Giáo dục

Trăn trở của thầy giáo về cách dạy, cách thi môn Tiếng Anh

Hiện nay, do áp lực thi cử nên việc dạy - học ngoại ngữ chỉ gói ghém trong hai hoạt động:Thầy chỉ dạy đủ cho học sinh đi thi, học sinh học chỉ đủ để đi thi.

LTS: Hầu như ai cũng thấy việc dạy và học tiếng Anh ở trường phổ thông hiện còn nhiều bất cập, cần phải thay đổi, nhất là sau khi chứng kiến kết quả tệ hại của điểm thi môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, qua các cuộc thi dù đạt giải cao nhưng học sinh Việt Nam không giao tiếp lưu loát.

Nguyên là một Hiệu trưởng của trường THPT Trần Hưng Đạo (TP.Cam Ranh, Khánh Hòa), hôm nay thầy Tạ Quang Sum bày tỏ những trăn trở của mình về vấn đề dạy và học tiếng Anh của nền giáo dục nước nhà.

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả ý kiến của thầy.

Kết quả điểm thi THPT quốc gia môn tiếng Anh trong những năm gần đây không làm nhiều người ngạc nhiên. Hệ quả của việc nhiều học sinh – sinh viên không sử dụng được tiếng Anh trong giao tiếp thông thường.

Thiết nghĩ, đã đến lúc phải thay đổi cách dạy, cách thi môn Tiếng Anh trong nhà trường phổ thông hiện nay.

Dạy ngoại ngữ cho người học nói chung, dạy tiếng Anh nói riêng, theo tiêu chuẩn nào, bằng phương pháp sư phạm cổ điển hay hiện đại?

ngoaingu giaoducnetvn
Hiện nay, do áp lực thi cử nên việc dạy - học ngoại ngữ chỉ gói ghém trong hai hoạt động:Thầy chỉ dạy đủ cho học sinh đi thi, học sinh học chỉ đủ để đi thi. (Ảnh: GD&TĐ)

Dù dạy theo cách nào thì cũng không thể không tập trung vào 3 việc chủ yếu, đó là: Luyện đọc và nghe - Luyện nhớ và viết đủ kí tự của từ - Luyện ghép từ thành câu đúng với ngữ văn và ngữ cảnh.

Việc dạy ngoại ngữ trong trường phổ thông lâu nay đã quá chú trọng vào lĩnh vực hàn lâm, dạy ngoại ngữ như là dạy một ngôn ngữ mà lẽ ra, trước hết phải đặt cao yêu cầu trang bị cho học sinh phương tiện ngôn ngữ phục vụ giao tiếp.

Từ sự thành công trong mục tiêu này, tự nó sẽ nâng dần chức năng chính thống của bộ môn ngôn ngữ học.

Thực tế ở các trường phổ thông hiện nay, do áp lực thi cử nên việc dạy và học ngoại ngữ lại chỉ gói ghém trong hai hoạt động: Thầy chỉ dạy đủ cho học sinh đi thi, học sinh học chỉ đủ để đi thi.

Chương trình được tổ chức và phân phối dạy theo hướng giao tiếp, nhưng các kỳ thi đều chỉ có thể chú trọng vào ngữ pháp.

Đặc biệt khi ngọai ngữ chuyển qua thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan đến 80%, thao tác làm bài chỉ còn phải chọn lựa câu trả lời qua các ký tự A; B; C; D nên cả thầy và trò đều dành phần lớn thời gian tập trung vào giải những đề thi, quanh quẩn với những điểm, vấn đề thường ra thi, việc rèn luyện các kỹ năng khác hầu như bị bỏ qua.

Môn ngoại ngữ trong trường phổ thông hiện nay chỉ là một môn thi bắt buộc, chỉ cần học để thi, thi xong là thôi không đọng lại gì.

Xét trên bình diện giáo dục còn phải kể đến những hạn chế rất khó khắc phục như: Giáo viên đọc chưa chuẩn, không có đủ thiết bị nghe, nhìn giúp học sinh nghe – đọc chuẩn. Học sinh ít chú ý luyện viết từ, nên không thể nhớ đủ kí tự của từ.

Đặc biệt, nhiều học sinh chưa nắm vững ngữ pháp tiếng Việt, nên không thể hiểu - tiếp thu - sử dụng ngữ pháp tiếng nước ngoài.

Vậy cần làm gì để tạo nên được chuyển biến tích cực?

Không nên bê nguyên chương trình và phương pháp dạy ngoại ngữ của nước ngoài đặt lên bàn học sinh Việt Nam mà cần khảo sát trên các bộ môn khác mà mỗi cấp - khối lớp đang học, chiết xuất được phần đặc trưng.

Từ đó cấu trúc lại chương trình và viết lại nội dung giảng dạy ngoại ngữ cho người Việt, trên cơ sở của sự liên thông giữa Việt văn và Ngoại văn để tạo ra được nhiều sự song trùng về cả chủ đề và thời gian thực hiện qua song ngữ giữa nhiều bộ môn.

Ví dụ: Ở bộ môn văn học 12 có bài giảng văn: Tuyên ngôn độc lập. Thì ở bộ môn ngoại ngữ gần tiết thứ ấy cũng có bản dịch về tác phẩm này.

Chính điều này sẽ làm hưng phấn và tạo ra sự so sánh thích thú và lặp lại nhận thức cho học sinh Việt Nam trong việc học ngoại ngữ.

Phải dạy ngoại ngữ thật phổ thông, nghĩa là không thể đặt cao mục tiêu và yêu cầu trong giáo dục đại trà: Người Việt sử dụng tiếng nước ngoài như thể người nước ngoài.

Nền giáo dục nào cũng lấy thi cử làm thước đo - kiểm định chất lượng. Nhưng cần được thiết kế và tổ chức sao cho: Thi chỉ là công đoạn có tính thủ tục để kết thúc một quá trình học.

Thi không tạo ra hiệu ứng trùm tỏa - khống chế làm biến dạng động cơ, làm lệch và hẹp định hướng học.

Và cần triệt tiêu được quan niệm và mục đích: chỉ học để thi, khi đó mới xác lập được cơ sở vững bền cho việc dạy ngọai ngữ trong trường phổ thông.

Tác giả bài viết: Tạ Quang Sum

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP