người lao động thì anh bạn gạt phắt đi bằng thái độ lạnh tanh: “Chuyển khoản cho bố mẹ các cháu hết rồi”. Sau câu nói ấy là những tiếng “zô zô” chúc tụng “trăm phần trăm” của những ông bố, bà mẹ.

Tiệc tan, cỗ bàn thừa mứa la liệt, những chiếc bánh trung thu bẻ đôi rơi lỏng chỏng dưới gầm bàn, các ông bố bước đi lảo đảo trong hơi men. Chủ tiệc lên phát biểu cảm ơn nhưng không quên báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh 8 tháng của công ty rồi bước xuống chào tạm biệt mọi người trong tiếng cười khà khà: “Vui! Phải nói là quá vui”.

Tôi thực sự không hiểu ai vui? Các cháu thiếu nhi vui hay bố mẹ các cháu vui? Tết trung thu là của ai?

Đang miên man suy nghĩ chuyện trung thu ở công ty người bạn, tôi tiếp tục phải nghe một cuộc điện thoại “giải cứu”… trung thu. Tình huống này còn trớ trêu hơn nhiều so với trung thu ở công ty người bạn.

Chả là anh họ tôi, một người khá thành đạt và luôn sống hết mình với tập thể. Năm nào anh cũng chủ trì tổ chức trung thu cho khu phố. Năm nay, theo như anh nói, mọi khâu chuẩn bị, kịch bản đâu ra đó nhưng sự cố lại xảy ra ở phần cuối chương trình khi các ông bố đã có tý… men.

“Mà cũng tại chị Hằng xinh quá, hát lại hay. Vì thế, khi có tý men vào người, bọn anh đã lên sân khấu nhảy múa phụ họa cứ như đi họp lớp, cướp luôn diễn đàn của bọn trẻ con”, anh kể.

Theo anh, chuyện sẽ không có gì nếu chỉ dừng lại như thế nhưng mấy ông bố uống hơi quá chén cứ đòi song ca với chị Hằng. Có ông phê quá nằng nặc đòi song ca bài “Lâu đài tình ái” khiến chị Hằng ngượng chín người, còn bà vợ phía dưới mặt đằng đằng sát khí.

Chưa dừng lại ở đó, đến phần liên hoan, chú Cuội chưa kịp thay trang phục đã bị mấy ông “bợm nhậu” của phố kéo xuống mời rượu. Phần vì nể, vì chiều khách, chú Cuội chị Hằng đành phải đáp lễ. Hai nhân vật cổ tích vừa gieo vào lòng các cháu thiếu nhi bao câu chuyện đẹp bỗng chốc thành… “người trần mắt thịt” vì cũng phải nâng cốc “zô zô” khiến không ít cháu buồn, thất vọng.

Tiệc tan, lẽ ra phải trả cát-xê cho chị Hằng và chú Cuội kín đáo, tế nhị thì mấy ông bố chạy theo đưa tiền giữa thanh thiên bạch nhật làm cho các cháu nhi đồng thắc mắc vào mách mẹ: “Mẹ ơi! Sao bố lại cho tiền chị Hằng. Chị Hằng ở trên cung trăng, mỗi năm chỉ xuống hạ giới một lần để tặng quà cho các bạn chăm ngoan cơ mà?”

“Bao nhiêu công sức chuẩn bị giờ đổ sông đổ bể. Các bà vợ ở khu phố nhà anh lập nhóm kín trên mạng lên án các ông bố từ đêm qua đến giờ. Tết thiếu nhi để mọi người cùng trẻ lại, vui tươi, cuối cùng anh mắc vạ. Sang năm giải tán”, anh họ tôi than vãn.

Nghe chuyện của anh, tôi chỉ còn biết cười trừ. Lý lẽ nào đi giải cứu nổi mấy bà chị đang nổi cơn “lôi đình” sau những lễ hội trung thu kiểu như thế.

Tất nhiên, không phải ai cũng thích tổ chức trung thu hoành tráng. Tôi biết, nhiều gia đình có điều kiện khá giả nhưng họ có cách tổ chức lễ tết cho con cái theo cách riêng của mình.

Đọc một dòng Status của một nữ doanh nhân trên Facebook tôi thực sự xúc động: “Đêm qua, có việc đột xuất mãi gần 23h đêm mới về đến nhà nhưng đã hứa với các con nên hai vợ chồng quyết định làm đèn trung thu. Tuy hơi xấu nhưng được cái cả hai đều tâm huyết để mong con có một trung thu vui vẻ”. Hình ảnh chiếc đèn lồng cách điệu được làm từ vỏ chai nước nhìn trong suốt như pha lê khiến nhiều người xuýt xoa khen đẹp. Theo chị, nhà không thiếu tiền để mua sắm cho các cháu những món quà đắt đỏ nhưng nếu mình tự tay làm, các con sẽ cảm thấy vui hơn. Mặt khác, chính mình cũng cảm thấy vui vì được sống lại tuổi thơ.

Chiếc đèn lồng cách điệu được làm từ vỏ chai nước của nữ doanh nhân khiến nhiều người thích thú (Ảnh FB nhân vật)

Còn nhớ mấy năm trước khi chưa bị dịch bệnh Covid-19 hoành hành, thành phố một tỉnh miền Trung nơi tôi sống phải ra văn bản thông báo yêu cầu người dân không sử dụng động cơ, loa đài với âm lượng quá to, không tụ tập nhiều người tham gia diễu hành đường phố với những trang phục kỳ dị gây phản cảm trong dịp tết trung thu. Bởi lẽ, hằng năm bắt đầu từ 13,14 tháng 8 các khu phố đua nhau thể hiện độ “chịu chơi” trong tết trung thu. Từ đóng rạp, thuê loa đài ăn nhậu hát hò đến màn diễu hành đường phố chở theo đèn ông sao, đèn kéo quân, con giáp cỡ lớn diễn ra liên tục nhiều ngày theo kiểu phô trương, gây mất an toàn giao thông, gây ô nhiễm tiếng ồn.

Nhiều gia đình mệt mỏi vì phải căng mình xếp lịch làm việc, lịch sinh hoạt để tham dự hết các chương trình lễ hội trung thu. Từ trung thu nhà, trung thu công ty chồng, trung thu cơ quan vợ đến trung thu khu phố, trung thu dòng họ, trung thu lớp, trung thu trường, thậm chí trung thu ở lớp… học thêm.

Chính quyền từng phải ra thông báo bằng văn bản vận động người dân không tổ chức diễu hành gây mất ATGT như thế này

Không thể phủ nhận giá trị, ý nghĩa tốt đẹp của tết trung thu – tết thiếu nhi. Đây là dịp để người lớn, xã hội, cộng đồng quan tâm, chăm sóc thiếu niên, nhi đồng, thế hệ mầm non tương lai của đất nước. Nhưng sẽ ý nghĩa hơn nếu Trung thu được tổ chức bài bản, mang đậm giá trị truyền thống. Ở đó, trẻ em được yêu thương, được đắm mình trong thế giới cổ tích nhiều ước mơ đẹp người lớn được trẻ lại, được “mua vé” trở về tuổi thơ.

Trung thu sẽ càng ý nghĩa hơn nếu người có điều kiện biết san sẻ yêu thương với những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống bằng những chương trình ý nghĩa như “tết thiếu nhi cho trẻ em nghèo”, “Vầng trăng yêu thương cho trẻ em miền núi”…

Tác giả: Quang Duy

Nguồn tin: giadinhonline.vn

  Từ khóa: trông trăng ,mâm cỗ ,trung thu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP