Thủ tướng Phạm Minh Chính |
Để chủ động phòng, chống dịch trên địa bàn Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hòa Bình chủ động chuẩn bị về nhân lực để sẵn sàng hỗ trợ cho Hà Nội khi cần thiết trong việc xét nghiệm thần tốc, phân loại F0 để chăm sóc, điều trị hợp lý, truy vết F1 để quản lý, tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19.
Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính từ ngày 29/4 đến trưa 7/9, Hà Nội ghi nhận 3.614 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.569 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly là 2.045 ca.
Từ ngày 6 đến 12/9, Hà Nội sẽ xét nghiệm toàn bộ 100% người dân trên toàn Thành phố theo nguyên tắc: Tại khu vực phong tỏa, khu cách ly, khu vực nguy cơ rất cao lấy mẫu cho toàn bộ người dân từ 2-3 ngày/lần; tại khu vực có nguy cơ cao, lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân từ 5-7 ngày/lần; tại các khu vực khác, lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần.
Hà Nội đặt mục tiêu trước ngày 15/9 nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh để vào nhóm kiểm soát tốt dịch bệnh theo tiêu chí kiểm soát dịch bệnh của Bộ Y tế.
Xử nghiêm hành vi cố ý thông tin sai sự thật trong phòng, chống dịch
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, qua thực tiễn công tác chỉ đạo, quản lý và giám sát thông tin trên không mạng thời gian qua, Bộ nhận thấy tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch COVID-19 có dấu hiệu gia tăng.
Trong đó, tập trung chủ yếu vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vắc xin COVID-19, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vaccine của Chính phủ, việc sử dụng Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19; diễn biến dịch bệnh tại các điểm nóng như TP.HCM và các tỉnh miền Nam; xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương...
Đáng chú ý là nhiều thông tin có nguồn từ các video clip của những người cách ly, người dân trong khu vực bị giãn cách, phong tỏa.
Việc xuất hiện nhiều thông tin xấu độc, cùng số lượng lớn các video clip “tự phát” được phát tán tràn lan trên không gian mạng, đã làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng chống, dịch bệnh, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội, nếu không xử lý tốt sẽ dễ phát sinh điểm nóng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm hành vi cố ý thông tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch; cố tình lợi dụng, trục lợi trong thực thi nhiệm vụ.
Thủ tướng chỉ đạo triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em”
Để kịp thời hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến và thúc đẩy phát triển xã hội số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương xây dựng và triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến, thúc đẩy phát triển xã hội số.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19.
Tại chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu địa phương đang có dịch và thực hiện Chỉ thị số 15 và Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ trước mắt tổ chức dạy học trực tuyến; ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, bảo đảm công bằng trong tiếp cận phương thức dạy và học mới.
Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành hướng dẫn về sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy học trực tuyến; chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin nghiên cứu, phát triển các giải pháp, nền tảng dạy và học trực tuyến, học liệu số; hỗ trợ các nhà trường, học sinh, giáo viên tiếp cận hạ tầng số, dịch vụ truy nhập Internet tốc độ cao an toàn, dễ sử dụng; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông xem xét miễn giảm giá cước truy cập Internet cho học sinh, sinh viên và giáo viên, giá cước sử dụng giải pháp phục vụ giáo dục, đào tạo và quản lý giáo dục cho các nhà trường, giá dịch vụ thuê máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT chỉ đạo các nhà xuất bản cung cấp sách giáo khoa (cả bản điện tử) đầy đủ, thuận lợi cho học sinh khi bước vào năm học mới, nhất là tại các địa phương tổ chức học trực tuyến. Hướng dẫn xây dựng hệ thống đề thi, bài kiểm tra, ngân hàng câu hỏi phục vụ tổ chức thi, kiểm tra đánh giá theo hình thức trực tuyến một cách phù hợp.
Bổ sung 2.199 tỷ đồng mua bù 172.889 tấn gạo theo đề xuất của Chính phủ Ngày 7/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia đã xuất cấp để viện trợ, cứu trợ và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Theo Nghị quyết, 2.199 tỷ đồng được sử dụng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 để mua bù 172.889,47 tấn gạo theo đề xuất của Chính phủ tại tờ trình ngày 4/ 9. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ giám sát, kiểm toán, thanh tra việc thực hiện Nghị quyết này. |
Tác giả: Văn Kiên - Luân Dũng - Nghiêm Huê
Nguồn tin: Báo Tiền Phong