Trong tỉnh

Nghệ An: Cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho Lâm trường Đồng Hợp có đúng pháp luật?

Người dân Tam Hợp đề nghị xác minh làm rõ tính pháp lý, quy trình trong việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho Lâm trường Đồng Hợp.

Những người đặt nền móng cho rừng ở Rộc Vó

Trăn trở với rừng, người dân xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An gửi đơn phản ánh tới Pháp luật Plus về việc: Người dân Tam Hợp đề nghị xác minh làm rõ tính pháp lý, quy trình trong việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho Lâm trường Đồng Hợp, vì cho rằng cấp chồng lấn lên đất của người dân (trong đó có người đã được cấp sổ đỏ) và đề nghị UBND huyện Quỳ Hợp cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho 45 hộ dân đã khai hoang từ 1980 đến nay, nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ (có kèm theo giấy xác nhận của chính quyền xã).

Theo hồ sơ người dân gửi tới Pháp luật Plus: Năm 1980-1981, các hộ dân được ông Nguyễn Hữu Đợi, nguyên Bí thư huyện Ủy huyện Quỳ Hợp, người gắn liền với công trình thế kỷ đưa đến xóm Rộc Vó, xóm Vắng, (nay là xóm Long Thành, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) để xây dựng vùng kinh tế mới.

Tại đây, người dân cần cù, nỗ lực, khai hoang trồng trọt để phát triển kinh tế và mưu sinh, họ sống ổn định từ đó đến nay, không có tranh chấp với bất cứ cá nhân, tổ chức nào.

Năm 1994 đến 2003, thực hiện Dự án trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc, (còn gọi là Dự án 327) được sự vận động của chính quyền địa phương, các hộ dân đã đưa diện tích đất đang trồng sắn, đậu vào trồng keo và bạch đàn.

Thế nhưng, năm 2003, UBND xã Tam Hợp, phòng Địa chính, phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (thuộc UBND huyện Quỳ Hợp) đã lập hồ sơ trình UBND tỉnh Nghệ An, cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho Lâm trường Đồng Hợp, bao trùm lên toàn bộ diện tích đất (đất ở, đất sản xuất, đất khai hoang, đất ao, hồ) của các hộ dân, gây khiếu kiện nhiều năm nay. Lý giải về vấn đề này, anh Hồ Văn Thắng (người có tên trong đơn phản ánh) nêu:

“Một hồ sơ hết sức quan trọng dùng để làm căn cứ xác minh, giải quyết tranh chấp đất dai là bản đồ địa giới hành chính xã Tam Hợp, được đo vẽ theo Chỉ thị số 364-CT, ngày 06/11/1991 của Hội đồng bộ trưởng.

Bản đồ này thể hiện rất rõ đơn vị Hành chính xóm Rộc Vó, xóm Vắng (nay là xóm Long Thành, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp) rất rõ ràng.

Tuy nhiên, bản đồ này lại không thể hiện một chi tiết nào chứng minh là đất của Lâm trường Đồng Hợp hay Lâm nghiệp Sông Hiếu như cán bộ huyện Quỳ Hợp, cán bộ xã Tam Hợp trả lời cho các hộ dân chúng tôi.

Điều lạ lùng là từ năm 2007 đến 2019, UBND tỉnh Nghệ An đã có 06 Quyết định thu hồi đất của Lâm trường Đồng Hợp trên địa bàn xã Tam Hợp để giao về cho các hộ dân sản xuất nhưng lại lấy chính đất ở, đất sản xuất, đất khai hoang của các hộ dân để giao lại cho các hộ dân.

Mặc dù cấp hàng trăm hata đất cho Lâm trường Đồng Hợp nhưng hồ sơ cấp đất thì sở Địa chính tỉnh Nghệ An, nay là Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An không hề hay biết.

Khi cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho Lâm trường Đồng Hợp không có thông báo cho các hộ dân chúng tôi được biết, không có quyết định thu hồi đất, đền bù theo quy định pháp luật”- anh Thắng bộc bạch.

Nhiều người dân đồng quan điểm và nêu ý kiến trong buổi tiếp xúc với phóng viên. Đáng chủ ý là người dân khẳng định.

“Từ thực tế trên chúng tôi khẳng định, việc UBND tỉnh Nghệ An cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho Lâm trường Đồng Hợp, bao gồm cả phần diện tích đất của hộ dân trên địa bàn xóm Long Thành, xã Tam Hợp là không đúng theo quy định của pháp luật.

Vì thực tế, trong đó có cả đất đã được cấp sổ đỏ của người dân xóm Long Thành nhưng hiện nay cũng thuộc đất của Lâm trường Đồng Hợp.

Chính vì lẽ đó, người dân có nghi ngại về tính pháp lý của Giấy chứng nhận QSDĐ đứng tên Lâm trường Đồng Hợp.

Người dân chúng tôi cần đất để trồng rừng, bảo vệ rừng và cũng là để mưu sinh. Rất mong các cán bộ có tâm và tôn trọng sự thật, giải quyết dứt điểm cho người dân, để người dân chúng tôi được ổn định làm ăn, an cư lập nghiệp…”- ông Phạm Văn Quý đề nghị.

Người dân Tam Hợp chờ đợi kết luận từ Thanh tra tỉnh Nghệ An

Để tìm hiểu thực hư sự việc, ngày 23/11/2021, phóng viên Pháp luật Plus đã có buổi làm việc với UBND huyện Quỳ Hợp về việc; 45 hộ dân đề nghị được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ theo danh sách mà xã đã xác minh nguồn gốc đất tự khai hoang và sản xuất từ 1980, tới năm 2010 người dân mới liên doanh với Lâm trường Đồng Hợp để trồng keo. Nội dung tiếp theo về tính pháp lý của Giấy chứng nhận QSDĐ đứng tên Lâm trường Đồng Hợp.

Ông Lê Sỹ Hào, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Quỳ Hợp cho biết: “Việc cấp giấy chứng nhận cho Lâm trường Đồng Hợp là do UBND tỉnh Nghệ An cấp, nên tôi không trả lời về vấn đề này.

Về việc chưa cấp Giấy chứng nhận QSDĐ của 45 hộ dân là do còn có hộ dân đang tranh chấp với nhau nên chưa thể cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, chưa cấp chứ không phải không cấp”- ông Hào khẳng định.

Ngày 24/11/2021, phóng viên làm việc với Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Nghệ An về tính pháp lý cũng như quy trình cấp Giấy chứng nhận QSDĐ của Lâm trường Đồng Hợp.

ông Toàn cán bộ Phòng Tài nguyên Môi trường cho biết: “Việc tranh chấp đất giữa người dân và Lâm trường Đồng Hợp đã lâu, nhiều lần cán bộ đã xuống cơ sở đối thoại với bà con nhưng chưa tìm được tiếng nói chung.

Hiện tại tỉnh đã giao cho Thanh tra tỉnh để giải quyết. Khi có kết luận của Thanh tra chúng tôi sẽ trả lời báo chí và người dân.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục đưa tin khi có kết luận của Thanh tra tỉnh Nghệ An về những nội dung mà người dân Tam Hợp phản ánh./.

Tác giả: Ly Ly- Gia Hải- Cao Sơn

Nguồn tin: Pháp luật Plus

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP