Giáo dục

"Nguồn thí sinh khoảng trên 23 điểm đã...cạn kiệt"

Nhiều ý kiến phân tích hiện tượng nhà nhà xét tuyển bổ sung năm nay làhệ lụy của nhiều năm trước tích lũy lại.

"Hệ lụy mở trường tràn lan"

Trò chuyện về hiện trạng nơi nơi xét tuyển bổ sung như hiện nay, bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen cho biết: “Giảng viên trường tôi nói có một căn cứ lý thuyết cho cách làm của Bộ GD-ĐT, chứ không phải tùy tiện”.
xét tuyển bổ sung, xét tuyển bổ sung đợt 1, xét tuyển bổ sung 2016, xét tuyển đợt 2 2016, ĐH Hoa Sen, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Nông lâm TP.HCM

Xét tuyển bổ sung - tình nguyện viên đông hơn thí sinh (Ảnh Đinh Quang Tuấn)


Lý thuyết này, theo bà Phượng, là Bộ muốn xử lý trên số đông. “Năm ngoái, khi có mọi thông tin, thí sinh sẽ biết được ngày nào, có bao nhiêu người nộp đơn vào đâu. Do đó, thí sinh tìm và lấy giải pháp nào có lợi cho mình. Hiện tượng hỗn loạn ngày cuối là do thí sinh có quá nhiều thông tin.

Năm nay, Bộ cũng thay đổi với căn cứ lý thuyết là để thí sinh có ít thông tin, chọn lựa được hạn chế với mong muốn giảm hỗn loạn. Đó là mong muốn của người quản lý”.

Tuy nhiên, bà Phượng cho rằng có yếu tố khác xuất hiện mà Bộ chưa nắm kịp thời. Đó là tình trạng trường đại học mở tràn lan, cung cao hơn cầu.

Người đi học dè dặt hơn: Phụ huynh có tiền thì muốn cho con ăn học đàng hoàng, phụ huynh ở nông thôn không có tiền thấy cảnh tấm bằng tốt nghiệp vẫn không thể xin việc sẽ đắn đo.

Bà Phượng nhìn nhận “Bây giờ là lúc ngành giáo dục trả giá cho những sai lầm trước đây. Tất nhiên đây không phải là lỗi của những người đặt ra quy định tuyển sinh năm nay".

Những sai lầm trước đây là vấn đề trường đại học mở ra tràn làn, số lượng thừa, chất lượng kém. Người học bắt đầu rút kinh nghiệm vì bỏ tiền bạc, thời gian, tuổi trẻ học đại học không phải là con đường chắc chắn an toàn, mà họ có nhiều con đường khác.

“Đây là lần đầu tiên thực trạng cung lớn hơn cầu được thể hiện rất rõ. Cũng là hệ lụy của nhiều năm trước tích lũy lại, chứ không nhất thời xuất hiện” – bà Phượng nhận định.

Phân tích của bà Phượng được Bộ GD-ĐT lý giải ngay sau khi xuất hiện câu hỏi "Thí sinh đã đi đâu" lúc các trường kết thúc tuyển đợt 1.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học giải thích: Trong những năm gần đây số lượng thí sinh đăng ký thi/xét tuyển vào đại học tương đối ổn định trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ngày càng tăng làm nguồn tuyển giảm đi. Các trường khi xác định chỉ tiêu cũng chưa dựa vào thực tế nhu cầu học của xã hội, chưa dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá nhu cầu sử dụng của thị trường lao động đối với ngành nghề đào tạo… mà chủ yếu dựa vào năng lực đào tạo tối đa của mình và kinh nghiệm tuyển sinh của năm trước.

"Bất đắc dĩ mới phải tuyển bổ sung"

Về đợt tuyển bổ sung sắp tới, trong bài viết trên báo Tuổi Trẻ TP.HCM, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM dự báo tỉ lệ trúng tuyển ảo càng khó lường hơn so với đợt xét tuyển đầu tiên. Thậm chí, nguồn thí sinh đã giảm rất nhiều, có thể khẳng định là nguồn thí sinh ở mức điểm khoảng trên 23 điểm đã... cạn kiệt.

Ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, thì bình luận rằng bất đắc dĩ mới phải xét tuyển bổ sung.

Tuy nhiên, nếu các trường tuyển không đủ chỉ tiêu thì phải chịu, chứ hạ điểm trúng tuyển là không công bằng.

“Điểm đầu vào là một trong những điều kiện nâng cao chất lượng, nhưng cũng là quyền lợi của thí sinh. Đáng lẽ em đó đã trúng tuyển vào trường với số điểm đó nhưng bị rớt phải qua trường khác, bây giờ lại có những người vào được trường đó với số điểm bằng số điểm của mình".

Quang cảnh vắng vẻ tại khu vực nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển bổ sung của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sáng ngày 23/8 (Ảnh Đinh Quang Tuấn)


Học đại học để làm gì?

Ông Hùng cho rằng điểm chuẩn đào vào chỉ góp phần chứ không quyết định chất lượng đào tạo.

“Chất lượng đào tạo liên quan đội ngữ cán bộ giảng viên, cơ sở vật chất, công tác quản trị của nhà trường.

Trước lý do năm nay các trường thiếu nguồn tuyển vì thí sinh dè dặt với hiện tượng thất nghiệp, ông Hùng lý giải: "Xã hội nào cũng có người thất nghiệp. Chẳng hạn, học xong chỉ muốn ở thành phố, nơi có điều kiện thuận lợi chứ không muốn về tỉnh lẻ, vùng sâu vùng xa. Không chấp nhận mức lương mà doanh nghiệp, cá nhân có thể trả…. Vậy là thất nghiệp.

Học ngành này ra làm nghề khác là bình thường. Khi đã được trang bị kiến thức, như ở bậc đại học, thì sự thích nghi đa phần là cao hơn đối với những người không được đào tạo".

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nói: “Tình trạng sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, hay không có việc làm đúng ngành nghề, học ngành này làm nghề khác thì trên thế giới vẫn diễn ra. Chỉ một số ngành chuyên sâu như bác sĩ, kỹ sư chế tạo máy thì mới bắt buộc phải làm đúng ngành nghề".

Tuy nhiên, ông Hồng cũng phân tích về tính 2 mặt của việc học đại học mà không nhất thiết phải làm đúng nghề: "Việc học sẽ góp phần nâng cao văn hóa của người học, nhưng phí phạm thời gian và tiền bạc".

Cách nào giải "ảo"?

Vị hiệu trưởng của trường đào tạo "máy cái" ở TP.HCM cho hay:

“Nếu hạ điểm chuẩn, rõ ràng nguyện vọng của một số thí sinh không trúng tuyển đợt đầu đã không được thỏa mãn. Nhưng thực hiện phương án nào thì trong quá trình triển khai cũng có điểm tốt hay hạn chế".

Do đó, giải pháp chống "ảo" tốt nhất là các trường phải cạnh tranh với nhau bằng chất lượng. Yếu tố thu hút người học quan trọng khác nữa là ngành nghề đó có đáp ứng được nhu cầu của xã hội hay không.

Theo ông Hồng, bài học rút ra ở mùa tuyển sinh năm nay là phải làm tốt hơn công tác dự báo.

"Các cơ quan chức năng cần đưa ra dự báo nghề nghiệp để thấy xu hướng trong vòng 10 năm tới. Bộ GD-ĐT căn cứ dự báo này để can thiệp trực tiếp vào các trường hay cảnh báo để thí sinh biết và lựa chọn, các trường cân nhắc đào tạo”.

Cùng góc nhìn "không có giải pháp tuyển sinh nào hoàn hảo tuyệt đối", tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng nếu như còn tiếp tục sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia trong những năm tới, có lẽ đã đến lúc các trường ĐH phải chấp nhận tình trạng trúng tuyển ảo, khả năng gọi nhập học thiếu chỉ tiêu trong lần xét tuyển đầu tiên và phải gọi nhập học nhiều lần trong năm (Tuy nhiên, việc gọi học nhiều lần trong năm thì chưa thể làm được do chất lượng đề thi chưa cho phép).

Còn bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng tuyển sinh chỉ là một công đoạn đầu của quá trình đào tạo, nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào và là điều kiện cần để có chất lượng đầu ra. Để tránh tình trạng cả trường học lẫn thí sinh đều thấp thỏm chờ đợi kết quả tuyển sinh, các trường cần xác định rõ nâng cao chất lượng đào tạo là mục tiêu phấn đấu liên tục. Bộ GD-ĐT khuyến cáo, để nâng cao chất lượng một trong những biện pháp là phải hạn chế tối đa việc tăng qui mô.

Tác giả bài viết: Ngân Anh – Lê Huyền

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP