Kinh tế

Nhà nước sẽ định danh rõ ràng Uber, Grab là ai

Các cơ quan quản lý Nhà nước cho rằng cần phải xác định Uber, Grab là loại hình vận tải hành khách nào thì mới có cơ chế quản lý phù hợp.

Sáng 8/11, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP. Hà Nội tổ chức họp về công tác triển khai Quyết định 24/QĐ-BGTVT thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ quản lý vận tải hành khách theo hợp đồng. Cuộc họp nhằm chuẩn bị kế hoạch tổng kết 2 năm thí điểm đề án ứng dụng hợp đồng điện tử trong kinh doanh vận tải.

Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ GTVT), Sở GTVT TP. Hà Nội, đại diện các Sở Tài chính, Công Thương, Cục thuế, Công an Hà Nội, Hiệp hội taxi Hà Nội, các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng và tham gia thí điểm đề án.

Thí điểm quá nhiều bất cập

Sở GTVT Hà Nội cho rằng các đơn vị cung ứng phần mềm như Uber, Grab là những đơn vị có năng lực tài chính lớn, có trình độ khoa học công nghệ cao đủ điều kiện thực hiện công tác thí điểm, để đạt được những mục tiêu đề ra.

Quyền Giám đốc Uber Việt Nam Tom White cũng tham gia cuộc họp tại Hà Nội. Ảnh: Hiếu Công.

Các đơn vị vận tải cũng có đủ tiềm năng và lực lượng phối hợp với đơn vị cung ứng phần mềm ứng dụng để triển khai công tác thí điểm, cung cấp ra thị trường dịch vụ vận tải được người dân đồng tình, ủng hộ.

Tuy nhiên, Sở GTVT cũng chỉ ra mặt hạn chế từ khi thí điểm đề án. Theo đó, số xe kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ tại Hà Nội gia tăng nhanh chóng, vượt quá quy hoạch của thành phố. Điều này gây ảnh hưởng đến đề án phát triển vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là việc quản lý taxi và phương tiện giao thông cá nhân.

Ngoài ra, một số phương tiện tham gia thí điểm không có logo, không niêm yết phù hiệu xe hợp đồng và các thông tin theo quy định của Bộ GTVT, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.

Một hạn chế nữa cũng được chỉ ra là kinh doanh vận tải theo hợp đồng điện tử là hình thức vận tải mới, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa đủ quy định để quản lý chặt chẽ.

Bản thân Quyết định 24 của Bộ GTVT quy định không rõ cơ chế xử lý vi phạm với các đơn vị vi phạm, và không quy định số lượng phương tiện đưa vào hoạt động thí điểm, đã gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như việc đánh giá hiệu quả.

Theo đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội, việc thí điểm đề án còn có nhiều bất cập, gây bất bình đẳng với taxi truyền thống, trong khi Uber, Grab hoạt động như taxi.

Các bất cập về việc tăng giá bất thường vào giờ cao điểm, gia tăng phương tiện nhanh chóng không có kiểm soát, không công khai minh bạch vấn đề thuế, việc khuyến mại trái quy định của pháp luật, không kê khai giá như taxi… lần lượt được chỉ ra.

Cần làm rõ Uber, Grab là ai

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho rằng phát triển Uber, Grab phải hài hòa lợi ích của các bên. Đó là lợi ích của doanh nghiệp, khách hàng, đối tác, quy luật thị trường và cả lợi ích của Nhà nước.

Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước cho xác định rõ ràng định danh Uber, Grab nên gặp khó khăn trong công tác quản lý. Ảnh: Hiếu Công.

Theo đó, Nhà nước sẽ kiểm soát để tránh cạnh tranh không lành lạnh, kiểm soát độc quyền. Ngoài ra, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ kiểm soát để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và các bên liên quan.

“Các vị phải chứng minh không độc quyền, không phá giá, không phá vỡ quy luật cung cầu”, ông Viện nhấn mạnh.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng cho rằng bản thân việc thí điểm gây ra mâu thuẫn giữa Uber, Grab với taxi truyền thống. Thậm chí, chính trong hoạt động của Uber và Grab cũng tồn tại những mâu thuẫn với lái xe, với khách hàng…

“Mục tiêu của Uber là cung cấp ứng dụng để tận dụng xe nhàn rỗi. Tuy nhiên, lại có rất nhiều người mua xe để lái Uber, Grab hoạt động như taxi. Việc này đi ngược lại mục tiêu của Uber, ngược lại nền kinh tế chia sẻ, làm gia tăng phương tiện cá nhân”, ông Viện nhấn mạnh.

Khi được yêu giải thích tại sao Uber không đặt máy chủ ở Việt Nam, thực hiện hoạt động kinh doanh vận tải bình đẳng như những hãng taxi, ông Tom White, quyền Giám đốc Uber Việt Nam, chỉ giải thích ngắn gọn, rằng Uber là hãng công nghệ toàn cầu, do đó không chỉ ở Việt Nam mà hàng chục quốc gia khác cũng kinh doanh tương tự.

Uber không đặt máy chủ ở bất kỳ quốc gia nào khác chứ không riêng là Việt Nam.

Vị này cũng cho biết Uber chỉ đơn thuần là hãng cung cấp ứng dụng, không phải là hãng vận tải nên không thể so sánh với taxi.

“Chúng tôi không quản lý phương tiện, không quản lý lái xe, chúng tôi chỉ cung cấp ứng dụng nên không phải là hãng vận tải”, ông Tom White nói.

Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc cho biết bản thân ông và cơ quan quản lý Nhà nước rất muốn định danh rõ ràng Uber, Grab là ai, để có thể quản lý một cách chính xác.

Trong thời gian tới, khi sửa đổi luật, sửa đổi nghị định, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ làm rõ Uber, Grab là doanh nghiệp vận tải hay không, hay là taxi công nghệ, hay là một loại hình nào khác.

Bản thân ông Ngọc cho rằng việc hiểu Uber, Grab là doanh nghiệp vận tải sử dụng hợp đồng điện tử là chưa đúng bản chất, chưa phản ánh đủ. Uber, Grab đang có phần hoạt động như taxi và sử dụng ứng dụng điện tử, dùng ứng dụng điện tử để kết nối khách hàng.

Kiến nghị chế tài xử phạt sai phạm khi tham gia thí điểm

Sở GTVT Hà Nội kiến nghị một số nội dung hoàn thiện đề án thí điểm tới Bộ GTVT.

Theo sở này, cần xem xét phương thức để quản lý được toàn bộ phần mềm ứng dụng mà các đơn vị đang quản lý, sử dụng, kiến nghị Bộ GTVT ban hành quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đối với Uber, Grab. Sở nhận thấy Uber, Grab hoạt động tương tự như taxi, nên cần có các điều kiện kinh doanh tương tự như taxi để tạo sự bình đẳng giữa các loại hình vận tải.

Ngoài ra, cần bổ sung yêu cầu các đơn vị cung cấp phần mềm có trách nhiệm chia sẻ dữ liệu về ID gắn với biển kiểm soát xe và lái xe. Bổ sung chế tài cụ thể đối với việc không chấp hành Quyết định 24… tăng cường kiểm soát đối với phương tiện và lái xe.

Hiện Hà Nội có 7 đơn vị tham gia thí điểm theo Quyết định 24 trên địa bàn. Tính đến hết tháng 9, số lượng xe tham gia thí điểm tại Hà Nội là 14.495 xe, trong đó Uber là 2.282 xe (chiếm 15,74%); Grab là 11.116 xe (76,69%).

Tuy nhiên, đến tháng 10, Sở GTVT Hà Nội chỉ nhận được báo cáo của 4/7 đơn vị. Số lượng xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi là 21.800 xe. Xe taxi là 19.265 xe.

Tác giả: Hiếu Công

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP