Gần đây, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản nhảy sang điều hành các nhà băng. Trong ảnh: hoạt động giao dịch tại một ngân hàng ở TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG |
Mới đây, bà Bùi Thị Thanh Hương - tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group - chính thức trở thành tân chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Quốc dân (NCB, mã chứng khoán NVB).
Sun Group là tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh, nổi lên nhờ mảng du lịch - giải trí - bất động sản với các dự án tầm cỡ như Ba Na Hills, JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay, tuyến cáp treo Fansipan...
Doanh nghiệp này có nhiều duyên nợ với Ngân hàng Quốc dân. Điển hình như trong dự án casino Vân Đồn (Quảng Ninh) do Sun Group đầu tư, Ngân hàng Quốc dân cam kết cấp tín dụng.
Gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chấp thuận cho Ngân hàng Quốc dân tăng tối đa thêm 1.500 tỉ đồng để nâng lên 5.600 tỉ đồng vốn điều lệ, dưới hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Ở đại hội cổ đông thường niên 2021, ngân hàng này chia sẻ kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 7.100 tỉ đồng, sớm nhất sẽ tăng tổng nguồn vốn điều lệ lên 10.000 tỉ đồng, đón nhận cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Theo báo cáo tài chính quý 2-2021, sau nửa đầu năm nay, Ngân hàng Quốc dân lãi ròng sau thuế gần 101 tỉ đồng, tăng hơn 5,4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Sau thông tin bà Hương ngồi lên "ghế nóng", cổ phiếu NVB lập tức tăng trần, hiện đang neo ở giá 22.500 đồng/cổ phiếu, biến động tăng gần 32% trong một tuần nay.
Nhiều lãnh đạo tập đoàn bất động sản khác cũng về điều hành các nhà băng thời gian gần đây.
Hồi tháng 5-2021, CEO của Sunshine Group là bà Trần Thị Thu Hằng cũng chính thức đảm nhận chức chủ tịch HĐQT Ngân hàng Kiên Long (Kienlongbank, KLB).
Trong thời gian bà Hằng lên chức tân chủ tịch, bên cạnh tên gọi Kienlongbank, ngân hàng này cũng bổ sung một tên mới là KSBank. Ngoài nắm hơn 15,2 triệu cổ phiếu (tỉ lệ 4,72%) của Kienlongbank, bà Hằng còn sở hữu cổ phần tại Công ty cổ phần KS Group (33%), Công ty cổ phần chứng khoán KS (51%).
Có thể thấy, bất động sản Sunshine Group đang có mối gắn kết chặt chẽ với cả ngân hàng và công ty chứng khoán, lợi thế mà không phải doanh nghiệp nào cũng có được.
Kienlongbank là ngân hàng từng gắn bó tên tuổi của ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng). Vào năm 2018, ông Thắng rút khỏi HĐQT nhà băng này, chọn làm chủ tịch Đồng Tâm Group vì theo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 15-1-2018 quy định, chủ tịch HĐQT ngân hàng không được làm thành viên HĐQT ở các doanh nghiệp khác.
Dù vậy, hiện bầu Thắng vẫn làm cố vấn cho Kienlongbank. Theo báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2021, trong dàn lãnh đạo Kienlongbank cũng có hàng loạt người thân, quen ông Thắng như: ông Võ Quốc Lợi (con trai, thành viên ban điều hành), ông Phạm Trần Duy Huyền (cháu rể, thành viên HĐQT).
Lũy kế nửa đầu năm nay, Kienlongbank lãi sau thuế gần 607 tỉ đồng, tăng gần 7,4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong tháng 5 vừa qua, ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) đã được bầu làm phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - LPB). Ông Thụy là người sáng lập và nắm 24,6% ở Thaiholdings - sở hữu nhiều khu "đất vàng". Trước khi bước vào LienVietPostBank, ông Thụy đã thôi nhiệm chức chủ tịch Thaiholdings.
Theo công bố giao dịch, đầu tháng 7, Thaiholdings đã mua thành công 20 triệu cổ phiếu LPB (sở hữu 1,86% vốn ở LienVietPostBank). Riêng cá nhân bầu Thụy tăng tỉ lệ sở hữu tại nhà băng này lên 2,85%, với 30,58 triệu cổ phiếu LPB. Cả ông Nguyễn Xuân Thủy - em trai ông Thụy - cũng giữ 1,62 triệu cổ phiếu LPB (0,15%).
Với thị giá 25.500 đồng, tổng giá trị cổ phiếu LPB do Thaiholdings, ông Thụy và em trai nắm giữ đạt xấp xỉ 1.294 tỉ đồng.
Về bức tranh tài chính, LienVietPostBank lãi sau thuế hơn 1.617 tỉ đồng trong nửa đầu năm nay, hoàn thành 64% kế hoạch cả năm. Ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gần 616 tỉ đồng.
Tác giả: Bông Mai
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ