Sáng 28/6,đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì cuộc làm việc của Ban thường vụ Tỉnh ủy cùng các ban ngành về một số nội dung quan trọng. Dự cuộc làm việc có đồng chí Nguyễn Xuân Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy: Nguyễn Xuân Đường – Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Quang Huy, Nguyễn Văn Thông cùng các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh ủy, các Phó chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các Ban và Văn phòng Trung ương Đảng vùng các sở, ngành. |
Theo quy hoạch đến năm 2020 trên địa bàn Nghệ An có 50 CCN, tổng diện tích theo qui hoạch 920,4ha. Hầu hết các địa phương đều có qui hoạch CCN đảm bảo có đủ quỹ đất đáp ứng nhu cầu đầu tư của các cơ sở sản xuất công nghiệp.
Đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 33 CCN đã thực hiện các bước đầu tư xây dựng (lập, phê duyệt qui hoạch chi tiết CCN; lập, phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN; thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN và tổ chức thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh).
Trong đó: Có 18 CCN đi vào hoạt động (10 CCN đã lấp đầy, 8 CCN đang thực hiện đầu tư hạ tầng và có doanh nghiệp đi vào đầu tư sản xuất kinh doanh); 4 CCN đang thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng nhưng chưa có doanh nghiệp đầu tư sản xuất; 11 CCN đã lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết.
Để xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, tỉnh Nghệ An dự kiến nguồn vốn trên 21.245,7 tỷ đồng, trong đó có huy động nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp và vốn ODA. Đến nay, có trên 4.410 tỷ đồng đã đầu tư vào 8 khu công nghiệp, khu kinh tế.
Thống kê của UBND tỉnh, tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2011 - 2016 đạt 15,07%, đạt xấp xỉ mục tiêu Nghị quyết đề ra (16-17%) và cao hơn mức bình quân chung cả nước (15,07% so với 9,64%).
Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu được tập trung chỉ đạo, hàng năm có bước phát triển khá. Một số sản phẩm có sản lượng lớn và giá trị cao trong cơ cấu sản phẩm công nghiệp của tỉnh phát triển nhanh đạt hoặc vượt mục tiêu Nghị quyết như: Gạch quy chuẩn, gạch ốp lát, đường kính, sản phẩm dệt kim, sản phẩm may mặc, sợi, chè chế biến, tinh bột sắn, xi măng, công suất các nhà máy thủy điện,... một số sản phẩm chưa đạt hoặc đạt thấp so với mục tiêu (sữa chế biến, bia, thiếc tinh luyện, bột đá siêu mịn, cao su,...).
Tổng số doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An (không bao gồm các cơ sở sản xuất kinh tế hộ, cá thể) đến thời điểm cuối năm 2016 là 886 doanh nghiệp, tăng 199 doanh nghiệp so với thời điểm 2010. Tổng số lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp đến năm 2016 có trên 59.020 người, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến chiếm đa số với 50.805 lao động.
Ban thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An bàn các giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung xây dựng hạ tầng khu công nghiệp; đẩy mạnh xây dựng các cảng biển phục vụ phát triển; chú trọng ứng dụng công nghệ cao trong khu công nghiệp.
Cùng với đẩy mạnh thu hút đầu tư, cần tăng cường quan tâm đến thu nhập, chất lượng cuộc sống của người lao động trong khu công nghiệp và bảo vệ môi trường sinh thái trong quá trình phát triển công nghiệp.
Nguồn tin: Báo Nghệ An