1. Mụn nội tiết là gì ?
Mụn nội tiết hay còn được biết đến với tên gọi mụn trứng cá, là hậu quả của quá trình rối loạn hormone trong cơ thể. Thông thường, mụn nội tiết xuất hiện nhiều ở độ tuổi dậy thì. Tuy nhiên do ảnh hưởng từ môi trường sống, điều kiện làm việc, các tác nhân từ bên ngoài nên tất cả các độ tuổi, và giới tính đều có khả năng nổi mụn nội tiết.
Đặc biệt, phụ nữ là đối tượng “tiềm năng” cho loại mụn này vì ảnh hưởng của chu kì kinh nguyệt, tiền mãn kinh, ngưng sử dụng thuốc tránh thai sau thời gian dài sử dụng, căng thẳng. Theo thống kê, có khoảng 50% phụ nữ trên toàn cầu bị mụn nội tiết ở độ tuổi từ 20 đến 29 tuổi.
2. Nguyên nhân gây ra mụn nội tiết
Tuổi dậy thì
Đây là giai đoạn nhạy cảm vì nồng độ hormone androgen trong máu sẽ tăng cao. Tuy sự gia tăng hormone có nhiệm vụ đảm bảo sự phát triển tự nhiên trong cơ thể nhưng loại hormone này cũng kích thích tuyến bã nhờn trên mặt. Khi da xuất hiện nhiều nhờn cộng với bụi bẩn dễ dẫn đến bít tắc lỗ chân lông và mụn sẽ hình thành.
Kinh nguyệt
Kinh nguyệt ảnh hưởng rõ rệt đến làn da của nữ giới. Vào giữa thời kì kinh nguyệt thì progesterone được sản xuất nhiều hơn bình thường. Sự gia tăng bất thường của loại hormone này thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của tuyến bã nhờn trên da. Từ đó, mồ hôi không thể thoát ra nên mụn sẽ hình thành.
Ảnh minh họa mụn nội tiết. Đồ họa: Ngọc Trâm |
Tiền mãn kinh
Giai đoạn tiền mãn kinh của phụ nữ là giai đoạn nội tiết tố rối loạn nhất. Sự giảm mất đột ngột của nhiều loại hormone, sự tăng lên của androgen, đặc biệt là testosterone dẫn đến lượng bã nhờn tăng cao sẽ gây ra mụn.
Đa nang buồng trứng
Đa nang buồng trứng là tình trạng trứng có nhiều nang hơn bình thường. Trong khi đó các hormone phần lớn được tạo ra tại đây. Thế nên người mắc đa nang buồng trứng sẽ sản sinh nhiều hormone androgen, progesterone. Điều này dẫn đến mụn nội tiết xuất hiện nhiều hơn.
Căng thẳng
Căng thẳng là nguyên nhân phổ biến của những làn da bị mụn nội tiết. Sự phát triển của mụn nội tiết do căng thẳng xảy ra tương tự như ở giai đoạn kinh nguyệt. Khi chịu áp lực cao, cơ thể tiết ra nhiều androgen tạo ra bã nhờn và sinh mụn.
Chế độ ăn
Chế độ ăn có lành mạnh hay không sẽ thể hiện rõ ràng trên da mặt. Khi bạn dùng quá nhiều tinh bột, sữa, thức ăn ngọt thì cơ thể sẽ sản sinh nhiều hormone Insullin, hormone IGF-1. Đây là hai loại hormone gián tiếp sinh ra mụn nội tiết.
3. Đặc điểm mụn nội tiết
Tùy theo cơ địa mà độ to, sưng và đỏ của mụn sẽ khác nhau. Nhìn chung mụn nội tiết có đầu màu trắng hoặc đen, có u nang nằm sâu dưới da. Thế nên mụn nội tiết thường to, sưng, đỏ, dễ gây ngứa. Ở độ tuổi dậy thì, mụn nội tiết xuất hiện nhiều hơn ở vùng chữ T, bao gồm trán, mũi và cằm.
Đối với người trưởng thành, loại mụn này nổi nhiều ở vùng dưới cằm, xung quanh hàm và thậm chí ở vùng má. Trong một số trường hợp, mụn nội tiết xuất hiện mỗi tháng một lần trước giai đoạn hành kinh. Tuy nhiên, khi bạn căng thẳng hay chịu tác động từ sức khỏe, môi trường bên ngoài thì mụn nội tiết sẽ nổi thường xuyên hơn.
Tác giả: NGỌC TRÂM (T/H)
Nguồn tin: Báo Lao Động