Trong tỉnh

Ngăn chặn vấn nạn thực phẩm bẩn lưu hành trước Tết nguyên đán

Cuối năm là thời thời điểm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng đột biến. Đây cũng là lúc thực phẩm không đảm bảo vệ sinh có cơ hội trà trộn vào thị trường.

Bắt giữ nhiều vụ vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc

Ngày 23/12, thông tin từ Công an huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, đội CSGT-TT Công an huyện này vừa bắt giữ một chiếc xe tải chở 2 tạ thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo đó, khoảng 5h10 ngày 22/10, tổ công tác của đội CSGT-TT Công an huyện Quế Phong đang làm nhiệm vụ tại địa phận xã Tiền Phong thì phát hiện chiếc xe tải mang BKS: 37C-221.09 có dấu hiệu nghi vấn nên ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra.

Qua kiểm tra, cảnh sát phát hiện trên thùng xe tải có chở 7 thùng gà đông lạnh không đầu, 5 thùng chứa chân gà đông lạnh, 2 thùng xúc xích, 1 thùng cá viên chiên, tôm viên với tổng trọng lượng 200kg.

Cơ quan chức năng phát hiện 2 tạ thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Làm việc với cảnh sát, tài xế Hồ Đình Toàn (SN 1986, trú tại xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) khai nhận, số hàng trên là của anh Đinh Công Quỳnh (SN 1991, trú tại xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An).

Tại thời điểm kiểm tra, anh Đinh Công Quỳnh không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến số thực phẩm nói trên. Tổ công tác đã lập biên bản đưa người và số tang vật trên về trụ sở Công an huyện để tiếp tục xác minh làm rõ.

Theo Công an huyện Quế Phong, dịp cuối năm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm gia tăng nên các đối tượng thường thu mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, không có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm để mua bán. Nếu không được phát hiện kịp thời, số thực phẩm không đảm bảo có thể sẽ được tiêu thụ tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

7 thùng gà đông lạnh không đầu, 5 thùng chứa chân gà đông lạnh bị phát hiện.

Trước đó, trung tuần tháng 11/2023 vừa qua, lực lượng quản lý thị trường Nghệ An đã phối hợp với Công an huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An chốt chặn, kiểm tra, phát hiện, thu giữ 50kg chân gà và 40kg xương ống lợn đông lạnh. Tất cả hàng hóa đều không có nhãn phụ tiếng Việt và không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc.

Vào đầu tháng 10/2023, Công an Tx. Hoàng Mai cũng đã phát hiện tại nhà bà Hồ Thị Thương (SN 1986, trú tại thôn 14, xã Quỳnh Vinh, Tx. Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) đang tập kết khoảng 400kg da trâu, da bò đang bốc mùi hôi thối, 1.400kg mỡ bò, mỡ lợn, 200kg tóp mỡ lợn, mỡ bẩn.

Bước đầu, bà Hồ Thị Thương khai nhận thu mua các loại sản phẩm trên để mục đích kinh doanh. Sau khi mua về, bà Thương sẽ lọc lấy phần mỡ bò, mỡ lợn và chiên lên thành dầu ăn, tóp mỡ để bán cho các quán ăn bình dân trong và ngoài tỉnh.

Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm

Ông Nguyễn Văn Hường, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Nghệ cho biết, cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, một số chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm đã lén lút đưa ra thị trường các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc quá hạn sử dụng để bán kiếm lời, bất chấp hậu quả xấu đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Nhằm đảm bảo thực phẩm lưu thông trên thị trường an toàn, đặc biệt là Tết nguyên đán đang cận kề, lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đang tăng cường triển khai công tác thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm trên toàn địa bàn. Trong đó, chú trọng kiểm tra tại các cơ sở phân phối, chợ truyền thống, hệ thống siêu thị, hàng hóa lưu thông trên thị trường; xử lý nghiêm các sai phạm.

Các thùng xúc xích cũng không rõ nguồn gốc.

Đại diện Quản lý thị trường Nghệ An thông tin thêm, so với những năm trước, hiện nay, hầu hết các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm đã nắm bắt được Luật an toàn thực phẩm, thể hiện qua việc các cơ sở tuân thủ quy định mua bán các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ, đầy đủ giấy tờ liên quan, tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm, đầu tư cơ sở vật chất khu vực sản xuất, chế biến thực phẩm khang trang...

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ sở, nhất là cơ sở nhỏ lẻ, hộ gia đình vi phạm, chưa tuân thủ quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, cơ sở chế biến tồi tàn, không đảm bảo vệ sinh.

Các lỗi vi phạm chủ yếu phát hiện trong qua trình kiểm tra như cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề có điều kiện mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc đã hết hạn. Thực hiện không đúng quy định của pháp luật về kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn. Người trực tiếp chế biến thức ăn không có trang phục bảo hộ lao động theo quy định. Khu vực chứa đựng, kho bảo quản không đảm bảo. Vi phạm quy định của pháp luật về bảo quản thực phẩm...

Số hàng này tràn vào thị trường thời điểm trước Tết nguyên đán.

Ông Phạm Ngọc Quy, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An cũng chia sẻ, tết và mùa lễ hội chính là thời điểm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng đột biến và kéo theo nhiều nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chính thời điểm này, các vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi. Vì lợi nhuận, các đối tượng đã đưa vào thị trường các loại thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc; bán thực phẩm bẩn cho người tiêu dùng.

Trong năm 2022, tỉnh Nghệ An đã thành lập 1.212 đoàn, tiến hành thanh tra, kiểm tra được 10.366 cơ sở, trong đó, có 9.630 cơ sở đạt, 736 cơ sở vi phạm, tổng số tiền xử phạt 2.155.555.000 đồng. Các lỗi vi phạm về an toàn thực phẩm đáng lưu ý gồm có: Thực hiện không đúng quy định của pháp luật về kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn; sử dụng nơi bảo quản, phương tiện bảo quản thực phẩm không bảo đảm vệ sinh; kinh doanh thực phẩm, sử dụng nguyên liệu, thực phẩm đã quá thời hạn, không rõ nguồn gốc xuất xứ;…

Tác giả: Nguyễn Anh Ngọc

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP