Trong tỉnh

Nghi Lộc, Nghệ An: Cấp hàng loạt Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có trái quy định pháp luật?

Khi vợ chồng cụ Phiếu qua đời, để lại cho 8 người con toàn bộ đất và tài sản trên đất, nhưng không để lại di chúc thừa kế, 8 anh chị em cũng chưa họp gia đình phân chia tài sản, thế nhưng việc chuyển nhượng, tách thửa, cấp bìa lại diễn ra suôn sẻ.

Ngôi nhà mới xây của vợ chồng ông Nguyễn Văn Báu trên lô đất của bố mẹ để lại.

Năm 1996, cụ Nguyễn Văn Phiếu và vợ là Doãn Thị Phiếu, được UBND huyện Nghi Lộc cấp một thửa đất, diện tích 1665 m2 (số 54, tờ bản đồ số 10), tại xóm 20 (nay là xóm 8), xã Nghi Phong (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) để ở và sản xuất. Đến năm 1987 và năm 2003, ông Phiếu và bà Phiếu lần lượt qua đời do già yếu. Khi mất ông Phiếu không để lại di chúc thừa kế và 8 anh chị em (gồm 3 trai 5 gái) cũng chưa họp gia đình, thỏa thuận việc phân chia di sản do bố mẹ để lại. Trong 8 người con, duy nhất có ông Nguyễn Văn Báu ở trên thửa đất của của bố mẹ đẻ, còn 7 người con khác đã lập gia đình riêng, đều trú tại địa phương.

Tình cảm anh em lâu nay vốn hòa thuận, tối lửa tắt đèn có nhau, nay lánh mặt, thậm chí kiện tụng ra tòa khi ông Nguyễn Văn Chắt (anh trai cả) “tá hỏa” phát hiện ông Nguyễn Văn Báu (em ruột của ông Chắt) tự ý làm thủ tục chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất do bố mẹ để lại, mang tên vợ chồng ông Nguyễn Văn Báu, bà Bạch Thị Thông, GCNQSDĐ cấp ngày 19/9/2005. Khi đó, ông Báu đang làm xóm trưởng xóm 20 (nay là xóm 8 xã Nghi Phong).

Lý do UBND huyện Nghi Lộc cấp sổ đỏ cho ông Báu dựa vào “Đơn xin nhận thừa kế” của vợ chồng ông Báu làm căn cứ, và tờ giấy viết tay “Biên bản họp gia đình”, ngày 15/07/2005 do ông Báu “tự biên, tự diễn”. Khi phát hiện việc chuyển nhượng mờ ám, trái quy định của pháp luật trên, ông Chắt và những người em lấy làm bất bình.

Năm 2014, diện tích đất sau khi đo đạc tăng lên hàng nghìn mét vuông, vợ chồng ông Báu, bà Thông đã làm các thủ tục xin cấp đổi bìa đất trên thành thửa đất số 1208, tờ bản đồ số 21, diện tích 3064m2, cấp ngày 27/8/2014. Sau đó, ông Báu tiếp tục làm hồ sơ xin tách thửa đất diện tích 3064m2 thành hai thửa: Thửa 1232, diện tích 1971m2, lấy tên vợ chồng ông Nguyễn Văn Báu, bà Bạch Thị Thông, và thửa 1233, diện tích 1093m2, lấy tên anh Nguyẽn Văn Hồng (con trai ông Báu) .

Thửa 1232 tiếp tục được ông Báu tách thành hai thửa gồm: Thửa 1274, diện tích 1233m2, bìa đỏ mang tên vợ chồng ông Báu, bà Thông, thửa 1275, diện tích 738m2, bìa đỏ mang tên bà Nguyễn Thị Phương.

Thửa 1233, ông Báu tặng cho con trai Nguyễn Văn Hồng. Ngày 24/7/2015, ông Báu lấy sổ đỏ của anh Hồng (con trai ông Báu) làm thủ tục xin tách thửa đất số 1233 thành 02 thửa: Thửa 1257, diện tích 564.5m2 để tặng cho em gái Nguyễn Thị Phương, và thửa 1258, diện tích 564.5m2 để tặng cho em trai là anh Nguyễn Văn Chung (con gái anh Hồng).

“Tôi và các em tôi thật sự bức xúc khi phát hiện việc làm “động trời” của ông Báu. Không thông báo cho ai biết, không họp gia đình lấy ý kiến anh em, nhưng ông Báu vẫn có giấy họp gia đình. Tôi là anh trai cả cũng bị qua mặt. Ngay cả các chữ ký cũng bị giả mạo, chưa được chính quyền xã Nghi Phong xác nhận, nhưng UBND huyện Nghi Lộc vẫn làm thủ tục, cấp bìa đỏ. Việc cấp bìa này là trái pháp luật”, ông Nguyễn Văn Chắt bức xúc cho biết thêm mình đã gửi đơn khởi kiện ông Nguyễn Văn Báu, đề nghị TAND huyện Nghi Lộc tuyên hủy các Quyết định cấp GCNQSDĐ trái pháp luật trên.

Cổng ra vào nhà mới xây của vợ chồng ông Báu.

Trong đơn khởi kiện, ông Chắt cũng đồng thời đề nghị TAND huyện phân chia khối di sản thừa kế do cụ Nguyễn Văn Phiếu và cụ Doãn Thị Phiếu để lại là thửa đất số 54, tờ bản đồ số 10, diện tích 3064m2, tại xóm 20 (nay là xóm 8) xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An theo đúng quy định pháp luật cho các đồng thừa kế.

Đặc biệt ngày 12/4/2021, TAND huyện Nghi Lộc đã gửi thông báo cho các nguyên đơn và các bị đơn nội dung thụ lý vụ án dân sự số 32/202 về việc “Tranh chấp thừa kế tài sản và hủy Quyết định hành chính cá biệt”, nhưng ông Báu vẫn thuê thợ về xây dựng trên các thửa đất đang tranh chấp, chưa được giải quyết, làm thay đổi hiện trạng thửa đất đang tranh chấp. Đáng nói là trên thửa đất trống số 1257 và thửa 1275, đã bị vợ chồng ông Báu cho xây ngôi nhà ba tầng, làm thay đổi hiện trạng ban đầu của thửa đất tranh chấp, gây cản trở cho cơ quan tiến hành tố tụng trong việc giải quyết vụ án và thi hành bản án sau này.

Theo Điều 122 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, một khi đang tranh chấp thừa kế tài sản thì cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp. Trong vụ án dân sự này, mặc dù đang trong quá trình giải quyết, TAND huyện đã tiến hành thẩm định và định giá các thửa đất và tài sản trên đất tranh chấp, làm cơ sở đề tòa xem xét, giải quyết vụ án khi đưa ra xét xử… nhưng ông Báu vẫn thuê thợ về đập nhà của bố mẹ để lại, để dựng xây nhà, công trình mới trên các thửa đất hiện đang được TAND huyện thụ lý, làm thay đổi hiện trạng. “Động thái thiếu thiện chí trên của ông Báu thể hiện thái độ thiếu hợp tác, thiếu tôn trọng pháp luật, gây cản trở đến việc giải quyết vụ việc của cơ quan chức năng”, ông Chắt nói.

Nhận thấy việc chuyển đổi trên là trái quy định pháp luật. Vì những lý do trên, ông Nguyễn Văn Chắt làm đơn khởi kiện ông Nguyễn Văn Báu, bà Bạch Thị Thông, ông Nguyễn Văn Chung, bà Nguyễn Thị Phương và đề nghị TAND huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An tuyên hủy các Quyết định cấp giấy và GCNQSDĐ, do UBND huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An cấp từ năm 2005- 2017 mang tên hộ các ông, bà: Nguyễn Văn Báu và bà Bạch Thị Thông; Nguyễn Văn Hồng; Nguyễn Văn Chung; Nguyễn Thị Phương; Nguyễn Văn Báu và bà Bạch Thị Thông, đều trú tại xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Đồng thời, đề nghị TAND huyện Nghi Lộc phân chia khối di sản thừa kế do cụ Nguyễn Văn Phiếu và cụ Doãn Thị Phiếu để lại tại thửa đất số 54, tờ bản đồ số 10, diện tích 3064m2 tại xóm 20, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An theo đúng quy định pháp luật cho các đồng thừa kế.

Theo Luật sư Cao Trí, Trưởng Văn phòng Luật sư Cao Trí, trong vụ việc tranh chấp này, cơ quan chức năng cần làm rõ việc UBND huyện Nghi Lộc cấp hàng loạt GCNQSDĐ có đúng quy trình, pháp luật?. Việc ông Nguyễn Văn Chắt gửi đơn khởi kiện, đề nghị TAND huyện Nghi Lộc tuyên hủy các quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là có cơ sở.

Luật sư Cao Trí (bên trái), trao đổi với ông Nguyễn Văn Ngọc (em ruột ông Chắt) tại nhà riêng ở xã Nghi Phong.

Được biết, thời gian qua, huyện Nghi Lộc là địa phương “đội sổ” về số lượng đơn thư kiện tụng liên quan đến đền bù, cấp đất trái quy định của pháp luật.

Tác giả: Hữu Trong

Nguồn tin: lsvn.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP