Công trình này được khởi công vào tháng 10/2014 sau khi có chấp thuận chỉ định thầu của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, hạng mục đập phụ, kênh tiêu thông hồ và kênh tiêu Châu Bình thuộc dự án hồ chứa nước Bản Mồng (dự án lớn hồ chứa nước Bản Mồng được khởi công từ ngày 30/5/2010 với hơn 44 ngàn tỷ đồng) đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt ngày 09/10/2012 với tổng mức đầu tư 756 tỷ đồng. Năm 2014, hạng mục này được Bộ Nông nghiệp và PTNT phân bổ vốn 138,35 tỷ đồng, giai đoạn 2014-2016 phân bổ tiếp 600 tỷ đồng.
Thế nhưng nhiều năm nay, hơn 600 hộ dân thị tứ Châu Bình và cơ sở hạ tầng như trường học, trụ sở UBND, HTX nông nghiệp, trạm y tế, bưu điện, nhà trẻ, chợ, đường cao thế, quốc lộ 48... nằm trên địa bàn huyện Quỳ Châu, và rộng ra là cả vùng Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Quỳ Hợp… lúc nào cũng lo di dân, ngập lũ.
Với việc hạ cao trình chống ngập và đắp đập phụ sẽ giúp người dân thoát cái nạn lúc nào cũng chực chờ ấy và cũng làm tiết kiệm về kinh tế hàng trăm tỉ đồng. Theo đánh giá, đây là một hạng mục phát sinh sau nhưng lại được xác định là quan trọng bậc nhất, phải tiến hành thi công gấp và hoàn thành trước các công trình đầu mối của dự án như đập chính, kênh tự chảy… Nếu hạng mục này chưa thi công xong không thể chặn dòng tích nước cho hồ Bản Mồng.
“Đứa con” sinh sau được ưu ái hơn nên công trình kênh tiêu Châu Bình cũng được thi công gấp gáp hơn, nhanh hơn… Thế nhưng, tiến độ thi công nhanh đã gặp phải sự cố khi công trình này đang bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài hàng vài km. Sự cố nói trên không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ công trình mà còn khiến cho khả năng đội vốn của dự án tăng cao.
Sau hơn 2 năm thi công, dự án kênh tưới tiêu Châu Bình đã hoàn thành trên 98% hạng mục công trình. Tuy nhiên, hiện nay bờ kênh tưới tiêu Châu Bình đã bị sạt lở với chiều dài gần như toàn tuyến, đất mái kênh bị sạt lở nghiêm trọng. Ngay gần chân cầu bắc qua kênh xảy ra hiện tượng sạt lở với diện rộng có nguy cơ ảnh hưởng đến mố cầu, khối lượng bê tông rãnh dọc, ngang gia cố mái, cống tiêu nước, gia cố cầu bị hư hỏng nặng. Theo người dân ở đây cho biết, tình trạng sạt lở tại hệ thống kênh này bắt đầu từ tháng 4/2016, đến mùa mưa bão thì sạt lở nặng, hiện nay tình trạng sụt lún gần như toàn tuyến, nhưng hơn một năm nay chưa thấy khắc phục.
Chiều 10/4, chúng tôi có mặt tại dự án này và chứng kiến cảnh sụt lún, hư hỏng của công trình giống như một trận động đất vừa mới xảy ra. Hình ảnh con mương dẫn nước (con mương lớn như một dòng sông rộng cả chục mét) đang hoang tàn, nứt nẻ, sụt lún khắp nơi.
Hệ thống kè hai bên kênh sụt lún nham nhở, từ bờ kè bằng đá hộc đến bờ kè bằng đất đều có chung cảnh ngộ. Mặc dù hoàn thành hơn 90% khối lượng, nhưng nhiều đoạn giữa lòng kênh đất đá vẫn còn ngổn ngang, nhiều mố cầu bắc qua tuyến kênh này bị sạt lở nghiêm trọng.
Nguyên nhân sạt lở, sụt lún theo Ban QLDA Bản Mồng (chủ đầu từ) là do một phần do nước chảy xuyên lòng đất, một phần do nước mưa lũ chảy trên vùng đồi núi đã gây nên tình trạng trên. Nghiêm trọng nhất là vùng thượng lưu của dòng kênh, sau 3 lần bị sạt lở đã khiến cho bờ kênh bị sụt xuống nham nhở đất đá.
Chị Lê Thị Bình (SN 1977, trú tại bản Bình 3, xã Châu Bình) cho biết, tình trạng sụt lở xảy ra gần 1 năm nay, nhất vào mùa mưa lũ có nguy cơ sụt lấn vào nhà. “Gia đình chúng tôi phải chủ động xây kè trước đề phòng sụt lún ảnh hưởng đến nhà. Tuy nhiên, phương án này chỉ tạm thời vì kênh được đào rất sâu, mùa mưa lại sắp đến thì sẽ ảnh hưởng đến nhà”, chị Bình nói.
Được biết, sau sự cố nói trên Ban quản lý dự án Bản Mồng đã báo cáo toàn bộ sự việc lên UBND tỉnh Nghệ An và Bộ NN& PTNT để tìm phương án xử lý. Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 cho đến nay phía chủ đầu tư vẫn đang loay hoay tìm giải pháp khắc phục sự cố với các bên liên quan trong sự bế tắc.
Sở dĩ chưa được phê duyệt phương án khắc phục cụ thể bởi chưa thể đánh giá hết các nguy cơ sạt lở có thể xảy ra tiếp theo. Thậm chí, khi bỏ kinh phí ra khắc phục, nếu xảy ra sạt lở tiếp thì sẽ có nguy cơ đội vốn thêm nhiều. Mặt khác, dự án được phê duyệt nhưng chưa được cấp vốn đủ cho nên khó có thể có nguồn vốn kè đá toàn bộ bờ kênh tưới tiêu.
Ngày 9/10/2012, UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định 3879/QĐ-UBND-NN phê duyệt dự án công trình kênh tiêu Châu Bình (thuộc dự án hồ chứa nước Bản Mồng) với chiều dài hơn 10 km đi qua hai xã Châu Bình (Quỳ Châu) và xã Yên Hợp (Quỳ Hợp) với tổng mức đầu tư hơn 750 tỷ đồng. Hơn 2 năm rầm rộ thi công, hệ thống kênh tiêu này đã hoàn thành hơn 90%. Tuy nhiên, đến nay mặc dù chưa được bàn giao nhưng kênh tiêu này có hiện tượng sụt lún nghiêm trọng, có nguy cơ hư hỏng toàn tuyến, nếu không có phương án khắc phục. Dự án ảnh hưởng đến 4 xã và thị trấn, trên 1.000 hộ bị ảnh hưởng từ dự án này, trong đó có 370 hộ dân phải di dời. Dự án sẽ cấp nước và tạo nguồn cấp nước cho hơn 180 ha nông nghiệp và nước sinh hoạt, chăn nuôi cho người dân nơi đây và vùng phụ cận. Ngoài ra, còn cải tạo môi trường sinh thái trong khu vực, kết hợp phát triển du lịch, dân sinh, phòng chống lũ hạ du... sau khi đi vào hoạt động có chức năng đảm bảo tiêu thoát lũ vùng trung tâm thị tứ xã Châu Bình và các vùng phủ cận... |
Một số hình ảnh kênh tiêu nước hơn 750 tỷ đồng chưa bàn giao đã xuống cấp trầm trọng.
Tác giả bài viết: Nguyễn Duy
Nguồn tin: