Giáo dục

Sinh viên phàn nàn trường phân biệt đối xử trong lễ tốt nghiệp

Hoặc sinh viên trực tiếp đến ký và nhận bằng tại Phòng Đào tạo, hoặc đóng chi phí nhiều hơn thì sẽ được tổ chức lễ tốt nghiệp và trao bằng đảm bảo tính trang trọng hoành tráng, chuyên nghiệp, xứng tầm với thương hiệu và vị thế...

Đó là nội dung trong thông báo mới đây về việc tổ chức trao bằng cử nhân hệ chính quy Khóa 36 và 37, năm 2016 của Trường ĐH Luật TP.HCM.

Thông báo nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, từ năm 2016, nhà trường sẽ đổi mới việc trao bẳng cử nhân cho sinh viên hệ chính quy. Đối với sinh viên Khóa 37 và Khóa 36 (ngành Quản trị - Luật), tùy nguyện vọng của sinh viên, trường sẽ trao bằng tốt nghiệp theo một trong hai hoặc cả hai hình thức: Trao tại trường hoặc được tổ chức một nơi khác.

Thông báo của Trường ĐH Luật TP.HCM


Với hình thức trao tại trường, sinh viên trực tiếp đến ký và nhận bằng tại Phòng Đào tạo kể từ ngày 21/9/2016. Khi đến nhận bằng, mỗi sinh viên sẽ nhận lại 50.000 đồng (số tiền dự định làm kinh phí tổ chức lễ tốt nghiệp trích từ số tiền 220.000 đồng mà sinh viên đã đóng cho Phòng Đào tạo).

Với hình thức khác, nhà trường dự định sẽ tổ chức tại nhà thi đấu Phan Đình Phùng với mức phí 900.000 đồng, được thông tin như sau: “Lễ tốt nghiệp và trao bằng được tổ chức đảm bảo tính trang trọng, hoành tráng, chuyên nghiệp, xứng tầm với thương hiệu và vị thế của các tân cử nhân - sản phẩm đào tạo và là niềm tự hào của Nhà trường”.

Cuối thông báo nhà trường cho biết, tùy vào số lượng sinh viên đăng ký, sẽ quyết định cách thức và quy mô tổ chức lễ một cách phù hợp.

Chia sẻ về thông báo này, sinh viên L.T.T cho biết em cảm thấy không vui: “Không hiểu đây là lễ tốt nghiệp cho các sinh viên hay là một chỗ để phân biệt sinh viên theo kinh tế? Đã có một sự kỳ thị giữa sinh viên có tiền và không có tiền trong một buổi lễ đánh dấu kết thúc cuộc đời sinh viên”.

Một thành viên mạng xã hội nhận xét: “Như vậy có nghĩa là mặc định vị thế của “sinh viên 900 nghìn” trang trọng hoành tráng hơn hẳn “sinh viên 170 nghìn”. Trong khi hoàn toàn có thể những “sinh viên 170 nghìn” học rất giỏi, còn “sinh viên 900 nghìn” điểm suýt soát đậu tốt nghiệp.

Chưa hết, lễ tốt nghiệp được tổ chức theo kiểu bán từng ghế ngồi cho người thân sinh viên tham dự, mỗi ghế 100 nghìn đồng chứ không phải các em được mời bố mẹ tham dự miễn phí. Không biết các bạn sinh viên nghèo có cảm giác ra sao khi đọc thông báo này? Các em “sinh viên 170 nghìn” sẽ phải đứng lặng lẽ ngoài cổng hội trường nhìn các bạn lên sân khấu nhận bằng,... chỉ vì chênh lêch nhau 730 nghìn đồng”.

Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Hoàng Hải, Hiệu phó nhà trường cho biết, thông báo đăng tải trên website hiện mới dạng thăm dò ý kiến sinh viên. “Chúng tôi thăm dò xem em nào thích thế nào sẽ làm cho kiểu đó, bởi có người thích tổ chức ngày tốt nghiệp đơn giản nhưng có người thích làm hoành tráng”.

Trước thắc mắc liệu như vậy có khiến thí sinh cảm thấy bị phân biệt, ông Hải cho rằng “Nếu sinh viên không có nhu cầu, không có mong muốn như thế thì sẽ tổ chức một cách bình thường. Tùy theo nhu cầu của mỗi người mà nhà trường sẽ đáp ứng.

Ở đây không có gì là phân biệt, bởi trong xã hội người có điều kiện và không là chuyện rất bình thường. Nếu có phân biệt thì chỉ bản thân các bạn sinh viên đó phân biệt chứ đâu phải do nhà trường. Bởi nhà trường đang đặt ra cho các bạn hai sự lựa chọn, ở đây chúng tôi đang đáp ứng nhu cầu của xã hội. Thông báo như vậy để các em lựa chọn và chúng tôi tôn trọng các ý kiến cá nhân”.

Theo ông Hải, việc này cũng tương tự như câu chuyện ở Việt Nam, "nhà nào có điều kiện thì cho con đi du học, chứ không thể bắt phải học ở Việt Nam như những gia đình không có điều kiện".

Ngay sau khi PV VietNamNet liên hệ, trên website của trường đã đăng thông báo làm rõ thêm các nội dung về việc tổ chức trao bằng cử nhân hệ. Cụ thể là:

"... Nhà trường nhận thấy qua thực tiễn những năm gần đây, do điều kiện về cơ sở vật chất nên công tác tổ chức lễ bế giảng, tốt nghiệp dành cho các khóa chính quy với số lượng hơn 1000 tân cử nhân luôn ở trong tình trạng quá tải, mất đi tính trang trọng và thoải mái, cũng như những dấu ấn kỷ niệm dành cho các sinh viên.

Trên cơ sở đó, với mục tiêu “Lễ tốt nghiệp và trao bằng được tổ chức đảm bảo tính trang trọng, hoành tráng, chuyên nghiệp, xứng tầm với thương hiệu và vị thế của các tân cử nhân - sản phẩm đào tạo và là niềm tự hào của Nhà trường”, các đơn vị chức năng của trường đã khảo sát và xây dựng phương án tổ chức một cách quy mô, chuyên nghiệp tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng.

Bản chất của Thông báo số 1895/TB-ĐHL là việc triển khai thăm dò ý kiến của sinh viên... Nhà trường sẽ có tổng kết sơ bộ số lượng sinh viên đăng ký để quyết định 1 trong 2 phương án tổ chức. Phương án 1: Tổ chức Lễ bế giảng vào ngày 29/9 tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng như thông báo số 1895/TB-ĐHL. Phương 2: Tổ chức Lễ bế giảng vào ngày 30/9 tại cơ sở Quận 4 với hình thức như mọi năm.

Tác giả bài viết: Thanh Hùng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP