Mấy ngày nay anh lại lên cơn đau, mủ lại ri rỉ chảy ra, thế nhưng vẫn phải cắn răng chịu đựng không dám kêu la nửa lời vì lục trong nhà không có nổi một xu.
Tôi gặp người đàn ông ấy - anh Đỗ Ngọc Hòe, (xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), hơn 10 năm sống trong đau đớn bệnh tật cùng với khốn khổ, đói nghèo khiến anh dù mới 36 tuổi mà ngỡ chừng đã bước qua tuổi 50, khuôn mặt hốc hác, đen sạm đến tội nghiệp.
Anh Hòe được tiếp tục chỉ định mổ nhưng đành bất lực với chi phí khoảng 60 triệu đồng. |
Mỗi lần trò chuyện với tôi, anh phải cố gắng hít thật sâu vì đau đớn với căn bệnh u nang xương hàm đã nhiều năm qua đang dày vò cả khuôn mặt mình. Trải qua 3 lần phẫu thuật, răng cũng đã bị nhổ gần hết nhưng căn bệnh vẫn cứ bám rít lấy người đàn ông này.
Lần này, đau đớn kéo dài, anh đi khám được tiếp tục chỉ định mổ thế nhưng trong nhà chẳng có nổi một đồng, cũng không có tài sản gì giá trị để mà bán hay cầm cố.
10 năm sống chung với căn bệnh u nang xương hàm. |
Vay nợ cũng không thể vì những đâu vay được thì anh cũng đã vay để phẫu thuật những lần trước rồi. Mấy năm nay, nợ đó vẫn chưa thể trả. Vợ anh thì tàn tật, ốm đau quặt quẹo quanh năm. Số tiền trợ cấp hơn 400 nghìn đồng của chị cũng không đủ cho những bữa ăn qua ngày của 3 con người.
Ngồi đối diện với tôi, chị Nguyễn Thị Luận, vợ anh Hòe luôn cúi gằm mặt với đôi mắt lúc nào cũng chực khóc khi kể về hoàn cảnh của gia đình.
Người phụ nữ này có phần tủi phận và xấu hổ khi nói về gia cảnh rằng khi bữa ăn còn phải lo từng bữa thì khoản tiền 60 triệu đồng để chồng có thể phẫu thuật chỉ là giấc mơ xa vời.
“Căn nhà đang ở cũng không thể cầm cố được vì sổ đỏ mang tên ông bà. Năm 2011, khi bố mẹ chồng tôi còn sống, ông bà đã vay ngân hàng 8 triệu để xóa bỏ nhà tranh tre, đến giờ vẫn chưa trả được. Quy định của chính sách này là quá thời gian không trả được gốc sẽ phải trả lãi. Hiện giờ mỗi tháng, gia đình phải trả hơn 230 nghìn đồng cũng đã là khó khăn lắm rồi.
Mấy tháng nay anh ấy lại đau dữ dội hơn, mủ rỉ ra mỗi ngày, nhiều ngày chẳng ăn uống được gì nhưng cũng không có tiền để mua thuốc uống. Cứ tình trạng này chắc anh ấy sẽ chết mất.
Những năm trước, gia đình vẫn được xét hộ nghèo thì còn có bảo hiểm. Không hiểu thế nào năm nay gia đình bị đưa ra khỏi hộ nghèo nên cũng không được hỗ trợ bảo hiểm y tế nữa. Không còn hộ nghèo, tiền điện, tiền đóng học cho con không còn được hỗ trợ gì…”, chị Luận bỏ lửng câu nói rồi gạt những giọt nước mắt đang lăn dài trên gương mặt tiều tụy.
Do bệnh tật, đói nghèo khiến người đàn ông này dù mới 36 tuổi nhưng ngỡ như đã ngoài 50. |
Chị Nguyễn Thị Luận, vợ anh Hòe bị tàn tật nên không lao động được gì. |
Người vợ ấy xót xa: “Hôm nào đỡ đau một chút, anh ấy lại xin đi xách hồ thuê cho người ta để kiếm mấy đồng mua gạo. Người ta thương nên mới cho làm, chứ sức khoẻ anh ấy như thế cũng có làm được bao nhiêu đâu”.
Chị bảo, nhiều đêm nhìn chồng đau đớn, triền miên thức trắng, vật lộn với cơn đau nhưng chị cũng đành bất lực.
Gương mặt nhăn nhó vì những cơn đau hành hạ lại kéo đến, anh Hoè ngậm ngùi: “Hôm trước bệnh viện hẹn quay lại mổ, chi phí khoảng 60 triệu đồng, thế nhưng chấp nhận sống chung với bệnh tật chứ biết xoay đâu ra số tiền lớn như vậy. Năm ngoái còn hộ nghèo thì còn được cho bảo hiểm, năm nay không có bảo hiểm y tế, tôi đâu có dám mơ đặt chân đến bệnh viện.
Vợ tàn tật, chồng bệnh quanh năm khiến cái nghèo cứ đeo bám mãi gia đình này. |
Con gái thấy bố mẹ khó khăn thì đòi nghỉ học đi làm thuê. Lúa làm mấy sào thì vừa thu hoạch về người ta đã đến lấy trừ nợ…”.
Nói đến đó, anh Hoè run run đưa tay ôm mặt. Nhìn thấy chồng như vậy, chị Luận hắt ra những tiếng thở dài nặng nề rồi cũng oà khóc nức nở. Chứng kiến cảnh đó, chúng tôi cũng không khỏi quặn lòng.
Tiễn chúng tôi ra về, chị Luận lại tấp tểnh những bước chân bên thấp, bên cao ra cổng, tiếng chị run run hoà trong nước mắt “xin hãy cứu giúp chồng chị để mẹ con chị còn có chỗ dựa trên đời…”.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Anh Đỗ Ngọc Hòe. Địa chỉ: Xóm 10, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa). Điện thoại: 0986253209 |