Trước đó vào khoảng hơn 22h, ngày 3/9, lực lượng thường trực thuộc Ban quản lý tại khu vực Chùa Đồng, Yên Tử trong khi ra bên ngoài gần khu vực sâu để phóng sinh 1 con rắn hổ mang chúa về rừng thì nghe có tiếng kêu cứu yếu ớt tại ở phía dưới vực nên báo cáo lãnh đạo Ban quản lý và lãnh đạo TP Uông Bí.
Ngay lập tức TP Uông Bí cùng Ban quản lý đã chỉ đạo các lực lượng triển khai ngay các biện pháp cứu người. Mặc dù trời tối, vách núi dốc đứng, đường khó đi… nhưng lực lượng cứu nạn vẫn quyết tâm tìm cách tiếp cận khu vực người bị nạn nhanh nhất.
Đến hơn 23h, công tác cứu nạn đã thành công. Qua sơ cứu ban đầu, lực lượng cứu hộ nhận định nạn nhân chỉ bị thương phần mềm, không chấn thương vùng nguy hiểm đến tính mạng. Ban quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử đã tiến hành đưa nạn nhân xuống chân núi Yên Tử và chuyển nạn nhân đến Bệnh viện Việt Nam- Thụy Điển, đồng thời báo cho người thân của nạn nhân.
Theo một thành viên thuộc lực lượng cứu hộ, khi lực lượng cứu hộ tiếp cận, nạn nhân tỏ ra hoảng loạn và khá đau do các vết trầy xước, bong gân…
Khi đã trấn tĩnh, nạn nhân kể lại, sáng ngày 3/9, anh đón xe khách đến Yên Tử để lễ Chùa. Sau khi đi cáp treo lên núi, anh tiếp tục lên chùa Đồng. Khoảng 18h cùng ngày anh di chuyển xuống phía dưới, được khoảng 50m thì thấy buồn ngủ nên nằm ngay trên vách đá bên đường ngủ thiếp đi.
Sau khoảng 2 giờ đồng hồ, nạn nhân tỉnh dậy và tự ý trèo qua lan can dù đã có biển cảnh báo dẫn tới trượt chân ngã xuống vách núi có độ sâu tới 200m. Tuy nhiên, nạn nhân may mắn bị mắc vào một cành cây ở độ sâu 30m rồi ngất đi. Sau đó một lúc nạn nhân tỉnh dậy kêu cứu và may mắn được lực lượng cứu hộ nghe thấy.
Tác giả bài viết: Hải Sâm