Ở tuổi 35, với thân hình tráng kiện, Seth Ellingsworth, người chưa từng động vào một điếu thuốc, lẽ ra không phải chịu đựng bệnh phổi quái ác đang hành hạ anh lúc này. Anh mắc bệnh từ năm ngoái khi bắt đầu ngửi thấy mùi lạ trong lúc làm việc gần khu hạt nhân Hanford.
Ellingsworth gặp khó khăn khi hô hấp và từ đó đến nay vẫn chưa thể thở bình thường trở lại. Người cha của 4 đứa con rít từng hơi trong lúc đeo mặt nạ khí dung và chỉ cho phóng viên NBC News những loại thuốc mà anh đang dùng để điều trị hen, chống viêm và làm giãn phế quản.
Giống như Ellingsworth, nhiều người dân sống gần khu phóng xạ Hanford hiện phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như suy hô hấp, mất trí và mất khả năng lao động.
Đấu tranh với bệnh tật
Brian Campbell, bác sĩ tâm lý học thần kinh tại địa phương, cho biết ông đã khám cho khoảng 29 người ở Hanford có những triệu chứng của cả bệnh hô hấp và thần kinh. Ông cũng bất ngờ khi phát hiện những ca bệnh mất trí nghiêm trọng nhất mà ông từng thấy ở người trẻ tuổi.
Bang Washington nằm ở phía tây bắc nước Mỹ. Bản đồ: 50states.
Nhiều người dân cảm thấy phẫn nộ trước sự thờ ơ của các nhà chức trách trong khi họ phải hàng ngày đấu tranh với bệnh tật. “Họ là một lũ dối trá”, một nữ công nhân nói trong cuộc phỏng vấn với NBC News.
Nhóm người đến tham dự phỏng vấn, bao gồm các cựu công nhân và những người đang làm việc ở Hanford, tin rằng họ đã bị phơi nhiễm các chất độc hại khi đến làm việc ở khu vực này mà không được cảnh báo về an toàn phóng xạ.
“Mỗi ngày, họ đều nói với chúng tôi rằng chỗ đó an toàn. Không có gì phải lo lắng cả”, một người đàn ông đang làm việc ở Hanford nói.
Các lò phản ứng hạt nhân dọc sông Colombia ở Hanford Site: N, KE, KW và B - lò phản ứng hạt nhân sản xuất plutonium đầu tiên trên thế giới, tháng 1/1960. Ảnh: DOE.
Hơn 70 năm trước, khu chôn rác phóng xạ Hanford Nuclear Reservation, rộng hơn 1.500 km2, được xây dựng dọc sông Colombia, bang Washington, theo kế hoạch Manhattan, chương trình nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử của chính phủ Mỹ.
Sau hàng chục năm sản xuất plutonium cho kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, bao gồm quả bom nguyên tử được thả xuống Nagasaki, Nhật Bản, khu Hanford bị đóng cửa, để lại hàng chục triệu lít chất thải phóng xạ do hoạt động sản xuất bị ngừng lại vào giai đoạn cuối Chiến tranh Lạnh.
Hiện tại, nơi đây được điều hành bởi Bộ Năng lượng Mỹ thông qua nhà thầu Các Giải pháp Bảo vệ sông Washington.
Nhà thầu này đang điều hành dự án trị giá 110 tỷ USD nhằm dọn dẹp 200.000 m3 chất thải hóa học và hạt nhân lưu trữ trong 177 bồn chứa ngầm. Hoạt động có thể kéo dài trong khoảng 50 năm nữa.
'Bom' phóng xạ nổ chậm
Trong lúc đó, những bồn chứa vẫn đang bị rò rỉ. Luồng khí mà chúng phát ra có chứa hóa chất độc hại và chất phóng xạ gây ung thư, tổn thương não và phổi.
Chỉ riêng trong năm nay, 61 công nhân đã bị phơi nhiễm. Một số chuyên gia gọi khu vực này là “nơi độc hại nhất ở Mỹ” và “Chernobyl ngầm đang chờ bùng nổ”.
Các nhân viên làm việc tại khu lưu trữ phóng xạ Hanford, bang Washington, Mỹ với bình khí nén và mặt nạ. Ảnh: DOE.
Các cựu công nhân cho biết trước đây họ hầu như không được đòi hỏi các thiết bị bảo vệ, kể cả bình khí nén được nhiều chuyên gia khuyến cáo. Một số cho biết họ bị ngăn cản khi tìm kiếm các thiết bị bảo hộ và bị đe dọa sẽ mất việc nếu cứ khăng khăng yêu cầu.
Hanford Challenge, một cơ quan giám sát địa phương đã phát hiện bằng chứng cho thấy có ít nhất 3 trường hợp tử vong liên quan tới phơi nhiễm hóa chất ở Hanford.
Một số quan chức bang Washington đang can thiệp vào vụ việc này. Họ không chỉ bày tỏ lo ngại cho người lao động và nguồn nước của khu vực mà còn chỉ trích sự thất trách của chính quyền.
Tổng Chưởng lý bang Washington, Bob Ferguson, thậm chí còn phản ứng theo cách rất khác thường bằng việc kiện chính phủ liên bang.
“Họ đã biết về việc này từ hàng thập kỷ. Vậy mà nó cứ tiếp diễn từ năm này sang năm khác, hết báo cáo này đến báo cáo khác”, ông Ferguson nói. Ông cho rằng sự thờ ơ của chính phủ liên bang là điều “không thể tha thứ”.
“Tôi luôn tự hỏi, còn bao nhiêu người lao động nữa mắc bệnh ở Hanford trước khi họ làm điều gì đó?”, Ferguson nói.
Biển cảnh báo bên ngoài Hanford Site của Bộ Năng lượng Mỹ có nội dung "Tất cả người/phương tiện đều bắt buộc bị khám xét trước khi tiếp cận khu vực này". Ảnh: AFP.
Không chỉ có hóa chất bị rò rỉ, nguy cơ hầm chôn chất thải hạt nhân Hanford phát nổ là hoàn toàn có thật. 3 năm trước, hội đồng An toàn Cơ sở Hạt nhân Quốc phòng đã bày tỏ lo ngại này trong một bức thư gửi tới chủ tịch Ủy ban Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên của Thượng viện.
Theo họ, sự tích tụ hydrogen trong các bể ngầm chứa vật liệu có tính phóng xạ cao sẽ dẫn tới nguy cơ phát nổ và làm nhiễm độc một vùng rộng lớn. Phóng xạ có thể lan khắp bang Washington, Oregon, Idaho và thậm chí sang cả bang Utah và Canada tùy vào quy mô của vụ nổ và điều kiện gió.
Đến nay, người dân bang Washington vẫn phải đối mặt với “quả bom nổ chậm” ở khu hạt nhân Hanford.
“Cuộc sống của chúng tôi không quan trọng. Sức khỏe của chúng tôi không quan trọng. Chúng tôi chỉ đơn giản là một quyết định kinh doanh. Mà việc bảo vệ chúng tôi lại tốn kém hơn là chống lại chúng tôi, để chúng tôi mắc bệnh”, Seth Ellingsworth, người hiện mất khả năng lao động, nói với phóng viên NBC News.
Nhà thầu điều hành khu Hanford và công đoàn đã đạt được thỏa thuận cung cấp các bình khí nén cho người lao động. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết mặt nạ phòng độc chỉ hỗ trợ được phần nào. Chúng không giải quyết được vấn đề an toàn lớn hơn mà Bộ Năng lượng Mỹ đã nghiên cứu trong suốt 24 năm qua về rủi ro khi làm việc ở Hanford.
Tác giả bài viết: Tuyết Mai
Nguồn tin: