Trong tỉnh

Trung tâm bảo tồn di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh: Đầu tư gần 70 tỉ rồi "đắp chiếu"

Khu vực thực hiện dự án không có một bóng người. Phía trước dự án dựng lên một số ki-ốt tạm để kinh doanh

Năm 2014, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Để bảo tồn và phát huy di sản đặc biệt này, năm 2015, tỉnh Nghệ An đã phê duyệt 1 dự án có tổng mức đầu tư gần 70 tỉ đồng. Thế nhưng, sau nhiều năm xây dựng, công trình này vẫn "đắp chiếu".

Chưa sử dụng đã xuống cấp

Ngày 28-10-2015, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Dự án được xây dựng tại đường Nguyễn Du, phường Trung Đô, TP Vinh, tỉnh Nghệ An.

Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được đầu tư 70 tỉ đồng để xây dựng nhưng vẫn chưa biết khi nào đưa vào hoạt động

Theo quyết định được phê duyệt, giai đoạn 1 của dự án có các hạng mục chính gồm: Nhà hành chính kiêm biểu diễn và sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn, lưu giữ di sản dân ca; san nền; cấp nước tổng thể; cấp điện tổng thể; bể nước ngầm sinh hoạt và phòng cháy, chữa cháy, thiết bị. Đây là công trình dân dụng cấp II. Dự án được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách trung ương theo Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa - thể thao với mức đầu tư 69 tỉ đồng.

Dự án do Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Xây dựng Hoàng Kim.

Ngày 9-12, chúng tôi đã đến công trình được đầu tư hàng chục tỉ đồng và thật sự bất ngờ khi nơi này không có một bóng người. Đi vào bên trong là cảnh nhếch nhác khi khuôn viên dự án đầy rác, cỏ dại mọc um tùm... Do không có hàng rào nên một số hộ dân xung quanh đã vào tận dụng khuôn viên dự án để nuôi gà.

"Đất họ bỏ hoang nhiều năm nay không làm gì, người dân thấy vậy tận dụng làm bãi nuôi gà để tránh lãng phí" - một người dân gần dự án cho biết.

Xót xa nhất chính là khi đi vào bên trong tòa nhà 5 tầng gồm nhà hành chính kiêm biểu diễn và sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn, lưu trữ di sản dân ca, diện tích xây dựng cả chục ngàn mét vuông dù chưa đưa vào sử dụng nhưng một số hạng mục đã có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp. Tại một số vị trí, gạch, đá ốp bị nứt vỡ, tường nứt, thấm nước xuất hiện rêu mốc. Các cột đèn xung quanh tòa nhà xuất hiện các vết gỉ sét.

"Cả tòa nhà lớn được xây dựng nhưng bỏ không, lâu nay không thấy hoạt động hay làm gì ở đây cả" - một người đàn ông lớn tuổi xưng là bảo vệ công trình cho biết.

Chưa biết bao giờ hoạt động

Được khởi công năm 2015, thế nhưng sau hơn 7 năm, dự án này đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động. Thực tế trên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo tồn và phát huy di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

Bà Trịnh Hồng Lựu, Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An, trăn trở dự án xây dựng nhiều năm nay nhưng chưa hoàn thành và đưa vào sử dụng nên nghệ sĩ không có nơi để biểu diễn. "Mong muốn lớn nhất của tất cả anh em nghệ sĩ là được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư kinh phí để sớm hoàn thành dự án, đưa trung tâm vào hoạt động" - bà Lựu bày tỏ.

Làm việc với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch (Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Nghệ An, đại diện chủ đầu tư), cho biết dự án hiện đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 với hạng mục chính là nhà 5 tầng đã xây dựng xong. Tuy nhiên, để đưa công trình vào hoạt động lại cần vốn để thực hiện các hạng mục khác như: sân vườn, cảnh quan, bờ rào, các khu diễn xướng ngoài trời, trang thiết bị âm thanh, ánh sáng...

Khi được hỏi khi nào có thể đưa dự án này đi vào hoạt động, đại diện chủ đầu tư cho rằng cần phải chờ một thời gian để làm thủ tục xin phê duyệt dự án mới. "Giai đoạn 1 của dự án gần 70 tỉ đồng là để xây dựng phần công trình, còn trang thiết bị phục vụ hoạt động, sân vườn phải chờ một dự án khác. Hiện chúng tôi đang trong giai đoạn xác định nguồn vốn, chờ chủ trương cho phép rồi mới trình lên UBND tỉnh xin phê duyệt dự án mới" - ông Phạm Ngọc Anh khẳng định.

Tác giả: Đức Ngọc

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP