Hệ lụy từ quá khứ
Hầu hết những xưởng chế biến chè này đều được hình thành và đi vào hoạt động từ nhiều năm trước đó như xưởng chè Truyền Thống hoạt động từ năm 2007 với diện tích 8.800m2, xưởng chè Đường Thích năm 2003 trên diện tích 8.560m2, xưởng chè Dũng Lam năm 2004 tổng diện tích 7.700m2, xưởng chè Bình Hằng hoạt động từ năm 1995 với 4.500m2, xưởng chè Minh Hải năm 1996 với 8.100m2.
Những xưởng này được mua sắm trang thiết bị khá hiện đại để thực hiện hấp, sấy, luộc chè thành phẩm đem xuất khẩu sang các nước Trung Đông. Có một số xưởng chủ yếu sản xuất chè lưu hành trị trường trong nước và trải qua một giai đoạn nữa mới xuất khẩu đi Đài Loan.
Xưởng chế biến chè Minh Hải - một trong nhiều xưởng hoạt động không phép trên đất nông nghiệp. Ảnh: Bùi Ánh |
Việc nhiều xưởng chế biến chè không phép mọc lên trên đất nông nghiệp đã có tiền lệ từ quá khứ và trải qua một thời gian dài vẫn chưa có hướng tháo gỡ. Cụ thể, xưởng chè Đường Thích do ông Nguyễn Văn Đường làm chủ ở xóm Trường Sơn (xóm Nam Sơn cũ) xây dựng từ năm 2003 trên đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64/CP của hộ gia đình và một phần chuyển nhượng từ các hộ khác với tổng diện tích vi phạm 8.560m2, trong quá trình xây dựng và hoạt động, UBND xã đã lập biên bản vi phạm và đình chỉ nhiều lần nhưng chưa xử lý dứt điểm được.
Trong số 8.560m2 vi phạm, có 4040,5m2 đã được ông Đường xây dựng nhà ở và xưởng có từ trước năm 2014 (thuộc thửa đất 338 tờ 28). Số diện tích còn lại 4519,5m2, ông đổ đất, gạt mặt bằng bao vào khuôn viên của xưởng thuộc thửa đất 416, 417, 341, 340, 336, 337, tờ 28.
Các xưởng chế biến chè này đều được xây trên nền diện tích khá rộng và trang bị dây chuyền hiện đại với công suất lớn. Ảnh: Bùi Ánh |
Mới đây nhất, vào tháng 1/2022 xưởng chè Truyền Thống ở vùng Quảng Sim (xóm Trường Sơn) do ông Lê Văn Thống tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Ông Lê Văn Thống đã tiến hành đổ đất san lấp mặt bằng, bó giằng móng để xây dựng công trình xưởng chế biến chè trên tổng diện tích 2.733,4m2. Trong đó, gia chủ chuyển từ đất trồng cây hàng năm khác là 737,4m2 thuộc số thửa 276, tờ bản đồ số 28 và chuyển từ đất trồng lúa trên nền diện tích 1.996m2 gồm các thửa đất số 228, 245, 247, 266, 268, 220, 269, thuộc bản đồ số 28.
Hai hành vi nói trên của xưởng chè Truyền Thống đã bị UBND huyện Thanh Chương ra quyết định xử phạt 51.668.500 đồng và buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Những phần đất này được mua lại từ các hộ gia đình Bùi Thị Vân, Lương Quốc Dũng, Nguyễn Văn Hiếu, Bùi Văn Nghĩa. Do quá trình sản xuất không hiệu quả nên các hộ đã chuyển nhượng lại cho ông Thống mở rộng xưởng chế biến chè.
Chè sau chế biến thành phẩm chuẩn bị để đem xuất khẩu. Ảnh: Bùi Ánh |
Từ năm 1996, các xưởng chè đã bắt đầu hình thành trên đất nông nghiệp và cơi nới mở rộng ra theo thời gian từ nhu cầu thực tiễn về mở rộng khuôn viên, tăng công suất hoạt động nên việc lấn chiếm đất nông nghiệp vẫn tiếp tục tái diễn. Và cho đến nay, các xưởng này vẫn chưa hề có một bất cứ thủ tục nào liên quan được cấp phép.
Cần một hướng xử lý "mở" cho các xưởng chế biến chè
Mặc dù các xưởng chè hoạt động đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương và cũng là nơi tiếp nhận đầu ra cho vùng nguyên liệu chè ở các huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Tuy nhiên dù ở góc độ nào cũng cần phải tuân thủ mọi quy định của pháp luật hiện hành.
Để mở được xưởng chè quy mô như hiện nay, ông Lương Văn Minh – chủ xưởng chè Minh An (xóm Trường Sơn) đã phải bôn ba đi học hỏi tận Lâm Đồng, đi ra ngoài Bắc tìm hiểu mô hình để học hỏi nhưng khi về đầu tư thì hoạt động sản xuất ở đây có nhiều khó khăn hơn. Thời gian đầu để thu mua được chè từ các hộ dân, xưởng đã phải đầu tư phân bón để nhận nguyên liệu, nếu người dân có thiếu tiền thì cũng tạo điều kiện đầu tư cho họ nhưng sau này phương thức thay đổi nên việc này cũng bị cắt bỏ.
Gần 3.000m2 đất nông nghiệp vừa bị xưởng chế biến chè Truyền Thống san lấp, bỏ móng giằng để mở rộng khuôn viên dù đã bị UBND huyện Thanh Chương xử phạt gần 52 triệu đồng nhưng sau hơn 1 tháng vẫn chưa khắc phục trả lại hiện trạng ban đầu . Ảnh: Bùi Ánh |
“Toàn bộ diện tích hoạt động của xưởng đều là đất chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng. Cá nhân tôi rất mong muốn làm thủ tục để hoạt động cho dễ dàng. Từ trước tới nay chưa có ai làm thủ tục cho cả. Nhà máy này được xây dựng đầu tiên của Nghệ An, do nguồn vốn khó khăn nên một năm nâng cấp lên một lần, kể cả đất đai cũng mở rộng dần nên mới có quy mô lớn như hôm nay. Đất làm xưởng chủ yếu đất của gia đình và có một phần quy đổi cho các hộ dân khác. Xưởng hoạt động với công suất 40 tấn ngày đêm và giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động tại chỗ. Dù kinh phí có hết bao nhiêu tôi cũng rất muốn chuyển đổi cho đúng thủ tục để yên tâm sản xuất” - ông Minh nói.
Mặc dù các xưởng chế biến chè giải quyết việc làm cho nhiều lao động cũng như thu mua nguyên liệu đầu vào cho người dân trồng chè nhưng cần phải tuân thủ những quy định của pháp luật. Ảnh: Bùi Ánh |
Trao đổi về vấn đề này, ông Hà Quang Thắng – Chủ tịch UBND xã Thanh Mai cho biết: “Xã rất đồng hành và ủng hộ các xưởng chè trong việc thu mua nguyên liệu đầu vào cho bà con trồng chè và tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương nhưng việc vi phạm này đã diễn ra từ lâu trong quá khứ. Xã rất muốn các hộ kinh doanh sớm chuyển đổi, hoàn thành mọi thủ tục để yên tâm sản xuất. Dù trước đây huyện cũng đã về giải quyết nhưng vẫn chưa thành. Do đó, hiện nay xã rất khó để quản lý, và giải quyết những vướng mắc này lại vượt quá thẩm quyền của xã”.
Tác giả: Bùi Ánh
Nguồn tin: tapchinongthonmoi.vn