Giáo dục

Phạt học sinh phải mang tính giáo dục

Giáo viên cần coi trọng việc trừng phạt học sinh đúng cách, vừa nhẹ nhàng, vừa giúp các em có sự tự tin; thông qua việc trừng phạt, giúp các em làm được những việc có ích; không nên áp dụng những hình phạt cứng nhắc sẽ ảnh hưởng đến tâm hồn ngây thơ của các em.

Trong công tác dạy học hiện nay, để giáo dục các em học sinh, ngoài việc giáo viên phải dạy theo đúng giáo án, chương trình học tập, còn phải dạy các em điều hay lẽ phải, kinh nghiệm sống phù hợp với lứa tuổi. Trong quá trình dạy học, song song với việc dạy kiến thức cho các em, giáo viên còn phải có những biện pháp xử phạt, kỷ luật đối với học sinh ngỗ ngịch, không nghe lời giáo viên, có hành vi, thái độ không tốt ảnh hưởng bản thân và tập thể lớp.

Tôi còn nhớ khi tôi còn học tiểu học, đã từng bị giáo viên trừng phạt như khi nói chuyện trong lớp thì bị giáo viên bắt xòe tay ra để đánh hoặc đánh vào mông; phạt quỳ trước lớp, úp mặt vào tường, véo, kéo tai… Ngày nay, những hình thức phạt đó về cơ bản đã được xóa bỏ do nhận thức của giáo viên đã nâng lên, cơ chế giám sát của nhà trường, gia đình và xã hội không ngừng được tăng cường.

Nhưng một số trường học hiện nay, một bộ phận giáo viên vẫn áp dụng các hình phạt cứng nhắc mà thời gian qua phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh, nhất là hình phạt xâm phạm đến thân thể như đánh, véo, kéo tai, quì, úp mặt vào tường... và hình phạt về tinh thần la mắng, làm cho xấu hổ; xa lánh, miệt thị… Hoặc có trường hợp giáo viên phạt tiền học sinh. Đây là những biện pháp trừng phạt học sinh không mang tính giáo dục, nếu không thận trọng sẽ dẫn đến ảnh hưởng tâm lý, làm cho học sinh mất tự tin trong việc học, bỏ học vì sợ giáo viên trừng phạt; xa lánh bạn bè vì sợ xấu hổ; có thái độ thù hằn, coi thường đối với giáo viên…

Chính vì vậy, các giáo viên cần coi trọng việc trừng phạt học sinh đúng cách, vừa nhẹ nhàng, vừa giúp các em có sự tự tin; thông qua việc trừng phạt, giúp các em làm được những việc có ích cho lớp học, cho nhà trường cũng như chính bản thân của các em; không nên áp dụng những hình phạt cứng nhắc sẽ ảnh hưởng đến tâm hồn ngây thơ của các em. Ví dụ: Khi các em nói chuyện trong lớp nhưng giáo viên nhắc nhở không nghe thì phạt các em bằng cách như giao bài tập về nhà và hôm sau phải trình bày trước lớp; phạt các em phải dọn vệ sinh lớp học hoặc trồng cây xanh cho nhà trường… Sau khi các em chấp hành xong thì phải khen các em chấp hành tốt, có những việc làm có ích.

Đối với những học sinh cá biệt, ngỗ ngược, giáo viên cần phải báo cáo với ban giám hiệu nhà trường, phối hợp với phụ huynh học sinh để có biện pháp giáo dục thích đáng, phù hợp. Giáo viên đừng tự ý đề ra các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc, những hình phạt có thể xâm phạm đến thân thể, tinh thần… của các em sẽ không có tính răn đe, giáo dục mà lại phản tác dụng.

Giáo viên phạt học sinh khi các em vi phạm quy chế của nhà trường, lớp học là một trong những biện pháp giáo dục nhằm giúp các em tuân thủ các nguyên tắc, khuôn khổ trong học tập. Để biện pháp trừng phạt mang tính giáo dục, giáo viên cần phải nghiên cứu và thận trọng áp dụng trong từng trường hợp cụ thể, sao cho hình phạt đó giúp các em tự tin, khắc phục sai lầm, hòa nhập tích cực hơn nữa trong học tập cũng như trong sinh hoạt cộng đồng.

Tác giả bài viết: Đỗ Văn Nhân (Thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP